Bản lĩnh nhà báo thời công nghệ
Đề tài báo chí rất phong phú, nhưng triển khai đề tài hay, hấp dẫn không chỉ đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức, kinh nghiệm, trình độ mà còn phải có đam mê, hiểu nghề và luôn học hỏi để nâng cao trình độ, tiếp cận cái mới. Báo Lao động Thủ đô là nơi các nhà báo không ngại khó, luôn sẵn sàng đón nhận 'làn sóng 4.0' cho những tác phẩm báo chí của mình.
Có thể thấy, ngày nay, do ảnh hưởng của đặc trưng loại hình đến quá trình tác nghiệp, của tâm lý sáng tạo và sự tiếp nhận của công chúng nên mỗi loại hình báo chí lại có những cách tổ chức sáng tạo tác phẩm theo các bước khác nhau nhằm khai thác hết các thế mạnh đặc trưng của mình.
Đã có một thời, quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí thường phụ thuộc vào kinh nghiệm và sự truyền nghề của lớp người đi trước, đôi khi không tuân theo bất cứ một quy trình nào. Thế nhưng ngày nay, đội ngũ phóng viên “thời 4.0” không còn thụ động như trước nữa. Họ biết kế thừa, phát huy và chủ động sáng tạo.
Là một phóng viên thế hệ 9x của báo Lao động Thủ đô, phóng viên Lương Hằng vào nghề được 4 năm. Cũng trong 4 năm ấy, khi thời kỳ “báo công nghệ” bùng nổ, Lương Hằng đã không ngần ngại lao vào học hỏi thực hiện các bài báo khó như Mega Story, E-magazine, Longform,… từ lúc còn chưa biết, cho đến lúc biết một chút, và làm đến khi thành thạo.
Lương Hằng chia sẻ: “Là phóng viên trẻ, chúng tôi ý thức được việc phải tự mình bắt kịp nhịp phát triển của thời đại, không chỉ trong cuộc sống mà còn trong công việc. Ban đầu, tôi cũng học hỏi từ báo bạn và dò dẫm thực hiện một vài tác phẩm Longform, sau đó làm những tác phẩm khó hơn dạng Multimedia.
Có thể nói, những thể loại báo chí đó là sự kết hợp bài bản giữa thiết kế, văn bản, hình ảnh và các yếu tố âm thanh hoặc video nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn về nội dung câu chuyện cũng như có cảm giác thực hơn khi tương tác với câu chuyện trong bài báo.
Cùng với kỹ năng đồ họa, tôi cũng phải liên tục học hỏi cách sử dụng các phương tiện tác nghiệp mới, như máy ảnh, máy quay, điện thoại, các phần mềm quay, chụp, chỉnh sửa,… Thật vui, cho đến nay bản thân tôi và hầu hết các phóng viên ở tòa soạn đã thực hiện được các thể loại báo chí mới. Chúng tôi học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau tiến bộ”.
Không chỉ là những phóng viên trẻ, mà ở Lao động Thủ đô, những nhà báo “có tuổi” cũng không ngần ngại “lao” vào học công nghệ. Nhà báo Phạm Diệp (47 tuổi) là một ví dụ. Lần đầu tiên nhà báo Phạm Diệp thực hiện một bài báo dạng Longform đã mất một tuần. Chị chia sẻ rằng, một tuần ấy chị “mất ăn mất ngủ, đến nằm mơ cũng thấy Longform”.
“Đối với một người có tuổi, việc cập nhật công nghệ thông tin vốn đã khó, làm một bài báo công nghệ còn khó hơn gấp trăm lần. Mỗi lần cần trình bày một bài báo công nghệ tôi lại phải đi nhờ phóng viên khác làm hộ. Vì thế, tôi quyết tâm học cách sử dụng phần mềm Canva, kiên trì chỉnh sửa thiết kế của mình từng chút một.
