'Bản lỗi' Dự án cảng Bến Đình (Lý Sơn) được 'sửa' bằng 250 tỷ đồng
Dự án cảng Bến Đình đã được đưa vào vận hành thử nghiệm, nhưng chủ yếu chỉ để 'ngắm', vì rất ít tàu có thể cập bến do sóng lớn.
Thực trạng này khiến tỉnh Quảng Ngãi đầu tư thêm 250 tỷ đồng để xây đê chắn sóng bảo vệ. Câu hỏi đặt ra là, nguồn vốn đầu tư “phình to” này liệu có mang lại hiệu quả?
Lời cảnh báo từ trước
Dự án cảng Bến Đình (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được đầu tư hơn 250 tỷ đồng và đưa vào vận hành thử nghiệm từ ngày 10/7/2022. Tuy nhiên, ngày 16/7/2022, tàu Super Biển Đông chở 150 khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn không thể cập cảng vì “thời tiết bất lợi”, buộc phải chở khách cập cảng Lý Sơn (cảng cũ).
Điều bi hài là ngày 16/7/2022, trời quang và chỉ là gió Nam, mà tàu vẫn chao đảo mạnh, không thể cập cảng.
Lý giải nguyên nhân tàu Super Biển Đông tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn không thể cập cảng vào ngày 16/7/2022 trong điều kiện thời tiết bình thường, Ban Quản lý cảng và cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ngãi cho hay, tàu không thể cập cảng Bến Đình, dù biển không có sóng to, gió lớn, nhưng do có gió Nam, nên biển rất “săn” (ý nói sóng biển dập dềnh, lênh đênh).
Gần đây nhất, những ngày trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tàu cũng chỉ hoạt động ở cảng Lý Sơn.
Dự án Cảng Bến Đình (huyện Lý Sơn), khởi công tháng 11/2016, do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, sau đó chuyển sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh.
Dự án có tổng vốn trên 250 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính: bến cập tàu dài 87 m, cầu dẫn dài 153 m, kè bảo vệ bờ, diện tích khu lấn biển 4,8 ha, khu vực cảng 3,1 ha; nhà ga rộng 1.000 m2, nhà làm việc 250 m2...
Sau khi hoàn thành, cảng Bến Đình sẽ trở thành khu trung tâm vận tải hàng hóa, có thể tiếp nhận cùng lúc một tàu có trọng tải 2.000 tấn, một tàu trọng tải 1.000 tấn, một tàu khách công suất 400 ghế, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân cùng khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ông Phan Hùng Vinh (thôn An Vĩnh, huyện Lý Sơn) cho biết, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tàu thuyền không thể hoạt động ở cảng Bến Đình được vì gió “săn”, nên phải chạy về cảng cũ.
“Trời thật êm thì mới cập cảng Bến Đình được. Chỉ cần có gió Nam là không thể nào cập cảng, chứ đừng nói biển động. Người dân địa phương đã cảnh báo trước khi xây dựng cảng”, ông Vinh nói.
Ông Vinh chia sẻ, trước đây, khi đưa ra vị trí xây cảng Bến Đình, người dân ở đây nhiều lần có ý kiến không thống nhất, song sau khi khảo sát, tỉnh Quảng Ngãi vẫn quyết định chọn vị trí như hiện tại để xây cảng.
“Dân địa phương chúng tôi sống ở đây mấy chục năm, biết hẳn gió biển như thế nào. Đặc biệt, vị trí đó như ngay miệng sóng thần. Sóng đánh liên tục, tàu bè không dám vào”, ông Vinh lý giải.
Theo người dân địa phương, hàng năm, vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 (ngoại trừ do ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông), khu vực đảo Lý Sơn luôn có gió Nam. Nghĩa là, thời tiết trong khoảng thời gian này rất khó cho việc tàu khách cập cảng Bến Đình.
Một chủ tàu chuyên chở hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn cũng chia sẻ, cảng Bến Đình được đầu tư hiện đại, nên chắc chắn sẽ văn minh, lịch sự hơn cảng cũ, song khi có sóng lớn, nếu mạo hiểm đưa tàu vào cảng Bến Đình, thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của du khách.
Đầu tư thêm 250 tỷ đồng để “tránh lãng phí”
Cuối năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình đê chắn sóng bến cảng Bến Đình (Lý Sơn, Quảng Ngãi). Dự án này thực tế nhằm khắc phục “bản lỗi” của Dự án cảng Bến Đình.
Dự án gồm các hạng mục như thân đê với tổng chiều dài 450 m, bề rộng mặt đê chỗ lớn nhất là 16,4 m và hẹp nhất là 6 m, toàn bộ phần mặt đê được phủ bởi các khối phủ Accropode; cao trình đỉnh đê nơi cao nhất 6,6 m và thấp nhất 4 m; hệ thống quan trắc sóng biển tại khu vực cảng Bến Đình…
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, mục tiêu đầu tư để bảo vệ ổn định khu vực cảng Bến Đình, góp phần che chắn làm giảm sóng, hạn chế bồi lấp, giảm thiểu rủi ro thiên tai khu vực cảng, đảm bảo khai thác hiệu quả cảng Bến Đình.
Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, thời hạn sử dụng công trình 50 năm, với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 175 tỷ đồng, phần còn lại do ngân sách địa phương cân đối. Công trình được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi.
Người dân địa phương cho rằng, việc đầu tư xây dựng cảng Bến Đình mà khai thác ít sẽ rất lãng phí, nên việc xây dựng đê chắn sóng là cần thiết. “Giờ người dân thấy làm kè cũng ủng hộ, vì nếu không, cảng Bến Đình chắc sẽ bỏ hoang”, ông Vinh nói. Cũng theo ông Vinh, nếu trước đây, tỉnh lắng nghe ý kiến người dân, thì đã giảm được chi phí và rõ nhất là giảm tiền xây đê để bảo vệ cảng Bến Đình.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về việc đầu tư cầu Bến Đình, ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tôi không trả lời nội dung này, vì Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong khi tôi mới về mấy tháng”.
Câu trả lời của ông Đạt có phần không hợp lý, bởi lẽ, dù mới hay cũ về chức vụ, thì mọi chuyện đều phải “có đầu, có đuôi”. Công luận có quyền đặt câu hỏi, ông Đạt không nắm “chuyện cũ”, thì ông bắt đầu thực hiện “chuyện mới” từ đâu và ai sẽ chịu trách nhiệm cho “bản lỗi” của Dự án cảng Bến Đình?