Bán mỗi gốc đào cảnh, người dân Đèo Gió kiếm tiền triệu
Với lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, thôn Đèo Gió như một xứ sở trồng hoa đào của huyện Ngân Sơn. Những ngày cuối năm hoa đào nở phủ kín lưng đèo. Người dân tấp nập khai thác đào bán cho thương nhân mang về xuôi tiêu thụ.
Những ngày này, từ thị trấn Nà Phặc đến hết xã Bằng Vân, suốt khoảng gần 20km, du khách sẽ thấy hai bên đường rực rỡ sắc đỏ của hoa đào. Trong tiết trời se lạnh, sắc hoa đào báo hiệu mùa xuân đã về trên quê hương cách mạng.
Từ giá trị kinh tế mang lại, hiện nay huyện Ngân Sơn là một trong những địa phương có diện tích trồng đào lớn nhất tỉnh Bắc Kạn với trên 40ha. Đào được trồng nhiều tại thị trấn Nà Phặc, thị trấn Vân Tùng, xã Đức Vân. Thời điểm sau mùng 10/12 âm lịch là thời điểm người trồng đào bắt đầu đánh gốc những cây đào để bán.
Ông Hoàng Văn SLín, Trưởng Tiểu khu Đèo Gió cho biết: Đèo Gió có khí hậu mát mẻ vào mùa hè, mùa đông thì hay có sương mù, mưa phùn và nhiệt độ thấp nên cây đào trồng ở đây sinh trưởng và phát triển rất tốt. Sau nhiều năm trồng đào, đến nay người dân đã chọn đây là cây trồng mũi nhọn. Cây đào Đèo Gió gần như được bán quanh năm, những cây đào khoảng từ 3 đến trên 5 năm tuổi được người làm đào cảnh Hà Nội, Thái Nguyên lên chọn mua về ghép làm đào thế. Cũng từ tư thương buôn đào nên nhiều hộ dân đã học được cách làm đào thế.
Anh Bàn Văn Huy - người người trồng đào trên Đèo Gió chia sẻ: Trồng đào đã thành nghề rồi, ngoài để cây tự nhiên, chúng tôi đã biết ghép nhiều màu trên cùng một cây. Những cây 1-2 năm tuổi trước kia vài ba trăm ngàn đồng thì nay đã là tiền triệu; những gốc đào ghép khoảng 6 năm tuổi có giá từ 3 triệu đến hàng chục triệu đồng. Ngoài ra cành đào ta, hay vẫn gọi đào rừng được rất nhiều du khách Hải Phòng chọn mua. Với lợi thế tuyến QL3 chạy qua, những chuyến xe chở hàng chiều về là giúp việc vận chuyển tiêu thụ đào cảnh thuận lợi.
Đồng chí Phạm Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn chia sẻ: Ngoài được bán cây, bán cành, bán quả, hiện đã có HTX Đào Tiên Pác Ả chọn đào làm sản phẩm chủ lực để làm thương mại. HTX thành lập năm 2022 với hơn 10 thành viên, hiện nay có hơn 10ha đào cho thu hoạch. HTX đang tìm hiểu một số quy trình để chế biến hàng hóa từ quả đào như trà đào, đào sấy dẻo, rượu đào. Quả đào trồng ở Ngân Sơn được đánh giá chất lượng tốt, vị ngọt thanh ăn giòn, giá bán dao động từ 25.000 đến 50.000 đồng/kg quả tươi.
Anh Nguyễn Văn Công, thương lái ở Hà Nội cho biết: “Mấy năm rồi, tôi đều lên miền núi mua đào phục vụ thị trường Tết. Thay vì những cành đào, cây đào được cắt tỉa kỹ lưỡng, tạo thế cầu kỳ, thì đào Ngân Sơn lại mang nét đẹp tự nhiên của núi rừng. Vì lẽ đó, nhiều người dân Hà Nội ưa chuộng chơi đào miền núi".
Những năm qua, từ lợi ích kinh tế mang lại, người dân một số địa phương như thị trấn Vân Tùng, thị trấn Nà Phặc và xã Đức Vân đã chuyển đổi nhiều diện tích vườn đồi trồng ngô sang trồng cây đào. Một số hộ dân còn trồng, chăm sóc đào để phục vụ du khách đến check in, trải nghiệm. Vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và các hộ dân trên địa bàn huyện còn tận dụng những khoảnh đất trống ven trục đường để trồng đào, tạo cảnh quan sạch, đẹp.
Đào là cây trồng mang biểu tượng của mùa Xuân, một phần không thể thiếu với mỗi gia đình Việt mỗi khi Tết đến, Xuân về. Trong không khí chuẩn bị đón Tết, mỗi gia đình thường có cành hoặc cây hoa đào và một cây quất trang trí trong nhà. Những giọt mưa xuân lất phất càng khiến cho từng nụ hồng đào chúm chím e ấp. Đắm mình trong sắc hồng rực rỡ, lòng người cũng thêm hân hoan, rạo rực đón chào Xuân mới./.