Bản lĩnh trong đại dịch: Linh hoạt chuyển hướng, biến 'nguy' thành 'cơ'
Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế được đúc rút trong thời gian qua, Đảng ta đã xác định phải thay đổi tư duy về Covid-19, cũng như cách phòng chống linh hoạt để không chỉ kiểm soát được dịch bệnh mà còn giúp từng bước phục hồi, phát triển.
Trong 2 bài trước của loạt bài “Bản lĩnh trong đại dịch”, Đài TNVN đã đề cập những chủ trương, quyết sách thống nhất xuyên suốt, kiên quyết, linh hoạt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để chỉ đạo toàn hệ thống chính trị triển khai sáng tạo, hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, cũng như sự tận tâm, tận lực, bản lĩnh của người đứng đầu cấp ủy, sự chung tay góp sức của toàn xã hội đã góp phần tạo nên những “vùng xanh” vững chắc, vững vàng trên mặt trận chống dịch. Nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt gần 2 năm, đã và đang đưa các địa phương quay trở lại cuộc sống “bình thường mới”.
Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế được đúc rút trong thời gian qua, Đảng ta đã xác định phải thay đổi về tư duy về Covid-19, cũng như cách phòng chống linh hoạt để không chỉ kiểm soát được dịch bệnh mà còn giúp từng bước phục hồi, phát triển. Đây là nội dung bài 3 trong loạt bài “Bản lĩnh trong đại dịch”, với nhan đề: “Linh hoạt chuyển hướng, biến “nguy” thành “cơ”.
Khi virus biến chủng Delta xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh chóng, khó kiểm soát, cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu buộc phải lựa chọn hướng đi mới. Thay vì theo đuổi mục tiêu “diệt sạch virus”, lựa chọn chiến lược “Zero Covid” trong ứng phó với đại dịch từ hơn 1 năm trước, giờ đây hầu hết các quốc gia đều chuyển sang cách sống chung an toàn với Covid.
Tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã thống nhất chủ trương: phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống Covid 19, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp. Trên tinh thần này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản, phương án phù hợp, từ đó có thể sống chung an toàn với dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Không thể có “zero Covid-19”, cho nên phải thích ứng, mà là thích ứng an toàn. Các nguyên tắc xác định: y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh, ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết; sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.”
Thực tế, việc áp dụng giãn cách xã hội trong đợt dịch lần thứ 4 đã gây khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý 3 của Việt Nam giảm 6,17%, mức giảm sâu nhất từ trước tới nay. Vì thế, không thể mãi đóng cửa nền kinh tế. Việc Đảng, Quốc hội và Chính phủ nắm bắt nhanh yêu cầu từ thực tiễn trên cơ sở thay đổi nhận thức toàn diện về dịch bệnh đã giúp đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, để biến “nguy” thành “cơ”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Thực tiễn chống dịch hiện nay thay đổi từng ngày một, chứ không phải chỉ là hằng năm. Tức là có thể ngày hôm qua chúng ta chống dịch một dạng khác thì hôm nay lại khác. Bởi vì dịch này nó biến thể nhanh lắm. Cho nên, khi chúng ta gọi là “đổi mới” có nghĩa là chúng ta đã nắm bắt thực tiễn rất tốt. Chúng ta nắm bắt được diễn biến của tình hình thực tiễn. Chính đấy là bản lĩnh, chúng ta vừa phát huy được cái chúng ta làm được mà được thực tiễn kiểm nghiệm.”
Sống chung với dịch sẽ giúp đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc thay vì phải hy sinh lợi ích kinh tế như chiến lược “Zero Covid”. Song trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã xác định rõ “sống chung” phải đi kèm với “an toàn” và vaccine là chìa khóa cho vấn đề này. Sau chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc tiếp cận nguồn vaccine nhanh nhất, sớm nhất cho nhân dân, hoạt động ngoại giao vaccine được đẩy mạnh. Đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 90 triệu liều vaccine, phục vụ chiến dịch tăng tốc tiêm chủng, tạo miễn dịch cộng đồng.