Từ một bài báo vẫn chưa được đẹp mắt, tôi dần làm được những bài hay hơn, đẹp hơn và phức tạp hơn. Thiết nghĩ, nhà báo thời công nghệ dù ở lứa tuổi nào cũng không nên để mình “tụt hậu”, bởi chỉ cần đứng lại là sẽ bị hụt bước.
Chúng tôi may mắn được Ban Biên tập Báo tạo điều kiện và khuyến khích mọi phóng viên thể hiện tác phẩm của mình. Hàng năm, Ban Biên tập cũng mời chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về công nghệ đào tạo tại tòa soạn hay cử nhiều phóng viên tham gia các lớp tập huấn về báo chí công nghệ do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức”, nhà báo Phạm Diệp chia sẻ.
Là họa sĩ thiết kế của báo Lao động Thủ đô, anh Đức Hà không dấu nổi niềm vui khi từ lâu, mình bị “mất việc”. Chia sẻ thú vị về điều này, anh nói: “Trước đây, do các phóng viên khác chưa biết làm các thể loại báo công nghệ nên tôi đảm nhiệm toàn bộ việc thiết kế, từ Mega Story, E-magazine, Longform, Infographic, đến một số hình ảnh đại diện khác trong bài. Quá trình phối hợp với tác giả bài báo để chỉnh sửa mất khá nhiều thời gian cho cả hai. Hiện nay, hầu hết phóng viên đều tự làm được, họ tự viết bài, tự thiết kế, chọn ảnh theo ý họ, nên thời gian được rút ngắn và tác phẩm cũng đúng ý tác giả hơn”.
Có lẽ, các phóng viên của Lao động Thủ đô cũng như hầu hết báo chí hiện nay đều hiểu rõ, cách làm báo truyền thống đã không còn phù hợp nữa. Thực tế cho thấy, chỉ có những trang báo điện tử nào luôn cập nhật được những thông tin nóng hổi, có cách viết hiện đại, sáng tạo, hấp dẫn mới thu hút được sự quan tâm của người đọc.
Khoa học công nghệ phát triển đã tạo ra những sản phẩm công nghệ giúp độc giả tiếp cận thông tin trên báo mạng điện tử không chỉ bằng màn hình máy vi tính mà còn bằng các thiết bị điện tử di động như điện thoại, thiết bị đọc sách điện tử, máy tính bảng,… Các thiết bị di động này ngày càng được cải tiến, tích hợp nhiều chức năng. Để đáp ứng sự thay đổi trong cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng ngày nay, báo điện tử đã tạo ra những phiên bản cho nhiều thiết bị di động, thiết kế tờ báo theo hướng hiện đại, tiện ích, có khả năng tự động tương thích với các loại thiết bị khác nhau.
Vì vậy, các thể loại báo chí sẽ đa dạng hơn và chuyên sâu hơn về nội dung. Thông tin sẽ được truyền tải đến bạn đọc chủ yếu thông qua các thiết bị di động. Và báo chí sẽ phát triển gắn kết hơn với sự phát triển của mạng xã hội. Ngoài ra, báo chí điện tử còn có xu hướng phát triển các nội dung thu phí và sử dụng trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất tin tức cũng như tương tác với độc giả.
Có thể thấy, các xu hướng phát triển trên đều gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Điều này yêu cầu các tòa soạn và nhà báo luôn phải không ngừng chủ động, tích cực cập nhật kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là về công nghệ thông tin, để tạo ra những trang báo có chất lượng và thu hút được độc giả.
Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ, phóng viên Lao động Thủ đô vẫn đang ngày đêm học hỏi, miệt mài tiếp cận và thành thạo hơn với các ứng dụng công nghệ, thể hiện bản lĩnh của nhà báo thời 4.0 với quyết tâm không lùi bước trước sự phát triển như vũ bão của báo chí công nghệ.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ban-linh-nha-bao-thoi-cong-nghe-154040.html