Bản Lốc giữ hồn văn hóa Thái, mở lối phát triển du lịch cộng đồng
Giữa vùng biên viễn xứ Thanh, người dân bản Lốc, xã Trung Tiến (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đang từng ngày gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Từ tiếng nói, trang phục, làn điệu dân ca cho đến nếp nhà sàn và các hoạt động văn hóa cộng đồng, tất cả như những sợi dây gắn kết các thế hệ, tạo nên bản sắc riêng bền vững giữa dòng chảy hiện đại hóa.
Nằm sâu trong vùng cao biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa, bản Lốc (xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn) hiện có 120 hộ dân với 560 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Trải qua nhiều thế hệ, người dân nơi đây vẫn giữ gìn gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống từ trong nếp sống, sinh hoạt hằng ngày cho đến các hoạt động cộng đồng, văn nghệ, lễ hội.
Gìn giữ văn hóa từ những điều giản dị
Điều dễ nhận thấy đầu tiên khi đến bản Lốc là hình ảnh người dân vẫn thường xuyên sử dụng tiếng Thái trong giao tiếp hàng ngày. Trẻ nhỏ, người lớn tuổi hay trung niên đều nói tiếng mẹ đẻ một cách tự nhiên, không pha trộn, thể hiện sự gắn bó sâu sắc với nguồn cội.

Người dân bản Lốc trong trang phục truyền thống Thái tham gia hoạt động văn hóa cộng đồng
“Tiếng Thái là hồn cốt của dân tộc mình. Ở bản Lốc, trẻ con từ bé đã được ông bà, bố mẹ dạy nói tiếng Thái trước khi học tiếng phổ thông. Đó là cách để giữ ngôn ngữ, giữ văn hóa,” ông Vi Văn Chậm, Trưởng bản Lốc, chia sẻ.
Không chỉ ngôn ngữ, trang phục truyền thống của người Thái cũng được bà con bản Lốc gìn giữ và sử dụng thường xuyên. Những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ, hoa văn tinh xảo vẫn là lựa chọn ưu tiên trong các dịp lễ, Tết, cưới hỏi hay sinh hoạt cộng đồng.
Bản Lốc còn nổi bật bởi các hoạt động văn hóa cộng đồng được tổ chức thường xuyên. Vào những dịp lễ lớn trong năm hay các buổi sinh hoạt cộng đồng, đội văn nghệ của bản đều biểu diễn các tiết mục múa xòe, hát dân ca, đánh trống chiêng…
Các điệu múa, làn điệu dân ca không chỉ là hình thức giải trí, mà còn là phương tiện để chuyển tải giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc Thái đến với thế hệ trẻ.
“Chúng tôi luôn chú trọng việc truyền dạy cho thanh thiếu niên các điệu múa truyền thống, cách chơi nhạc cụ dân tộc. Việc này không chỉ duy trì phong trào văn nghệ mà còn giúp các em thêm yêu và tự hào về văn hóa dân tộc mình,” ông Vi Văn Chậm nói thêm.
Để phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa truyền thống, chính quyền xã Trung Tiến đã triển khai nhiều kế hoạch cụ thể và đồng bộ. Mỗi năm, xã đều xây dựng kế hoạch bảo tồn văn hóa dân tộc, tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn bản sắc qua nhiều hình thức sinh động, gần gũi.
Ông Mạc Văn Tới, Chủ tịch UBND xã Trung Tiến, cho biết: “Xã đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của văn hóa truyền thống. Các cuộc họp thôn, hội nghị ở bản đều lồng ghép nội dung tuyên truyền về bảo tồn văn hóa.
Bên cạnh đó, xã cũng phát động phong trào mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, Tết; quy định cán bộ, công chức mặc trang phục dân tộc Thái vào thứ Bảy hàng tuần”.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại Trung Tiến là đêm giao lưu văn hóa – văn nghệ vào mỗi tối thứ Bảy. Đây là sân chơi văn hóa cộng đồng được tổ chức đều đặn, với sự tham gia của đông đảo người dân. Những tiết mục biểu diễn dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ dân tộc không chỉ phục vụ đời sống tinh thần mà còn là dịp để các thế hệ cùng giao lưu, trao truyền văn hóa.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng được lồng ghép chặt chẽ với bảo tồn văn hóa truyền thống. Nhờ đó, đến nay, toàn xã Trung Tiến có trên 80% gia đình được công nhận là “Gia đình văn hóa”, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
Kết hợp bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch
Với những giá trị văn hóa đặc sắc, xã Trung Tiến được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Việc gắn kết bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đang được địa phương xúc tiến từng bước.
“Chúng tôi khuyến khích các bản giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống, phát triển nghề dệt thổ cẩm, chế biến các món ăn truyền thống để tạo sản phẩm phục vụ du khách. Sắp tới, xã sẽ thành lập các câu lạc bộ văn hóa – văn nghệ chuyên biểu diễn phục vụ khách tham quan,” Chủ tịch UBND xã Trung Tiến cho biết.
Xã cũng dành ngân sách hỗ trợ các bản mua sắm trang thiết bị như loa đài, trang phục biểu diễn, nhạc cụ dân tộc để phục vụ các hoạt động giao lưu, biểu diễn. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa, dạy hát dân ca, học múa xòe cho học sinh, giúp thế hệ trẻ tiếp cận và hiểu rõ hơn về văn hóa dân tộc mình.
Trong dòng chảy không ngừng của hiện đại hóa, văn hóa truyền thống nhiều nơi có nguy cơ mai một. Thế nhưng ở bản Lốc, những giá trị ấy vẫn hiện diện sống động trong từng lời ca, điệu múa, nếp nhà và trang phục thường nhật.
Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng ý thức giữ gìn của người dân, bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại Trung Tiến không chỉ được bảo tồn mà còn lan tỏa mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc để phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giữa đại ngàn xứ Thanh, bản Lốc như một điểm sáng của lòng tự hào dân tộc, nơi mà mỗi lời ca, điệu múa không chỉ là nghệ thuật, mà còn là thông điệp nối dài từ bao thế hệ người Thái về cội nguồn văn hóa không thể đánh mất.