Theo Phó Đại sứ Pháp tại Việt Nam, bà Cecile Vigneau, chiến lược ngoại giao vaccine của Việt Nam đã đạt được những thành quả xuất sắc, góp phần sớm đưa đất nước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”: “Việt Nam đa dạng hóa các nguồn lực và tăng cường mọi cơ hội để có vaccine, dù đó là vaccine trao tặng hay vaccine mua. Đó là một chiến lược tốt. Chúng ta biết rằng, tiêm chủng là giải pháp duy nhất có thể giúp thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh một cách bền vững, giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và xã hội trở lại bình thường.”
Từ thành công trong công tác ngoại giao vaccine không chỉ cho thấy sự đúng hướng trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước, mà còn khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, cũng như tầm quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây là cơ sở để Đảng và Nhà nước tiếp tục những bước đi linh hoạt mới nhằm thực hiện mục tiêu kép, sống chung an toàn với dịch và sớm phục hồi.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phân tích: “Việc quan tâm thúc đẩy tiêm chủng rộng rãi cho người dân và triển khai công nhận hộ chiếu vaccine với các nước là chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta cả về cách tiếp cận cũng như thời điểm. Tầm quan trọng của chính sách Hộ chiếu vaccine trong chiến lược phục hồi kinh tế khi kiểm soát được dịch bệnh đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ thể hiện tại nhiều văn bản quan trọng, từ kết luận số 07 ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị cho đến Nghị quyết số 105 ngày 09/9/2021 của Chính phủ. Trong đó xác định việc công nhận Hộ chiếu vaccine của nước ngoài là cơ sở để hoạch định chính sách nhập cảnh mới, tăng cường thu hút, tạo điều kiện tối đa để chuyên gia, nhà đầu tư, người nước ngoài nhập cảnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, phục vụ phát triển kinh tế trong thời gian tới.”
Bạn bè quốc tế đánh giá Việt Nam đã chuyển hướng nhanh và chính xác trong công tác chống dịch. Ông Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương cho rằng: “Việt Nam đã đưa ra các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt và chủ động như tăng cường truy vết, tập trung chăm sóc những bệnh nhân nặng, đặc biệt là tăng tốc tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân. Với sự lãnh đạo mạnh mẽ và sự hỗ trợ của các đối tác, Việt Nam đã nhanh chóng tăng nguồn vaccine sẵn có. Tôi cũng xin nhấn mạnh là Việt Nam ngay sau khi có vaccine đã triển khai nhanh chiến lược tiêm chủng cho người dân. Việt Nam cũng chủ động thúc đẩy bào chế vaccine trong nước để chủ động nguồn cung.”
Sự nhạy bén trong chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 đã mang lại những kết quả tích cực. Những ngày gần đây, số ca mắc mới giảm mạnh nhờ độ bao phủ vaccine ngày càng rộng. Nhiều gam màu tươi sáng hơn đã trở lại với bức tranh cuộc sống, ngay cả ở vùng tâm dịch như TPHCM.
Không rào chắn, chốt chặn, từ đầu tháng 10 này, TP.HCM đã lấy lại sự năng động, ồn ào vốn có. Người dân hồ hởi, phấn khởi ra đường, đến công sở, đi mua bán…
Các bãi biển Đà Nẵng cũng như hồi sinh trở lại. Hàng nghìn người dân được tận hưởng khoảnh khắc hòa mình vào biển khi cuộc sống về trạng thái bình thường mới.
Sau thời gian “đau yếu” vì đại dịch, cuộc sống bình thường đã bắt đầu hồi sinh. Nhiều công nhân bắt đầu quay trở lại các nhà máy, khu công nghiệp, du lịch, kinh tế rục rịch phục hồi…
Trẻ thơ nhiều nơi bắt đầu được vui chơi, nô đùa nơi làng quê yên bình… Màu xanh trên bản đồ chống dịch Covid-19- màu xanh của hy vọng, của sự sống sinh sôi đang ngày một nhiều, càng khẳng định thêm bản lĩnh của một Đảng không có mục đích nào khác, ngoài hạnh phúc của nhân dân./.