Bản Lầm chuyển hướng sản xuất
Những năm qua, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, xã Bản Lầm (Thuận Châu) đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đầu tư phát triển kinh tế; tích cực chuyển đổi đất nương trồng cây lương thực hiệu quả thấp sang trồng cây cà phê, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Là xã vùng III của huyện Thuận Châu, Bản Lầm có 6 bản, với 850 hộ, thuộc 2 dân tộc Thái và Mông cùng sinh sống. Hằng năm, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo phát triển kinh tế; xây dựng kế hoạch đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Chỉ đạo các chi bộ, tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đưa các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; xây dựng mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người dân; lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn hơn 25 tỷ đồng phát triển sản xuất, kinh doanh.
Vừa thâm canh gần 90 ha lúa ruộng, sản lượng đạt gần 300 tấn thóc/năm, nhân dân trong xã còn tích cực chuyển đổi diện tích cây lương thực ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cà phê và cây ăn quả. Hiện, xã có 930 ha cây cà phê, trong đó 900 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 8 tấn quả tươi/ha/năm; trồng gần 90 ha mận hậu xen trong cây cà phê, sản lượng trên 500 tấn quả mận/năm.
Ngoài ra, xã chỉ đạo các bản hướng dẫn bà con phát triển chăn nuôi gắn với phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chú trọng tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho đàn vật nuôi. Trong 6 tháng đầu năm, tiêm 3.000 liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng và 600 liều liều vắc xin viêm da nổi cục cho trâu bò; hướng dẫn bà con vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng, phòng chống đói rét, dịch bệnh. Trồng 24 ha cỏ voi VA06 để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Hiện, xã duy trì chăn nuôi gần 1.000 con trâu, bò; gần 600 con dê; 230 con lợn và 10.000 con gia cầm các loại. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 40,06%; thu nhập bình quân đạt 17 triệu đồng/người/năm.
Gia đình anh Quàng Văn Diên, bản Pùa, là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã. Anh Diên chia sẻ: Năm 2019, gia đình tôi đã đầu tư hơn 60 triệu đồng từ tiền tiết kiệm của gia đình xây dựng chuồng trại, mua con giống về chăn nuôi. Để có kiến thức chăn nuôi, tôi đã học hỏi trên mạng internet, đọc sách, báo... Hiện, gia đình có 6 con bò; trên 1.000 con gà ri Lạc Thủy và hơn 100 vịt cổ xanh. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng từ chăn nuôi.
Nói về định hướng phát triển kinh tế của xã trong thời gian tới, ông Cà Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầm, cho biết: Tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất nương trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây cà phê, cây ăn quả, trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc; thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; sản xuất an toàn, hiệu quả, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ban-lam-chuyen-huong-san-xuat-41667