Bạn Làng

Thằng Vân chết vào một buổi chiều đi làm phu hồ về. Những năm đói kém đến mê muội của làng quê bước vào kì đổi mới. Thế mà bữa cơm hôm ấy toàn những thứ của rừng của quê mà cũng toàn những thứ ngon đặc sản bây giờ. Cũng chả phải đi mua đi xin gì mà là vợ nó kiếm lấy ở đồng làng.

Cá trê kho quả dọc với tương, nộm hoa chuối với vừng, bát canh chuối nấu cá quả. Mớ rau sống tập tàng những là rau má rau tía tô búp đinh lăng mùi tàu và cả mấy cọng non của búp đu đủ trắng ngơn ngớn. Thế mà nó chết lúc khề khà chén rượu và đang nói chuyện đi học trên đường tàu hỏa ngày xưa.

Bữa ăn cuối cùng hôm ấy, Vân ngồi kể chuyện với vợ và đứa con út đang còn đi học cấp 3. Nó kể ngày ấy nó đi với thằng Luân trên đường tàu và có hôm đi sớm quá rẽ xuống bãi sông Hồng nhổ hai cây bắp cải xiên vào đầu cái cây nứa vác lủng lẳng đến nhà trọ. Anh chị chủ nhà trọ hỏi sao mà cây bắp cải có cả rễ thế kia? Nó bảo vặt cả rễ cho tươi ăn dần đến cuối tuần. Thế là cả tuần ấy cây bắp cải cứ để nguyên gốc rễ chỉ bóc dần bẹ rau mà luộc. Nó cười hớ hớ. Bỗng dưng nó ngã ngửa ra sàn nhà. Nó đi mà chén rượu vẫn cầm tay.

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Cũng chả hiểu sao mà phải hai tuần sau người ta mới nhắn về cho thằng Luân là thằng Vân chết. Rồi lúc thằng Luân về, bà mẹ thằng Vân còng lưng ngồi gù cửa bếp khóc váng lên. "Ối cháu ơi mày về mày thắp cho nó nén nhang. Nó còn mấy đứa con chưa yên bề. Bá thì già quá rồi… cũng đi theo nó thôi. Ối con ơi lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi là trời". Hôm ấy thằng Luân ngồi mãi ở bếp với mẹ thằng Vân. Lúc nó ra về có con tàu trên Lào Cai về rít còi ở quãng đường cong cổng nhà nó nghe như từ mấy chục năm trước. Tiếng còi tàu nghèn nghẹn.

Ngày ấy nhà hai đứa chỉ cách nhau có một tràn ruộng dé. Nhà thằng Vân năm anh em thì nhà thằng Luân cũng năm anh em. Nhà Vân chỉ cách đường tàu hỏa chừng mười lăm mét. Còn nhà thằng Luân cách một trăm mét. Tối tối chúng nó có cái thú rủ nhau ra đường tàu ngồi làm cái thú sau chức "Quận công". Hai thằng ngồi đối diện trên đường ray thò mông ra bên ngoài vừa mát vừa nhìn mặt nhau nói chuyện đến là vui. Có đận tàu hú còi từ xa, hai đứa ôm quần chạy rẽ mỗi thằng một phía.

Thằng Vân cái gì cũng giỏi hơn thẳng thằng Luân trừ mỗi học là kém hơn. Cây nhãn cổ thụ nhà thằng Luân chỉ Vân là trèo lên đến ngọn. Thằng Luân ngồi cành dưới ngửa cổ xin thằng Vân thả cho vài chùm.

Năm ấy vào quãng tháng tám năm 1966, cả xóm đi sơ tán triệt để vì máy bay Mỹ hay ném bom đường tàu hỏa. Hai thằng mò về vườn ăn nhãn. Đang trên cây bẻ nhãn thì máy bay tới. Bom nổ oành oành phía ga tàu. Thằng Luân kêu lên. "Vân ôi xuống thôi bom oánh chết bây giờ". Có tiếng thằng Vân la lên. "Ong bò vẽ mày ôi", nó hét nó kêu trong tiếng máy bay phản lực xoe xóe.

Thằng Luân ngửa cổ lên nhìn Vân vùng vẫy rồi nó rơi xuống. Luân nhắm mắt lại rồi mở mắt ra thấy thằng Vân ôm được cành dưới ngay cạnh mình. Ong bay vù vù trên cao mà không sà xuống thấp. Hai thằng xuống khỏi cây nhãn chạy vào vườn ngắt quả chanh xát vào vết ong đốt của Vân. Chiều tối hôm ấy mẹ thằng Vân sang nói chuyện với mẹ thằng Luân là hai đứa nó đi bắt cua trưa nắng về nên thằng Vân bị cảm rên hừ hừ.

