Bản lĩnh và ý chí người lính giữ đảo

Da đồng hun, chân tay nổi cuộn… Toàn bộ dáng vóc, da thịt họ gọi một cái quánh dẻo, từng trải. Gió cát và hơi nước nhuộm cho từng sợi tóc cứng ngả màu than vàng. Bàn tay chai sạn và đôi mí mắt hơi cộm dày. Đó là hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ những ngày đầu giữ đảo. Thiên nhiên khắc nghiệt không quật ngã họ, mà chỉ tôi luyện họ rắn chắc hơn để vững tay súng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Báo QĐND Điện tử xin tiếp tục giới thiệu các bài viết tiếp theo trong loạt bài: "Sóng gió trên những đảo tiền tiêu" đã được đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân hằng ngày trong tháng 3-1976 do hai phóng viên Nguyễn Thắng và Hà Đình Cẩn thực hiện. Do hạn chế về sự cung cấp và xử lý thông tin, có một số chi tiết trong các bài báo có thể chưa thật sự chính xác. Báo QĐND Điện tử xin trích đăng lại nguyên văn theo bản gốc của tác phẩm đã xuất bản và mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả, đặc biệt là những cựu chiến binh, những nhân vật trong bài báo, những người đã tham gia giải phóng Trường Sa, cũng như ở lại giữ đảo sau đó:

Gió và sóng

Hầu như thành quy luật, buổi chiều nước thủy triều xuống và thông thường là gió thổi mạnh.

Gió thổi suốt ngày đêm. Hào giao thông quanh đảo bị cát, vụn san hô lấp, qua một tuần lại phải đào lên một lần. Bẵng đi hai tuần nếu không đào vét hào, cát đã lấp phẳng lỳ xem như không còn dấu vết nào của hầm hào.

Trước đây, bọn quân ngụy của Thiệu chiếm đóng, chúng đã phải xây dựng trên đảo một hệ thống hầm chống bão. Những căn hầm dài xây hình vòng theo kiểu nhà chứa nước. Khi có bão tố, phải xuống hầm để tránh tai nạn.

Các chiến sĩ quân đội nhân dân hiện đang giữ đảo thường phải chống đỡ với nhiều trận gió lốc và bão lớn. Bão sinh ra rất nhanh. Có khi biển đang bình yên, gió êm, sóng nhẹ, bỗng ầm ầm, sóng dựng như mái nhà vỗ ầm ầm vào chân đảo. Gió quật mạnh, thổi tốc cát bay lên mù mịt. Cát ném rào rào. Nếu không có hầm tránh bão, cơn gió mạnh có thể thổi bay cả người đi. Anh em chiến sĩ chưa gặp bao giờ, nhưng theo tài liệu cũ để lại, có những trận động biển lớn, nước biển tràn qua đảo. Vì có hòn đảo chỉ cao hơn mặt nước khoảng 3 mét, mà sóng biển ở đây có khi dựng cao 10 mét.

Cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa tổ chức các trò chơi vui xuân mới. Ảnh: TUẤN SƠN.

Cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa tổ chức các trò chơi vui xuân mới. Ảnh: TUẤN SƠN.

Chúng tôi đi quanh đảo, thấy anh em treo cờ đỏ vẽ sao vàng trên những miếng tôn phẳng. Tôi hỏi anh em về chuyện đó. Anh em hỏi lại:

- Đợt này tàu ra, không biết các đồng chí sẽ cấp bổ sung cho đơn vị mấy hòm cờ? - Anh cười - giải thích tiếp - Những ngày đầu mới ra đảo, chúng tôi cũng treo cờ vải. Trung bình cứ 5 ngày, cờ đã bạc màu, 7 ngày cờ đã rách. Thậm chí có lần cờ mới trương lên được 2 ngày đã rách rồi. Thế là anh em chiến sĩ có sáng kiến dùng bạt mới quét sơn đỏ và vẽ sao vàng để thay cờ. Nhưng cờ bằng bạt cũng chỉ được non một tháng là rách. Cuối cùng, anh em đưa sáng kiến mới đó anh xem: Sơn lên tôn, vẽ cờ và treo dọc theo hướng gió. Quả nhiên cờ vẽ lên tấm tôn có sức chịu đựng tốt. Ấy thế mà có hôm gió xoay chiều đột ngột, vặn công tấm tôn lại hoặc thổi bay cả tấm tôn đi...

