Bán mảnh đất 5000 m2, ông lão Tây Ninh thẫn thờ vì mất trắng món quà trời cho
Tại Tây Ninh, một khu vườn với số lượng cò lớn nằm ngay trong lòng thành phố đang có nguy cơ xóa sổ. Đó là vườn cò Giếng Mạch.
Vườn cò là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách mang tính đặc trưng của miền Nam sông nước. Ở những tỉnh có vườn cò, khách tham quan phải lặn lội từ xa mới đến được. Trong khi đó, tại Tây Ninh, một khu vườn với số lượng cò lớn nằm ngay trong lòng thành phố đang có nguy cơ xóa sổ. Đó là vườn cò Giếng Mạch.
Vườn cò Giếng Mạch nằm tại Khu phố 4, Phường 3, Thành phố Tây Ninh. Đây là nơi trú ngụ hàng đêm của các loài cò ruồi, cò ma, cò trắng, cổ rắn, ốc cao, chằng nghịch, sáo sậu, sáo bò, sáo trâu…
Buổi sáng hay lúc chiều về, từng đàn cò bay lượn đầy trời. Màu trắng của cò, màu đen, màu xám của những loài chim khác đã phủ kín không gian Giếng Mạch. Nhiều tiếng kêu vang lên, có lúc như ai oán ...
Cuối năm, đám ruộng xung quanh vườn cò được bà con gạn đồng sạ lúa, cá con nổi lên trên mặt nước thu hút đàn cò khiến chúng không bay xa, chỉ lẩn quẩn quanh vườn tìm mồi. Có lúc chúng đậu trắng cả cánh đồng.
Trước đây, khu vực này là vùng đất trống rộng 2ha. Chủ nhân của mảnh đất là ông Hà Huyền Mộng, 64 tuổi. Năm 2003, ông Mộng đã dùng phần đất rộng 5000m2 tạo thành đầm lầy với mục đích trồng tràm để bán cây và khoảng 100 bụi tre để lấy măng. Những cây tràm nước có giống nhập từ Úc và tre giống của Đài Loan phát triển nhanh, cao to tạo thành một khu vực hỗn hợp tràm tre rậm rạp.
Đến tháng 8/2005, những con cò đầu tiên không biết từ phương nào tìm đến. Cứ chiều về chúng đậu trắng cả ngọn tràm. Tháng 3 năm sau, mùa nắng đến, cả khu vực thành đồng khô cỏ cháy. Bầy cò không còn thức ăn nên bay đi nơi khác.
Vào mùa nước, chúng nhớ nơi này nên bay trở lại, mang theo bầy cò con. Thì ra, do thiếu thức ăn, chúng đi lánh nạn và cũng là thời điểm chúng sinh sôi. Từ đó, bầy cò nhiều dần. Ý tưởng trồng tràm để bán cây không còn nữa, bù vào đó, tình yêu cò đến với vợ chồng ông mãnh liệt. Cả ông bà đều cố giữ lấy vườn cò cho dù cuộc sống có thiếu thốn.
Đến nay, 15 năm trôi qua, bầy cò lên đến hàng chục nghìn con. Ông Mộng cho biết, gần đây gia đình ông gặp nhiều khó khăn, ông đành phải chuyển nhượng khu đất trồng tràm này. Người mua dĩ nhiên sẽ chặt bỏ tràm, lấp đất để cất nhà và trồng cây ăn trái. Thêm vào đó, những ngôi nhà xung quanh bắt đầu xuất hiện cho thấy khu dân cư rất gần với đàn cò.
Nhiều hộ dân ở gần vườn cò cho biết, chỉ sau một đêm, sáng thức dậy ai cũng phải ngỡ ngàng trước những cụm phân và lông cò ngập cả sân, kín cả mái nhà.
Ông Mộng nhớ lại: 'Năm 2008 xuất hiện dịch cúm H1N1 và H5N1 (cúm gia cầm), tôi đã đuổi bầy cò đi một thời gian nhưng rồi chúng cũng quay lại. Không biết có phải chúng mến nơi đây không nhưng, sự trở lại của cò làm chúng tôi yêu chúng hơn'.
'Giờ đây, với sự phát triển của khu dân cư và mảnh đất trồng tràm trở thành nơi ở của một hộ gia đình riêng thì vườn cò sẽ không còn là điều dĩ nhiên. Tuy nhiên, ở cách nơi đây vài trăm mét có một khu đất rộng khoảng vài ha. Giá như nhà nước biến nơi đó thành một vườn cò nhằm thu hút du khách đến với Tây Ninh thì hay quá', ông Mộng trăn trở với chúng tôi.
Thiết nghĩ, vườn cò Thới Bình (Cà Mau), vườn cò Tháp Mười (Đồng Tháp), vườn cò Bằng Lăng (Cần Thơ) đều nằm xa thành phố và cách Sài Gòn vài trăm km. Vườn cò Giếng Mạch trong lòng thành phố Tây Ninh và không xa Sài Gòn sẽ thuận lợi và hấp dẫn hơn những vườn cò khác.
Phát biểu trên Baotayninh.vn, ông Nguyễn Thái Bình Dương - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý du lịch, Sở VHTT& DL Tây Ninh cho biết: 'Trong định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, Thành phố Tây Ninh sẽ phát triển thành đô thị du lịch xanh, là trung tâm vui chơi, giải trí, mua sắm cho khách khi du lịch đến Tây Ninh.
Việc bảo vệ và giữ lại đàn cò tại khu vực Phường 3, Thành phố Tây Ninh là rất cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển thành phố xanh. Nơi đây có thể phát triển thành điểm du lịch sinh thái độc đáo để thu hút du khách đến với Tây Ninh.
Về góc độ phát triển du lịch, Sở VHTT& DL sẽ kiến nghị thành phố Tây Ninh nhanh chóng có giải pháp bảo vệ đàn cò và xây dựng nơi đây trở thành điểm đến cho khách du lịch trong thời gian tới'.