Bản lĩnh sống qua mùa dịch

Trải qua nhiều giai đoạn của mùa dịch, người dân đã dần chọn một lối sống tích cực, bình tĩnh vượt qua nỗi sợ mang tên Covid-19

Hơn 1 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến đời sống, từ việc kéo dài thời gian tạm nghỉ học của học sinh, sinh viên đến việc bị cách ly, giãn cách xã hội, mất việc… Dù vậy, phần lớn người dân đã vượt qua những bất tiện của bản thân vì mục tiêu chung phòng chống và vượt qua dịch bệnh.

Tuân thủ nghiêm "5K"

Để sống chung với dịch bệnh, các chuyên gia y tế lưu ý người dân trong mùa dịch cần tăng cường luyện tập thể dục thể thao, bổ sung vào chế độ ăn uống nhiều vitamin, khoáng chất giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Quan trọng nhất, theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện khẩn cấp y tế công cộng Việt Nam, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp "5K": khẩu trang - khử khuẩn - không tụ tập đông người - khoảng cách - khai báo y tế.

Bên cạnh đó, mỗi người cần theo dõi các thông tin chính thống, tuân thủ tuyệt đối những biện pháp được khuyến cáo tại địa phương và nơi cư trú. Dù ở vùng dịch, vùng có nguy cơ cao hoặc vùng chưa có nguy cơ thì người dân cũng cần ứng xử theo các nguyên tắc này bởi dịch có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào, không riêng gì Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội hay TP HCM.

Vắc-xin là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh Covid-19 nhưng muốn tạo được miễn dịch trong cộng đồng, chúng ta phải tiêm vắc-xin cho 60%-70% dân số. Thậm chí, khi có vắc-xin, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như hiện nay. "Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân nhưng vẫn phải giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp phòng bệnh" - PGS Trần Đắc Phu cho biết.

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 lây lan chủ yếu qua giọt bắn nên khi sống trong bối cảnh dịch cần thực hiện nguyên tắc "5K". "Virus có xu hướng biến đổi để con người khó phát hiện bệnh và dễ lây lan cho toàn nhân loại. Việc quan trọng nhất là tập trung mọi sức lực để ngăn không cho dịch lan rộng trong cộng đồng. Điều này cần sự quyết tâm và đồng lòng của tất cả người dân" - PGS Nguyễn Huy Nga nói.

Sử dụng phương tiện công cộng an toàn

Sau Tết, lượng người trở lại các TP lớn như Hà Nội, TP HCM để sinh sống, làm việc rất đông. Việc tập trung đông người tại các sân bay, nhà ga, bến xe là bất khả kháng. Các phương tiện công cộng lại là môi trường kín, dễ lây nhiễm bệnh. Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM), người dân từ các tỉnh về TP HCM cần cẩn thận khi di chuyển trên các phương tiện công cộng như tàu, xe, máy bay; nên đeo khẩu trang toàn thời gian.

Với máy bay nội địa, chặng bay thường ngắn, nên tốt nhất là ăn, uống đầy đủ trước khi lên máy bay để không phải tháo khẩu trang ra ăn, đeo khẩu trang cả khi vào các không gian kín như nhà vệ sinh trên máy bay. Các giọt bắn từ người mang bệnh giọt lớn có thể đáp xuống bề mặt ngay nhưng nhiều giọt nhỏ như sương có thể lơ lửng trong không khí một thời gian, không gian kín, lạnh càng tồn tại lâu. Vì thế, không nên chủ quan có một mình trong nhà vệ sinh thì vô tư tháo khẩu trang.

PGS-TS Trần Đắc Phu khuyến cáo khi buộc phải sử dụng phương tiện công cộng, cần tuân thủ các quy định như ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, khử khuẩn.

"Tôi cũng thường xuyên sử dụng các phương tiện công cộng. Khi ở nơi công cộng cũng như sử dụng các phương tiện này, tôi luôn đeo khẩu trang. Trước khi về nhà, đến cơ quan, tôi đều thực hiện sát khuẩn tay hoặc rửa tay, tháo bỏ khẩu trang cũ đúng cách và bỏ đúng nơi quy định. Khi về nhà cũng nên thay quần áo. Dịch bệnh thì nhiều người vẫn phải đi làm, ra ngoài đường nên cần thực hiện các quy định để phòng bệnh" - PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Người dân cần chú trọng phòng dịch ở các khu vực đông người (Ảnh chụp tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM trước Tết Tân Sửu 2021). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Người dân cần chú trọng phòng dịch ở các khu vực đông người (Ảnh chụp tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM trước Tết Tân Sửu 2021). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khai báo y tế trước khi đi khám bệnh

Trong việc quản lý, sàng lọc tại BV, BS Trương Hữu Khanh lưu ý người dân có thể chủ động khai báo y tế trước ngay tại nhà qua trang kbyt.khambenh.gov.vn.

Hệ thống khai báo y tế này khá tiện lợi. Nếu đã khai một lần, lần sau chỉ cần nhập số điện thoại là các thông tin hành chính (tên, địa chỉ…) sẽ tự cập nhật, chỉ việc khai lại yếu tố dịch tễ. Danh sách các điểm liên quan các ca nhiễm cũng được cập nhật liên tục. Nếu khai tại nhà, lúc đến BV chỉ cần đưa bản khai có QR được trả về cho nhân viên BV, không phải tốn thời gian ghi chép.

BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết với hệ thống khai báo mới này, khi người khai báo có yếu tố dịch tễ, thông tin sẽ được lập tức chuyển ngay tới BV, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, giúp BV và các nơi có thể chủ động, kiểm soát nguồn lây tốt hơn.

. Anh NGUYỄN DƯƠNG (quê ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương):

Bảo đảm an toàn cho mình và cộng đồng

Khi Hải Dương phong tỏa, giãn cách toàn tỉnh (từ 0 giờ ngày 16-2), tôi và gia đình chủ động đi xe riêng lên Hà Nội. Đến Hà Nội, chúng tôi đã đến trạm y tế của phường để khai báo y tế trước khi về nhà. Tôi xin được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 nhưng không được đồng ý vì thời điểm ấy, các kit xét nghiệm chủ yếu ưu tiên cho những người, những khu vực nguy cơ cao hơn, còn khu vực tôi ở ít nguy cơ hơn nên được khuyến cáo cách ly tại nhà. Cơ quan cũng ủng hộ việc tôi cách ly và làm việc tại nhà để bảo đảm an toàn.

Tôi và gia đình cam kết thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà trong thời gian 21 ngày để an toàn cho chính mình và cộng đồng.

. Chị LƯƠNG MỸ LINH (quê Nghệ An):

Hạn chế các cuộc gặp gỡ không cần thiết

Tôi từ Hà Nội về Nghệ An ăn Tết, dù không ở khu vực có ca nhiễm nhưng nhiều người vẫn đề phòng, dị nghị. Gia đình tôi thuê xe riêng từ Hà Nội về quê, việc đầu tiên là đến trạm y tế xã để khai báo, sau đó mới về nhà. Đến ngày 16-2, gia đình lại thuê chính chiếc xe đó để ra lại Hà Nội.

Nghệ An không phải vùng dịch nên gia đình tôi sẽ không phải cách ly hay làm xét nghiệm. Tuy nhiên, cả nhà tôi đã thực hiện khai báo y tế nghiêm túc, thời gian tới cũng sẽ hạn chế tối đa các cuộc gặp gỡ nếu không cần thiết để phòng dịch Covid-19.

Chọn lối sống mới, tích cực

Covid-19 khiến cuộc sống con người đảo lộn - hẳn rồi, nhưng nó không mang yếu tố tiêu cực hoàn toàn, mà nếu nhìn nhận một cách khách quan thì sẽ thấy những mặt tích cực.

Dễ thấy nhất là qua 7 ngày Tết Tân Sửu 2021, số vụ tai nạn giao thông và số người chết do tai nạn ít hơn hẳn so với cùng dịp năm ngoái. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đấy là "nhờ" lượng người ra đường ít hơn và ít bia rượu hơn. Số ca cấp cứu do tai nạn, trong đó có cả đánh nhau, cũng giảm mạnh so với mấy năm trước. Nói ngay là nhờ giãn cách xã hội, cách ly y tế tại nhà, không tập trung đông người để tiệc tùng, chúc tụng. Bước vào "tháng giêng là tháng ăn chơi" dài dằng dặc này, ngành chức năng đã chỉ đạo dừng tổ chức các lễ hội. Dừng là phải! Những quyết định của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và các địa phương vừa phát dịch cũng như nhiều tỉnh - thành có đông người ở xa về quê đón Tết đã ban ra gần đây là kịp thời, hợp lý, hiệu quả.

Ở phạm vi gia đình, Covid-19 kéo con cái xích lại gần hơn với ba mẹ. Những bữa cơm gia đình được bày biện liên tục mỗi ngày và sum vầy thường xuyên hơn trước. Con nhỏ thường khi hễ rỗi một chút là lao đầu vào mạng xã hội, bây giờ thầy cô giảng bài trực tuyến, buộc phải học online liên tục, nên chúng đâm ra… ngán iPad, smartphone - mà điều này thì phụ huynh "ưng cái bụng" vô cùng!

Ăn uống tối giản, giao tiếp ít nên nhu cầu quần áo mới cũng chẳng còn mấy, những cuộc bù khú thù tạc mỗi chiều thưa thớt thấy rõ, làm việc tại nhà và họp hành "tele" là chính nên không tốn xăng và phí qua trạm BOT…, nói chung là đỡ tốn kém rất nhiều.

Đại dịch chẳng khác chiến tranh là mấy; cũng chết chóc, đau thương, sơ tán, cách ly, mất mát, lo sợ, có chiến thắng và cũng có chiến bại…, do đó chẳng ai mong muốn. Như kẻ thù Covid-19 này, ai cũng mong nó biến mất sớm đi. Nhưng trong tình thế buộc phải vừa sống chung vừa chiến đấu với nó, con người đã trở nên đoàn kết hơn, thương yêu nhau hơn và thay đổi chính mình theo hướng tích cực. Đó là những mặt được không thể phủ nhận!

A.Q

Ngọc Dung - Anh Thư - Huy Thanh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ban-linh-song-qua-mua-dich-20210218215138043.htm