Chúng tôi gặp các chiến sĩ trên đảo Bão Tố này, thấy thiên nhiên đã hun đúc cho họ, thay đổi từ dáng đi đến giọng nói. Đứng trên Bão Tố, dáng đi của họ đầm, chắc từng bước, người hơi chúi về phía trước tựa như hành quân lên dốc. Tiếng nói vang, khác xa cách nói ở rừng. Không kể ở trong hầm, ra ngoài mặt đảo nói những điều tâm tình cũng phải gào lên thật to cho át gió, át sóng, át tiếng chim. Da đồng hun, chân tay nổi cuộn… Toàn bộ dáng vóc, da thịt họ gọi một cái quánh dẻo, từng trải. Gió cát và hơi nước nhuộm cho từng sợi tóc cứng ngả màu than vàng. Bàn tay chai sạn và đôi mí mắt hơi cộm dày.

Đây mới là những điều cần có để sống được trên đảo này. Còn để đứng cùng với vị trí của chiến sĩ tiền tiêu, họ phải rèn nâng mình lên rất nhiều để đôi tai thính phân biệt tiếng sóng, gió với tiếng động của tàu địch, mắt phân biệt đâu là cánh chim, đâu là máy bay…

Đảo Bão Tố rèn luyện những con người đứng vững giữa báo tố…

Cơn mưa sắp đến

Đêm từ từ khép quanh đảo. Trên mặt biển đang thẫm có những vệt trắng dài hàng cây số, rộng tới 200 mét. Thỉnh thoảng nước lại cồn lên, nhấp nhô, nhấp nhô như một đoàn quân đang bơi vào đảo. Anh chiến sĩ bảo tôi:

- Sắp có mưa đấy anh ạ!

- Sao đồng chí biết

- Cá he xuất hiện mà. Đó, anh nhìn ra khơi thì thấy.

Khi rõ cái vệt như một đoàn quân đang bơi kia tiến sát vào đảo, chúng tôi thấy những chú cá to như cột nhà. Chúng bơi thành đàn. Như có hiệu lệnh chung, bất ngờ chúng vọt lên trên mặt nước. Đó là điềm báo cơn mưa sắp đến. Không khí trên đảo mát rượi, chuyển dần sang ẩm lạnh khi những giọt nước mưa đầu tiên ném xuống bãi cát.

Khí hậu khắc nghiệt không làm chùn bước người lính Bộ đội Cụ Hồ, mà trái lại đã giúp tôi luyện bản lĩnh và ý chí của mỗi người lính giữ đảo.

Khí hậu khắc nghiệt không làm chùn bước người lính Bộ đội Cụ Hồ, mà trái lại đã giúp tôi luyện bản lĩnh và ý chí của mỗi người lính giữ đảo.

Đêm mưa trên đảo nghe mênh mông, đầy bí ẩn, sóng cồn ôm lấy hòn đảo nhỏ tựa như quả bóng nổi bồng bềnh trên nước. Ánh đèn pin tuần tra chốc chốc lại lóe sáng và những bước chân đạp trên vụn san hô lạo xạo. Gần như là một thói quen cảnh giác, đêm mưa anh em ít ngủ, ở các trạm gác tiền tiêu, ở công sự chiến đấu, súng và người sẵn sàng chiến đấu.

