Bản lĩnh khởi nghiệp của phụ nữ Thủ đô

Từ khát vọng phát triển nông nghiệp bền vững, đồng hành, kết nối các 'doanh nông' trong sản xuất và tiêu thụ là những điểm cộng khi nhắc đến nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thu với dấu ấn khởi nghiệp, sáng tạo vì cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Thu trên cánh đồng rau được sử dụng phân bón hữu cơ. Ảnh: Thu Nguyễn

Chị Nguyễn Thị Thu trên cánh đồng rau được sử dụng phân bón hữu cơ. Ảnh: Thu Nguyễn

Sáng tạo, đổi mới

Bỏ ngang công việc kế toán với mức thu nhập ổn định, Nguyễn Thị Thu (SN 1988, Hà Nội) trở về quê hương Khánh Hà khởi nghiệp chế biến nông sản. Trước đây, phần lớn diện tích đồng ruộng xã Khánh Hà, huyện Thường Tín bị hoang hóa, bạc màu, người dân bỏ ruộng vì chán cảnh gieo hạt thóc xuống không bù lỗ khoản chi phí canh tác.

Chứng kiến khó khăn của người dân, Nguyễn Thị Thu đã bắt tay nỗ lực biến “vùng đất chết” thành cánh đồng dược liệu, trồng hoa màu. Nhờ áp dụng hàng loạt công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, sáng tạo trong chế biến, năm 2020, sản phẩm Bột rau củ sấy lạnh Tâm An thuộc HTX Tâm An do Nguyễn Thị Thu thành lập được UBND TP Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là dấu ấn thành công đầu tiên sau 5 năm khởi nghiệp.

Từ nấc thang thành công ban đầu, Nguyễn Thị Thu mạnh dạn tìm kiếm hướng phát triển nông sản bền vững. Ngoài mô hình HTX Tâm An đang phát triển mô hình sản phẩm rau hữu cơ, mở rộng vùng nguyên liệu, Nguyễn Thị Thu còn là Nhà sáng lập Cty Cổ phần hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tạo tác động MEVI - Hệ sinh thái dựa trên nền tảng thương mại sản phẩm nông sản.

Trong đó, xác định thành công khởi nghiệp nông nghiệp là việc kết nối và kiến tạo hai cộng đồng trong hệ sinh thái nông nghiệp bền vững gồm: Cộng đồng các nhà sản xuất tạo tác động và cộng đồng nhà phân phối có trách nhiệm.

Trên hành trình khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu trở thành chuyên gia phát triển hệ sinh thái Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia NSSC, Trưởng làng Nông nghiệp Techfest Quốc gia. Thông tin về kết quả hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo từ Techfest Sơn La, chị Nguyễn Thị Thu cho biết, nhiều mô hình Làng nông nghiệp sinh thái được hình thành, tập hợp người dân trong mỗi ngôi làng hoặc tạo thành hợp tác xã khởi nghiệp, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất.

Tại hợp tác xã Chiềng Khừa xanh (huyện Mộc Châu, Sơn La) tập huấn về kỹ thuật canh tác an toàn, hướng dẫn làm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ tài nguyên bản địa cho 100 hộ trồng mơ. Giới thiệu, kết nối chuyên gia, viện nghiên cứu thử nghiệm sản xuất chế biến mơ thành các sản phẩm: rượu mơ lên men tự nhiên, và giấm mơ, mơ muối tía tô.

Doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Thu, chuyên gia tư vấn, hỗ trợ đồng hành cùng nhà nông trong phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: Thu Nguyễn

Doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Thu, chuyên gia tư vấn, hỗ trợ đồng hành cùng nhà nông trong phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: Thu Nguyễn

Đồng hành cùng “doanh nông”

Với vai trò người kết nối và kiến tạo khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu đã đồng hành với hàng trăm “doanh nông” trên khắp mọi miền từ các chuyến tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp.

Mới đây, chị Nguyễn Thị Thu giữ vai trò chuyên gia hội nghị tập huấn “Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn tổ chức du lịch giáo dục STEM nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn” tại Thái Nguyên. Cố vấn đánh giá, hướng dẫn kỹ thuật 22 hộ tham gia dự án Vùng nguyên liệu Ớt an toàn tại Chi Lăng (Lạng Sơn).

Mỗi chuyến tập huấn, công tác vùng cao để lại cho chị Thu nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là khóa học phi lợi nhuận do MEVI tổ chức vào tháng 2/2024 tại huyện Vân Hồ (Hà Giang) cũng là hoạt động đồng hành cùng các địa phương định kỳ 12 buổi/năm đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

“Một buổi học bà con không được hỗ trợ kinh phí đi lại như các chương trình khác, nhưng chỉ trong 2 ngày, Phòng nông nghiệp huyện Vân Hồ (Hà Giang) thông báo có Đoàn công tác Hệ sinh thái MEVI lên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, canh tác bền vững đã nhận được hơn 40 người đăng ký tham dự. Có trường hợp bà con vượt 60km đi xe máy đường đèo núi để tham dự. Buổi tập huấn đã quá 12h, bà con vẫn hào hứng ở lại tham dự, ghi chép cẩn thận, ai nấy đều vui mừng và quyết tâm để cùng nhau phát triển nông nghiệp trên chính mảnh đất quê hương” - chị Thu chia sẻ.

Quá trình thực địa tại các địa phương, chị Thu nhận ra rằng “Không ai yêu người địa phương bằng chính người địa phương. Không ai hiểu văn hóa bằng chính người địa phương”, bởi vậy phát triển kinh tế nông hộ dựa vào tài nguyên bản địa làm lực lượng nòng cốt để phát triển kinh tế tập thể. Hướng tới mục tiêu “khởi nghiệp xanh”, phát triển nông nghiệp bền vững.

Với những thành tích nổi bật trong hành trình đồng hành, khởi nghiệp từ nông sản Việt, chị Nguyễn Thị Thu nhận danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” năm 2019 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng, danh hiệu “Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu” năm 2020; danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” do Chủ tịch UBND huyện Thường Tín khen thưởng,…

Mới đây, chị Nguyễn Thị Thu nhận được thư cảm ơn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với nội dung về những đóng góp âm thầm, hết mình vì sứ mệnh “Gieo trồng đất, gieo trồng tâm hồn và gieo trồng tương lai”. Việc làm được cụ thể hóa từ các hoạt động như đồng hành với nhiều doanh nông, giúp họ gợi mở, định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nguyên liệu, giới thiệu, phát triển sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, mở rộng tiêu thị. Tiếp thị, bao bì, quản trị tài chính, tiêu chuẩn hội nhập, định hướng phát triển bền vững là những điểm “tiếp sức” quan trọng cho “khởi nghiệp xanh”.

Thành công của “thủ lĩnh” tuổi Rồng hôm nay được khẳng định từ chính tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của phụ nữ Thủ đô trong thời đại công nghệ 4.0.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ban-linh-khoi-nghiep-cua-phu-nu-thu-do-371658.html