Bố thằng Vân cũng đi dân công Điện Biên Phủ như bố thằng Luân nhưng có mấy đoạn dây dù mang về còn bố thằng Luân thì không có. Thằng Vân được thừa hưởng một đoạn làm dải rút. Cái dải rút quần bằng dù mới oai làm sao. Nó thò lò một đoạn chừng một gang tay mà hấp dẫn lũ con trai lạ lùng.

Ngày ấy dây rút lũ trẻ ở quê toàn bằng bẹ chuối. Thắt quần lá tọa. Họa hoằn mới có đứa có quần đùi dây rút tử tế. Cho đến những năm 1960 mua được mét chun quần màu trắng trắng là hết mẹ nó nửa gánh sắn. Thằng Vân cho thằng Luân mượn cái dải rút để diện cho oai. Đến chiều 30 tết thằng Vân đến cổng réo đòi rải rút. Thằng Luân cởi quần trả dải rút mà ức lắm.

Hôm sau sáng mồng 1 thằng Vân đã réo ngoài cổng rủ đi đánh đáo. Thằng Luân chạy ra, "tao éo đi". Thằng Vân cởi dải rút đưa cho thằng Luân. Thế là hai đứa lại vui vẻ đi chơi suốt mấy ngày tết. Cho đến chiều mồng 3 cả hai đứa chợt nhớ ra là đi thả trâu. Hai đứa cưỡi trâu ra tràn ruộng một vụ gốc rạ đang trổ những mầm lúa xanh rì. Con Dòng nhà Luân và con Cái nhà thằng Vân soắn vào nhau nó ngửi nó hít nhau còn hai đứa lại lên đường cái ngồi đánh đáo.

Thằng Vân bảo với thằng Luân. Con Cái nhà tao nó yêu con Dòng nhà mày. "Sao lại biết?"- thằng Luân hỏi lại. Thằng Vân nheo mắt. "Mày không thấy nó ngửi nhau à? Thế là nó phải lòng nhau đấy. Mày không nghe người lớn họ nói à? Phải lòng nhau là thích ngửi mùi của nhau mày hiểu chưa?". Thằng Luân cười. "Kinh bỏ mẹ". Thế mà rồi chả ai nói mà cả xóm ai cũng biết là hai con Cái con Dòng này nó thích nhau.

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân (C,xtamthanhha@gmail.com)

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân (C,xtamthanhha@gmail.com)

Thằng Vân hơn thằng Luân một tuổi. Nó khỏe hơn và cũng trượng phu hơn. Đấy là thằng Vân bảo thế. Cả lũ đi học cùng nhau đều xem chung mấy bộ sách kiếm hiệp của nhà thằng Luân. Thằng Vân thích nhất lão tướng Hồ Hán Thăng. Nó còn so sánh Hồ Hán Thăng trong "Long hình quái khách" với lão tướng Hoàng Trung ở "Tam quốc chí". Đi làm cỏ lúa hợp tác xã những năm sáu mươi, hai đứa thay nhau kể chuyện kiếm hiệp trên đồng. Đến nỗi có hôm ông Đội phó phải đồng ý cho hai đứa chúng nó thêm nửa công để chúng nó kể nốt trận Xích Bích khi kẻng hết giờ làm đồng đã vang lên từ trong xóm.

Lên cấp ba chúng nó đi học cùng nhiều bạn nữa. Thằng Vân cười tít mắt nói xơi xơi lúc cuối tuần về. Nó bảo "cách 200 mét trên dọc đường đê là tao có một buồng chuối". Thì ra đầu tuần đi lên trường nó chặt chuối giấu trong bụi ven đường, cuối tuần về cứ lôi ra mà kiếm trái chín mà ăn. Hồi lớp chín đi đào măng, thằng Luân cứ đi sau nó mà nhặt măng tai xanh, còn thằng Vân thì chỉ lấy măng tai đỏ. Cứ đi đào măng là rồng rắn lũ con gái đi theo sau thằng Vân. Lúc ấy thằng Vân thật là hấp dẫn, đứa nào cũng thấy Vân như một anh hùng.