Chúng tôi nằm trong tiếng mưa triền miên, trong tiếng sóng vỗ vào vách đảo, trong tiếng gió hú vào hốc đá thấy con mưa ở đảo không giống một cơn mưa nào trên rừng Trường Sơn. Mưa ở đây dữ dội và ào ạt. Nước mưa lẫn vào gió, quật thật mạnh vào mái tôn như có người đổ sỏi lên, rầm rầm… Nhưng sự sinh sôi trong mưa thì ở biển cũng như ở rừng.

Nửa đêm, chiến sĩ đi tuần tra trên bãi san hô quanh đảo. Anh bị thụt chân xuống đánh “sụt” và anh bỗng nổi da gà vì cái miệng hố khép lại, cặp chặt lấy cổ chân. Rút chân không được. Đồng chí chiến sĩ thét lên gọi anh em đến cứu. Anh em chạy lại, soi đèn, bỗng cười vang, thì ra con sò biển to bằng cái nón đang cặp chân anh ta. Con sò đang há miệng đón mồi, anh ta dẫm phải và nó cặp lại. Tất nhiên sò không gặm được chân người. Anh em cạy miệng sò cho anh rút chân, và khiêng con sò về nộp cho anh nuôi làm canh sò.

Đêm mưa, trên bãi san hô quanh đảo xuất hiện nhiều đặc sản khác như gà ghim, hải sâm..

Gà ghim còn gọi là nhím biển. Con gà ghim thường to bằng gáo dừa, màu đen tuyền. Lông của nó cũng tỏa ra khắp nơi như lông nhím. Miệng gà ghim tròn, bám sát mặt đất.

Trứng gà ghim rất quý. Xưa kia dưới triều phong kiến, mâm trứng gà ghim hiếm và quý dùng để tiến vua. Trứng gà ghim vàng dậy, pha biếc xanh tựa như trứng cá quả. Mỗi con gà ghim có thể cho một lạng trứng quý.

Còn về hải sâm, đêm mưa xuất hiện trên đảo có ba loại màu vàng, màu nâu đất và màu xanh xám. Hải sâm ở đây to bằng bắp tay, dài 0,40 mét. Hải sâm màu nâu đất ăn ngon, ngọt, bùi như cá nục nướng.

Đêm nghiêng về sáng, bỗng tạnh mưa. Những đám mây nặng nước trôi đi và hòn đảo sáng vằng vặc trong biển cuối tuần. Đảo vừa mới đây dữ dội, sục sôi ghê gớm, phút chốc hóa nên thơ, bình yên. Hoa san hô vừa được nước mưa rửa sạch cát bụi và phân chim, dưới trăng lung linh như một chuỗi ngọc. Từ cánh rừng bên, hoa mù u tỏa ra thơm ngát, mát rượi. Đảo lại vang tiếng chim, tiếng côn trùng. Bóng nhưng chiến sĩ đi tuần tra gợi một cái gì đó vô cùng nên thơ.

Sức sống trên đảo xa

Các chiến sĩ trên đảo còn rất trẻ. Phần đông anh em nhập ngũ năm 1974 hoặc mùa xuân 1975. Một số ít đã từng là cán bộ chiến sĩ có mặt ở miền Nam, ở Trường Sơn hàng chục năm nay. Suốt 10 năm đánh giặc chưa một ngày nghỉ ngơi, bây giờ đất nước giải phóng, họ lại có mặt trên đảo xa canh giữ biển Tổ quốc. Trong hơn một tháng, theo nhịp độ của cuộc tổng tiến công, họ đã đi một bước dải, từ dinh Trường Sơn ra đảo.

