Băn khoăn với 'tàu 67'

Đi dọc các làng chài ven biển miền Trung, có thể nhận thấy sự băn khoăn của một số ngư dân là tàu vỏ thép đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, sau một thời gian sử dụng để lộ những nghi vấn về việc phần mạn tàu nằm dưới nước là thép tốt, phần trên là thép 'có vấn đề'. Một ngư dân vò đầu cho biết: 'Sơn 1 tuần là thép lại sùi ra như mụn cóc…'

Ngư dân tự sơn tàu sau chuyến đi biển. Ảnh: Văn Chương

Ngư dân tự sơn tàu sau chuyến đi biển. Ảnh: Văn Chương

Bạc tóc vì kiếm “thuốc hay”

Tại cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, ngư dân Nguyễn Thanh Tiến vừa đánh lái cho chiếc tàu QNa91327TS cập cảng sau hơn 20 ngày ròng rã bám biển. Với khoảng thời gian dài như vậy sau mỗi chuyến đi, các ngư dân đều tranh thủ bán cá, cạo sơn để trám lại những mảng sắt thép trên thân tàu bị hoen gỉ. Ông thuyền trưởng sau 4 năm cầm lái chiếc tàu bất đắc dĩ đã trở thành một ông thợ sơn thực thụ. Trên tàu có đủ thiết bị máy mài tay, cọ sơn, các loại sơn tàu biển. Chiếc tàu này đã từng được đưa lên ụ để sơn sau 3 năm hoạt động.

Dù tích cực tự bảo dưỡng tàu sau mỗi chuyến đi biển, nhưng dường như những vết loét trên thân tàu mỗi ngày một loang rộng và không có dấu hiệu tốt hơn. Ông Tiến cho biết, ông chạy khắp nơi để tìm loại sơn đặc trị, giống như người bệnh lùng thuốc chữa bệnh nan y. Lý do là mặc dù đã sơn, nhưng chỉ sau 1 tuần thì vết gỉ vẫn bung và loang rộng. Ông Tiến chạy ra Đà Nẵng, đến các tiệm bán sơn, nhà máy đóng tàu để hỏi cặn kẽ về sơn 2 thành phần, sơn chống gỉ, chống hà, nhưng xem ra “thuốc hay” mang về vẫn trở nên vô dụng.

Chiếc tàu của ông Tiến được đóng tại Công ty Cổ phần Công nghiệp thủy sản ở phường Tân Thuận Đông, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh và hạ thủy đi biển từ năm 2017. Sau 4 năm ngược xuôi trên biển, phần thép được đóng ở lườn tàu vẫn chưa hư hỏng, nhưng riêng phần thép nằm dọc ca bin, sàn tàu thì có dấu hiệu hoen gỉ nặng. Những mối hàn ghép giữa các cấu kiện, boong, ca bin cũng bị gỉ và đây là những điểm rất khó có thể sửa chữa bằng cách thông thường. Ông Tiến cho biết, chiếc tàu được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, toàn bộ chiếc tàu được ký hợp đồng là đóng bằng thép của Hàn Quốc, nhưng không hiểu sao, thép ở phần trên ca bin lại quá nhanh gỉ và không khắc phục được?

Đi dọc các tỉnh miền Trung, khi tiếp xúc với các chủ tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ thì đều được các chủ tàu chia sẻ băn khoăn về chất lượng thép đóng tàu không đồng nhất, chỗ thì tốt, chỗ nhanh mục nát. Một số chủ tàu đã tính tới việc thuê riêng công ty giám định để kiểm tra lại nguồn gốc thép.

Khó biết hỏi ai?