Giữa hồi Mậu Thân đỏ lửa bè bạn khối thằng nghỉ học đi bộ đội. Thằng Vân ít nói hẳn. Một hôm nó bảo với thằng Luân, tao tính xin đi bộ đội mày ạ. Thằng Luân thì bảo cứ để thi tốt nghiệp xong xem sao. Thằng Luân đi đại học rồi thì thằng Vân đi bộ đội. Hai năm sau thằng Luân cũng lại nhập ngũ, tình cờ cái tiểu đoàn sinh viên của thằng Luân có Hà Ngọc Vân là trung sĩ y tá tiểu đoàn. Thế là chúng nó lại lên đường đi chiến trường cùng nhau.

Có một đêm trên Trường sơn thằng Vân xuống đại đội thằng Luân nằm kể chuyện làng. Chuyện của thằng Vân: "Này tao hỏi thật mày nhé, mày đã yêu con nào chưa? Tao thì chỉ thích thôi chứ chưa dám yêu con nào. Nhưng mày có công nhận là hồi tao với mày ở nhà đi thả trâu thấy trâu nó yêu nhau không? Ừ thì nó là con vật, nhưng tao cứ nghĩ mình liệu có yêu được bằng con trâu nó yêu nhau không? Nó thủy chung quá mày ạ. Tao nghe nói trước lúc bọn mình lên đường là con Dòng nhà mày với con Cái nhà tao cũng sắp lên thớt rồi. Buồn không thể chịu nổi. Họ cứ bảo là kiếp luân hồi. Luân hồi chó gì mà buồn thế". Thằng Luân gạt đi. "Thôi không nói chuyện ấy nữa. Mình đang đi vào trận mà chuyện toàn vớ vẩn". Hai thằng nó bâng khuâng nhớ về cái làng Đan Hà nghèo trong vắt trong veo của chúng nó.

Thế rồi trời thương. Hai thằng nó đều về quê sau chiến tranh. Thằng Luân đi học đại học còn Vân thì về làm kiểm Lâm ở huyện. Cái thằng dứt khoát không thèm ăn chặn gỗ lạt của người dân nghèo rồi thì bất đồng quan điểm mươi mười lăm năm bỏ về nhà cho thoáng cái đầu cho khỏi nhìn thấy những thằng nhân danh người của Đảng mà bòn mót miếng ăn của dân nghèo. Thằng Vân về làm ruộng và làm đủ mọi việc ở quê. Bạn bè ở xa về. Nó mừng lắm, nó gọi đó là những ngày tươi đẹp. Một lần thằng Luân đưa con về làng. Tối ấy nó mang một túi ổi cho thằng bé lên ba nhà Luân. Nó bảo, ngày xưa bác và bố cháu lê la khắp mọi cây ổi ở vườn nhà cháu đến nỗi bây giờ vẫn nằm mơ thấy ổi nhãn nhà bố Luân cháu đấy cháu ạ.

Hôm ấy hai người bạn ra sau nhà. Ở đấy ông bố của thằng Luân có giữ lại bộ sừng con Dòng.

Chuyện hai con trâu nhà thằng Vân và Luân lại được kể lại.

"... sau ngày con Dòng nhà Luân bị giết thịt, con Cái nhà thằng Vân đi qua nơi người ta phanh bụng con Dòng. Ở đấy còn sót lại những tàu lá cọ đầy phân và máu con Dòng. Nó ngửi nó hít, nó òng õng nước mắt. Hít mãi cái đống phân con Dòng, nó ngửa cổ nhe răng lên trời đứng bất động. Em trai thằng Vân kéo đứt dây chạc mà nó cứ gằm đầu xuống không chịu đi, bốn chân con Cái run lên bần bật. Những ngày sau đó nó không ăn, cày bừa thì lúc đi nhanh lúc thì ghì bừa đứng lại. Rồi vài tháng sau nó gầy xơ xác. Hợp tác xã lại mổ con Cái. Thế là cặp "trâu tài sắc" một thời của làng biến mất nhẹ nhàng mà day dứt giống hệt người ta phá cái bờ ruộng con có tự bao đời để làm bờ vùng bờ thửa…".

Thằng Vân và thằng Luân nhìn nhau. Hai đứa lại bỗng như mình bé lại và đang trở về lúc chăn trâu cắt cỏ ngày xưa. Phút chốc mọi vất vả khó khăn mưu sinh biến mất. Chỉ còn tiếng gọi nhau í ới đi học cấp ba ngày nào và một con đường sắt qua làng có những chuyến tàu bụi bậm và tiếng còi tàu rất chi là réo rắt.

Giờ thằng Vân lại đi trước thằng Luân, cái thằng luôn đi trước.

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ban-lang-586705/