Anh em kể với tôi thế này:

- Đơn vị chúng tôi từ đỉnh Trường Sơn, bước xuống thung lũng Quế Sơn, đánh thẳng vào sào huyệt địch. Rồi từ thung lũng Quế Sơn, tiến xuống Vĩnh Diện, sân bay Nước Mặn và bán đảo Sơn Trà… Biển mở ra trước mắt! Bao nhiêu năm nằm rừng, bây giờ chỉ có một tháng đã ra đến biển. Cấp trên hỏi chúng tôi: “Bây giờ lấy tinh thần xung phong đồng chí nào muốn đi giải phóng đảo?”. Tất cả đơn vị đều giơ tay, kể cả đồng chí Miến suốt 4 năm bị sốt rét trên Trường Sơn vẫn chưa khỏi hẳn, nước da còn tái bợt. Thế là chúng tôi xuống tàu… Bấy giờ, những trận đánh lớn còn đang diễn ra dọc miền Trung. Quân khu 2 của địch chưa bị đập nát. Quân khu 3, Quân khu 4 còn nguyên. Mặt biển còn bị hải quân ngụy và Hạm đội 7 của Mỹ phong tỏa… Tàu của chúng tôi phải ngụy trang thành tàu đánh cá, tàu buôn đi vòng vèo mới tiếp cận vào gần đảo.

Những ngày hành quân trên biển, tất cả anh em đều bị say sóng. Nhiều người suốt 4 ngày không dám ăn một hạt cơm nào, chỉ uống nước, nằm thở trong khoang tàu… Chúng tôi quen rừng, chưa quen biển… Nhưng kỳ lạ cho sức hồi phục của tuổi trẻ. Trong cái đêm say sóng mệt nhoài như thế, bỗng có lênh: “Đổ bộ vào đảo”, thế là tất cả cả ào xuống phao, thuyền nhỏ…

Bây giờ thì đảo đã hoàn toàn giải phóng rồi. Tổ quốc đã thống nhất rồi. Chúng tôi đã 10 năm xa gia đình rồi. Anh bảo chúng tôi nhớ nhà không? Nhớ! Rất nhớ! Có thể nói nhiều đêm không ngủ được vì nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Khi mà ở đất liền đang trong những ngày đoàn tụ, thì chúng tôi còn ở đây bốn bề là sóng nước,.. Như thế đấy! Nhưng vì sao chúng tôi lại đứng được ở đây? Vì sao chúng tôi lại tạc vào vách đá san hô kia dòng chữ: “Hải đảo là nhà”? Bởi một lẽ đơn giản thôi: Đây là đất đai của Tổ quốc. Trước kia ta có rừng. Bây giờ ta có biển, phải giữ lấy biển…

Sống trên đảo với các chiến sĩ, chúng tôi càng hiểu thêm những phẩm chất cao quý của anh em. Khi mình còn muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ sau hòa bình, thì ở đây cuộc sống của các chiến sĩ vẫn y như ngày kháng chiến. Tôi đọc thời gian biểu của đơn vị: “Sáng: Đào vét công sự, tập bắn bài ba. Chiều: Lên lớp bài quan sát trên mặt biển. Tối: Tập tấn công trên đảo…”

Guồng máy học tập quân sự và sẵn sàng chiến đấu vẫn cứ như năm tháng trong kháng chiến.

Tôi gặp rất nhiều chiến sĩ trên một hòn đảo nhỏ, nhưng không tìm thấy gương mặt nào mệt mỏi. Một không khí hừng lên say mê của các chiến sĩ trẻ chốt giữ đảo toát lên từ dáng đi, giọng nói, đến bãi tập mà những giờ sinh hoạt.

Ở đây, anh em tổ chức một đời sống vui vẻ, độc đáo. Đến bất kỳ đơn vị nào trên đảo, tôi cũng gặp những “vườn hoa san hô”. Đảo không chỉ có một loại san hô màu trắng mà có nhiều màu, có thể nói thế này: “Trên rừng có bao nhiêu sắc hoa thì biển cũng có bấy nhiêu là hoa san hô”. Ở vườn hoa san hô đại đội, anh em ghép những bông hoa tím, màu vàng, màu đỏ, màu xanh thành những chùm hoa rực rỡ như hoa bằng kim cương, anh em chọn hoa màu đỏ xếp thành Quốc huy và dòng chữ: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Vườn hoa ấy toát ra một sức gợi cảm lạ lùng.

