Bản lĩnh văn hóa trong hội nhập
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa bao lâu, vận mệnh của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ còn trong tình thế 'ngàn cân treo sợi tóc', vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mới đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946) với tư tưởng chỉ đạo là 'Văn hóa soi đường cho quốc dân đi'.
Câu nói nổi tiếng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là cách diễn đạt cô đọng nhất, khái quát nhất tư tưởng cốt lõi mà Đề cương về văn hóa Việt Nam (gọi tắt là ĐCVH) năm 1943 của Đảng đã nêu ra.
Bản ĐCVH năm 1943 không chỉ là một văn kiện lịch sử quan trọng mà còn là một Cương lĩnh hành động đầu tiên về văn hóa của Đảng ta, được ra đời ngay từ trong quá trình vận động cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam mới. Theo đó, các Nghị quyết lãnh đạo về văn hóa sau này, như Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết T.Ư 33 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là những Cương lĩnh mới về văn hóa của Đảng, vừa tiếp nối, vừa phát triển nhiều luận điểm quan trọng của ĐCVH năm 1943.
Nhìn lại quá trình thực hiện các quan điểm lớn, các tư tưởng lớn của ĐCVH, càng thấy rõ hơn tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về văn hóa. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi các nguy cơ về văn hóa đã được cảnh báo từ ĐCVH vẫn đang hiện hữu dưới những hình thức khác nhau. Công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo hơn ba chục năm qua đã và đang thu được những thành tựu hết sức to lớn và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và “thời đại 4.0”, chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ tồn vong của bản sắc văn hóa dân tộc, mà tính dân tộc là phương châm số 1 trong 3 phương châm lớn của ĐCVH là dân tộc, khoa học và đại chúng.
Bản sắc văn hóa của một dân tộc chính là cốt cách của dân tộc ấy. Đó là những phẩm chất tương đối ổn định và bền vững, được hình thành và tồn tại trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc. Vì vậy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng chính là giữ gìn cốt cách của dân tộc. Một nền văn hóa giữ được cốt cách dân tộc sẽ là một nền văn hóa có đủ nội lực đề kháng, chống lại các cuộc "xâm lăng văn hóa" từ bên ngoài. Một nền văn hóa như vậy mới đủ tự tin và bản lĩnh để tiếp nhận chọn lọc những giá trị văn hóa của các dân tộc khác, "dân tộc hóa" những giá trị văn hóa nhân loại để đồng hành cùng nhân loại.
Dân tộc Việt Nam trải qua nghìn năm Bắc thuộc, trăm năm Pháp thuộc và hai mươi năm xâm lược của đế quốc Mỹ. Trong quá trình đó, các thế lực ngoại bang luôn tìm mọi cách đồng hóa dân tộc ta về văn hóa. Nhưng văn hóa Việt vẫn trường tồn, vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Được như vậy là nhờ ông cha ta đã giữ được cốt cách dân tộc, biết cách bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc; đồng thời biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại và “Việt hóa” thành công những giá trị văn hóa ấy. Nội lực ấy của nền văn hóa Việt Nam là một nguồn lực làm nên sức mạnh tổng hợp, giúp dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa hiện nay, sự xâm nhập các giá trị văn hóa ngoại lai vào nước ta diễn ra thông qua nhiều hình thức, nhiều con đường rất tinh vi, khiến người tiếp nhận nhiều khi ngộ nhận. Ấy là chưa kể, đang có những âm mưu làm “mờ nhòe” nhận thức của người tiếp nhận để làm “mờ nhòe” nhiều khái niệm thuộc nhiều lĩnh vực. Có thể nói, đấy là những cuộc xâm lăng không tiếng súng, nhưng nó có thể giết chết tinh thần của dân tộc. Nguy cơ ấy đòi hỏi dân tộc ta phải khẳng định bản lĩnh văn hóa của mình trong hội nhập văn hóa, để không hòa tan trong khát vọng tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.
Bản lĩnh văn hóa trong hội nhập văn hóa là khái niệm mở, bao gồm cả những kỹ năng cần thiết khi giao lưu, quan hệ, trao đổi, “làm ăn” với nước ngoài. Có như vậy mới không bị lép vế, bị thua thiệt mà cái giá phải trả cho sự “khờ khạo” thường là rất đắt. Đồng thời, văn hóa hội nhập đòi hỏi phải có bản lĩnh văn hóa khi tiếp xúc và tiếp nhận cái mới, cái khác; biết tôn trọng sự đa dạng, sự khác biệt; nhưng cũng phải biết chọn lọc tiếp thu, biết loại bỏ những thứ không phù hợp, thậm chí là xấu độc. Cần nhớ rằng hội nhập văn hóa có những đặc thù riêng, không giống như hội nhập trong các lĩnh vực khác. Đó là sự thống nhất giữa “nhận” và “cho”. Nhận cái mới của nước ngoài nhưng chúng ta cũng phải cho thế giới, đóng góp cho thế giới những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Tức là, trong quá trình hội nhập văn hóa, chúng ta không chỉ tiếp biến văn hóa nhân loại, gạn đục khơi trong để làm giàu có thêm kho tàng văn hóa Việt Nam, mà văn hóa Việt Nam có thể đóng góp những giá trị đặc sắc của mình vào văn hóa chung của nhân loại. Đó cũng là cách để làm đầy thêm vốn văn hóa của dân tộc. Khác với các loại tài nguyên vật chất khác, tài nguyên văn hóa càng khai thác và “cho đi” thì càng giàu có thêm, góp phần xây dựng một thế giới đa dạng bản sắc văn hóa.
Ngày nay, nếu không khẳng định được bản lĩnh văn hóa của dân tộc mình, thì cũng không thể phát huy được “sức mạnh mềm” của văn hóa dân tộc trong thời đại hội nhập toàn cầu, như một số nước trong khu vực gần gũi chúng ta đã biết cách sử dụng hữu hiệu sức mạnh ấy để “hóa Rồng, hóa Hổ”. Cũng như trong lịch sử dân tộc, nếu nền văn hóa truyền thống của Việt Nam không đủ sức đề kháng, thì dân tộc Việt Nam đã bị bại liệt, đã bị thủ tiêu bởi các thế lực xâm lược hùng mạnh hơn nhiều lần. Đó là bài học nhỡn tiền thiết thực cho bản lĩnh văn hóa trong quá trình hội nhập văn hóa ngày nay.
Kỷ niệm 80 năm ra đời ĐCVH năm 1943 nhằm lúc đất nước ta đang tập trung xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng và các văn kiện trước đó. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, việc nghiên cứu quán triệt các phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng theo tinh thần của ĐCVH năm 1943 với yêu cầu mới, nội dung mới, thực tiễn mới… chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tương thích với nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị mới. Cho dù xu thế hội nhập với thế giới đang diễn ra như một tất yếu lịch sử, thì phẩm chất dân tộc của hệ giá trị mới vẫn phải được xem là tiêu chí hàng đầu trong bảng giá trị chung của dân tộc. Như vậy, hệ giá trị mới mà chúng ta đang tập trung xây dựng sẽ mang được hơi thở, sức sống của ĐCVH năm 1943. Đồng thời, ĐCVH năm 1943 cũng thông qua đó mà được làm mới, được mang thêm giá trị và ý nghĩa mới trong thời đại mới.
Mai Nam Thắng
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/400369/ban-linh-van-hoa-trong-hoi-nhap.html