Vào thời điểm triển khai Nghị định 67, Báo Biên phòng đã đăng loạt bài về tàu vỏ thép đóng trước khi Nghị định 67 ra đời, đồng thời chia sẻ những bài học kinh nghiệm, trong đó nêu rõ cách chọn thép, quy trình đàm phán và chốt giá, ký hợp đồng chia nhiều gói thầu thiết bị, đề xuất mỗi tỉnh thành lập 1 tổ tư vấn giúp cho ngư dân. Đến thời điểm hiện nay, khi triển khai, ngư dân đang gặp khó khăn trong việc sơn tàu ra sao, sơn ở đâu thì tốt, chọn loại sơn gì...? Những câu hỏi trên vẫn cần được trả lời bằng tổ tư vấn, nhưng tổ tư vấn không có, ngư dân đành phải tự “bơi”.

Hiện nay, phần lớn các tàu cá vỏ thép đi vào sử dụng đã trải qua 1-2 lần bảo dưỡng, kéo lên ụ. Nhưng nhiều chủ tàu vẫn đang loay hoay, tiếp tục lựa chọn đơn vị nào sơn tàu tốt. “Thị trường giới thiệu các loại sơn chống gỉ Jotun, Epoxy, Hải Phòng, Panda, nhưng không rõ loại nào tốt, có mua được đúng sơn thật hay không?” - một chủ tàu chia sẻ băn khoăn.

Việc sơn tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 sẽ trở nên đơn giản đối với những chiếc tàu được đóng bằng thép chất lượng tốt, không bị cắt xén các cấu kiện trên khung sườn, sử dụng thép đúng kích cỡ. Còn đối với những chiếc tàu được kiểm định qua loa, quá trình đóng không đúng với thiết kế thì việc sơn, sửa lại tàu cũng là bài toán gay go. Một số tàu, như tàu của ngư dân Ngô Thanh Phong ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, sau một thời gian hoạt động thì sàn tàu võng xuống, trên boong tàu đọng nước. Tàu mà bị ngập lụt ngay trên boong là chuyện hiếm có.

Ông Nguyễn Mạnh Đài, kỹ sư tàu biển, Giám đốc Công ty sửa chữa tàu Mạnh Khang cho biết: “Chu kỳ sơn tàu là 36 tháng, nhưng cứ 24 tháng thì bà con kéo lên bờ sơn là tốt nhất. Việc bảo dưỡng tàu vỏ thép không kỹ lưỡng sẽ gây ra những nguy hiểm tiềm ẩn. Tàu vỏ gỗ dù bị thủng thì vẫn nổi phần mũi trong nhiều ngày rồi mới chìm, riêng tàu vỏ thép có trọng lượng nặng thì thường chìm ngay”.

Được biết, nhiều ngư dân đang tự sơn bù vào thân tàu, các điểm bong tróc sau mỗi chuyến biển. Trong tài liệu về quy trình sơn tàu vỏ thép yêu cầu phải làm sạch bề mặt thép, xem đây là nền tảng cấu tạo vững chắc của lớp sơn, giúp kéo dài tuổi thọ của màng sơn. Chú ý phải loại bỏ mọi tạp chất như: Bụi, dầu mỡ, những vảy gỉ sét, lớp sơn đã cũ hay bị bong tróc khỏi bề mặt tàu, làm sạch bề mặt (sau khi đã cạo gỉ) bằng chất tẩy dầu, súng bắn nước áp suất cao cùng với dụng cụ để làm sạch bề mặt. Tàu biển là nơi sinh sống lý tưởng của loài sinh vật biển trôi nổi cộng sinh như hà, trùng đục lỗ và rêu rong... Các loài sinh vật biển cộng sinh vào vỏ tàu, sinh trưởng với tốc độ chóng mặt, gây cản nước khi tàu vận hành. Vì vậy, tàu bị hà bám sẽ chạy rất nặng máy. Đối với phần sơn chống hà dưới đáy tàu, ngư dân không thể tự làm, chỉ có việc lặn kiểm tra; các công ty bảo dưỡng sẽ sơn 2 lớp chống hà thay cho 2 lớp sơn phủ để tránh hà bám vào tàu làm giảm tốc độ tàu và phá hủy thân tàu.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ban-khoan-voi-tau-67-post438677.html