Ở đây nước ngọt không nhiều. Mỗi khi có trận mưa rào lớn, anh em ùa ra ngoài trời hứng nước và tắm giặt. Đồng chí quản lý ở đơn vị đảo không chỉ quản lý lương thực, thực phẩm mà còn có trách nhiệm quản lý nước ngọt. Các đại đội, đến trung đội, tiểu đội đều có “kho” dự trữ nước.

Anh em san bãi cát làm sân bóng đá, bóng chuyền. Chiều chiều, các đội bóng vẫn say mê hoạt động. Bộ đội trên đảo rất ham thích các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ. Trên đảo có hàng tấn sách từ đất liền đưa ra. Trong những gian nhà chật hẹp, anh em vẫn làm được nơi đọc sách báo và ca hát.

Sống những ngày trên đảo, đêm nào tôi cũng thấy trong phòng đọc sách của anh em ngồi kín chỗ và bên “câu lạc bộ ca nhạc”, anh em tập hát những bài hát mới.

Đời sống của anh em ở đây thoải mái, hồn nhiên và mạnh mẽ. Đó là sức sống của đảo xa.

Những hạt giống mang về…

Đêm trước khi rời đảo, trong gian phòng của chúng tôi anh em đến chơi chật ních. Chúng tôi xếp chặt một ba lô thư anh em gửi về đất liền. Chúng tôi thoáng đọc những dòng chữ trên phong bì: Nguyễn Vĩnh Lê, gửi các em học sinh trường cấp 1 Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (Lê là giáo viên cũ của trường); Nguyễn Can Trường gửi cho cha là Nguyễn Thiết Trung, cán bộ khoa Trung văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Nguyễn Cảnh Thắng gửi con là Thúy Hồng, xã Đông Phú, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa… Đào Văn Mạnh gửi cho Nguyễn Thị Thúy Bằng thôn Đại Đức, xã Nghĩa Trung, huyện Gia Lộc, Tỉnh Hải Hưng… Nguyễn Trương Tuấn gửi cho má: Đào Thị Xuyến, xã Tân Ân, Cà Mau… Những lá thư được gửi đi khắp đất nước.

Công tác nơi đảo xa, mỗi cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa đều gửi gắm tình cảm về đất liền thông qua những chuyến tàu ra thăm đảo.

Công tác nơi đảo xa, mỗi cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa đều gửi gắm tình cảm về đất liền thông qua những chuyến tàu ra thăm đảo.

Một đồng chí chiến sĩ trẻ không gửi thư mà đưa cho chúng tôi một gói nặng, hỏi:

- Anh có về Hà Nội ngay không ạ?

- Mình sẽ về Hà Nội…

- Không có gì làm quà… Tôi gửi các anh một vài trái bàng vuông về các anh giúp tôi chuyển đến Công ty Công viên Hà Nội để các đồng chí trồng ở công viên hoặc đường phố... Bàng này bóng mát xòe rất rộng đấy các anh ạ...

Một đồng chí khác năn nỉ:

- Biết là các anh nặng nhưng các anh cố giúp cho… tôi lấy một số bông san hô màu xanh, đỏ, tím các anh đem về đất liền chuyển cho một trường học hoặc một trại trẻ nào đó. Những bông hoa đá này chắc các em sẽ thích...

Chúng tôi giữ gìn những lá thư, vài trái hạt giống và mấy nhánh hoa san hô màu, như giữ những báu vật.

Tạm biệt các đảo, các chiến sĩ thân yêu của Tổ quốc trên các đảo xa xôi. Con tàu nhổ neo vào buổi chiều. Khoảng cách giữa con tàu và đảo xa dần. Chúng tôi bịn rịn đứng nhìn về hướng đảo Bão Tố, thấy hòn đảo thon dài như một con tàu. Bóng các chiến sĩ cao lộng trên mặt nước sóng nhấp nhô.

NGUYỄN THẮNG VÀ HÀ ĐÌNH CẨN

TUẤN SƠN (sưu tầm)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/ban-linh-va-y-chi-nguoi-linh-giu-dao-660317