Bán lẻ truyền thống: Để tồn tại, không thể ''giậm chân tại chỗ''
Trước sự phát triển của các kênh bán lẻ hiện đại, nhất là các chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng 'phủ sóng', các hình thức bán lẻ truyền thống tại các chợ, cửa hàng bách hóa cần nắm bắt được nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng.
Trong đó, quan trọng nhất là xu hướng quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn vệ sinh thực phẩm để không bị động, “giậm chân tại chỗ” trong vòng xoáy cạnh tranh.
* Tự làm mới mình
Trên thực tế, các cửa hàng nhỏ, các sạp hàng ở các chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh so với các cửa hàng tiện lợi, đó là: chi phí thuê mặt bằng thấp, giá cả nhiều loại mặt hàng phải chăng hơn… Tuy nhiên, nếu không đổi mới trong cung cách phục vụ, niêm yết giá cả, mô hình bán lẻ truyền thống sẽ có thể bị bỏ lại phía sau so với mô hình bán lẻ hiện đại.
Bà Vũ Thị Vui, chủ một sạp tạp hóa hơn 10 năm ở chợ Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi chủ động niêm yết giá rõ ràng, luôn giữ thái độ phục vụ niềm nở để giữ khách hàng. Trên thực tế, các cửa hàng nhỏ vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi, đó là chi phí thuê mặt bằng thấp, giá cả nhiều loại mặt hàng phải chăng hơn…”.
Mô hình bán lẻ truyền thống cần phải được tổ chức, nâng cấp lại, tạo môi trường ngăn nắp, thay đổi cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… cho phù hợp với xu hướng hội nhập mới có thể hấp dẫn được người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Tân Long, đơn vị quản lý chợ Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) cho hay, chợ có nhiều hoạt động tuyên truyền các tiểu thương kinh doanh cần đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thay đổi phong cách phục vụ để người tiêu dùng không “quay lưng”…
* Phát triển các hình thức kinh doanh an toàn
Để giúp chợ truyền thống “đứng vững” trước bối cảnh các kênh mua sắm hiện đại đang phát triển mạnh, trong thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng bán hàng, phối hợp với Sở NN-PTNT xây dựng các điểm bán thực phẩm an toàn.
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2017-2018, Sở Công thương cùng với các sở, ngành, địa phương xây dựng thí điểm 99 điểm bán hàng đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ ở những địa phương trên địa bàn tỉnh gồm: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, các huyện Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom...
Riêng năm 2019, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và triển khai thực hiện 57 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong đó, H.Cẩm Mỹ triển khai 20 điểm, H.Thống Nhất 23 điểm, TP.Long Khánh 14 điểm...
Ông Nguyễn Ngọc Tánh, Trưởng ban quản lý chợ Biên Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết, chợ thường xuyên phối hợp với Sở Công thương tổ chức nhiều chương trình tập huấn về kỹ năng kinh doanh cho các tiểu thương, phát triển thêm các sạp bán thực phẩm an toàn, tăng cường tuyên truyền về kinh doanh lành mạnh, đảm bảo vệ sinh, nguồn gốc để nâng cao sức cạnh tranh của các điểm, sạp bán lẻ truyền thống.
Các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn cần đảm bảo kinh doanh những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được lấy mẫu giám sát và có kết quả kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được Bộ NN-PTNT chỉ định nhằm cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng...
Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, xu hướng phát triển hiện nay là những kênh tiêu thụ mới như hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã phối hợp với các địa phương mời gọi đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng các chợ truyền thống, nhất là ở khu vực nông thôn nhằm đảm bảo văn minh thương mại, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời để người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn kênh mua sắm.