Bản Mông bừng sáng - Kỳ 1: Hiệu quả từ Đề án 09 của Tỉnh ủy
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) luôn là nội dung quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện đã, đang góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại tỉnh ta, đồng thời tạo động lực để phát triển KT-XH, ổn định chính trị trong vùng đồng bào DTTS.
Tỉnh ta dân tộc Mông chiếm phần đông dân số với trên 34%, là chủ nhân của kho tàng văn hóa độc đáo và cũng chính là nguồn tài nguyên giá trị dồi dào để phát triển KT-XH.
Phát huy các nghề truyền thống
Trước thực trạng, yêu cầu phải đảm bảo an sinh xã hội ở vùng đồng bào DTTS; đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS chiếm 99%, trình độ dân trí không đồng đều, còn tồn tại nhiều hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, việc tang, mê tín dị đoan, ăn ở chưa hợp vệ sinh… BTV Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 21.4.2017 về “Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”. Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh việc phát triển KT-XH ở vùng đồng bào DTTS, trong đó tập trung bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông. Vì vậy, diện mạo vùng đồng bào DTTS trong những năm qua đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,29%. Bà con các dân tộc luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế xây dựng quê hương.
Các địa phương trong tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào Mông giữ gìn, khôi phục, phát triển các nghề truyền thống để phát triển kinh tế. Điển hình như huyện Mèo Vạc có Hợp tác xã (HTX) Xuân Mai sản xuất các sản phẩm từ cây lanh, HTX Giàng Chu Phìn đan lát các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày; huyện Quản Bạ bảo tồn nghề dệt lanh tại xã Lùng Tám, nghề mộc tại xã Cán Tỷ; huyện Yên Minh khôi phục HTX dệt lanh tại thôn Ngán Chải, xã Lao Và Chải; huyện Hoàng Su Phì phối hợp với tổ chức CRED (Trung tâm phát triển kinh tế nông thôn của Thụy Sĩ) lựa chọn được 12 sản phẩm của dân tộc Mông thuộc các xã Bản Péo, Tả Sử Choóng đưa vào kế hoạch phát triển hàng hóa phục vụ du lịch. Trong tổng số 40 làng nghề truyền thống của tỉnh, có 10 làng nghề có đồng bào Mông tham gia, nổi bật là các làng nghề như: Làng nghề may mặc trang phục dân tộc thị trấn Phó Bảng, Làng nghề chế tác Khèn Mông xã Hố Quáng Phìn, Làng nghề may mặc trang phục dân tộc Mông thôn Lũng Hòa A, xã Sà Phìn (Đồng Văn); Làng nghề dệt lanh Lùng Tám, xã Lùng Tám; Làng nghề nấu rượu ngô Thanh Vân (Quản Bạ)...
Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ cho 4 huyện vùng cao Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ thực hiện 15 đề án với 24 nội dung cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ cho 3 cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất chế biến mật ong Bạc hà, 2 cơ sở sản xuất vải lanh và 5 cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, tinh bột nghệ, ớt gió ngâm giấm, rượu mê cung đá và thức ăn chăn nuôi. Qua đó, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động vùng cao.
Bảo tồn phong tục, tập quán tốt đẹp
Văn hóa của dân tộc Mông rất phong phú, đa dạng chính vì vậy, trong nhiều năm qua tỉnh triển khai nhiều dự án bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông như: Trang phục, kiến trúc nhà ở, lao động sản xuất, giá trị tín ngưỡng, phong tục, tập quán… Tích cực tuyên truyền, vận động để bà con thấy được nét độc đáo, đặc sắc trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình, không mê tín dị đoan, không theo đạo trái pháp luật. Tiêu biểu như huyện Mèo Vạc ban hành Đề án số 13-ĐA/HU về cải tiến đám tang trong vùng đồng bào dân tộc Mông, giai đoạn 2019 - 2022 và những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào Mông cải tiến, tự giác xóa bỏ hủ tục trong tang lễ như mổ trâu, bò nhiều, uống rượu, tổ chức ăn dài ngày… Đến nay, cơ bản các đám cưới, đám tang đã được đơn giản hóa, gọn nhẹ, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và điều kiện hoàn cảnh, đảm bảo theo quy định của pháp luật; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng giảm đáng kể.
Thực hiện bảo tồn tiếng nói và chữ viết dân tộc Mông, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh mở được 37 lớp dạy chữ và tiếng Mông cho cán bộ công chức và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Ngoài ra, Đài PT-TH tỉnh có các chương trình tiếng Mông trong những khung giờ nhất định; Trung tâm văn hóa các huyện thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước trên loa truyền thanh bằng tiếng Mông tại các phiên chợ, loa cố định tại các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố...; khuyến khích các gia đình dân tộc Mông tích cực giao tiếp bằng tiếng dân tộc trong sinh hoạt, truyền dạy tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán tốt đẹp cho con cháu trong gia đình. Các ngành, cấp tích cực nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác nghệ thuật, phim ảnh từ di sản văn hóa Mông, cấp phát trên 10.000 tờ rơi, 2.000 cuốn tài liệu song ngữ Việt – Mông; phát hành được 1.000 đĩa phim tư liệu, khoa học quảng bá trên truyền hình Trung ương. Đồng thời, phối hợp với nhà thơ Hùng Đình Quý xuất bản tập thơ song ngữ Mông - Việt “Hoa nở trên đá” năm 2017; tái bản cuốn sách “Văn hóa dân tộc Mông Hà Giang” do Giáo sư Trường Lưu và tác giả Hùng Đình Quý chủ biên (năm 2018). Đến nay, toàn tỉnh có 11/11 huyện, thành phố thành lập “Hội nghệ nhân dân gian”, với trên 8.400 hội viên. Hội nghệ nhân dân gian cùng với chính quyền địa phương đã sưu tầm, phục dựng lại các lễ hội truyền thống của dân tộc Mông; tham gia truyền dạy văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ, truyền dạy các bài thuốc quý, các nghề thủ công truyền thống; thành lập Câu lạc bộ lưu giữ văn hóa truyền thống.
Thực hiện Đề án “Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 - 2020”, các ngành chức năng tổ chức biên tập và phát hành bộ tài liệu giáo dục văn hóa truyền thống các DTTS nói chung, văn hóa dân tộc Mông nói riêng cho học sinh phổ thông của tỉnh. Trong đó, giới thiệu về các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các phong tục, tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian của các DTTS; mời nghệ nhân dân gian truyền dạy cho học sinh các làn điện dân ca Mông, múa khèn, chế tác nhạc cụ truyền thống; sưu tầm, trưng bày các nhạc cụ, trang phục, dụng cụ lao động sản xuất của dân tộc Mông trong phòng truyền thống, thư viện nhà trường.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Hải, cho biết: Đề án số 09-ĐA/TU đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc nói chung được nâng lên rõ rệt, góp phần từng bước ngăn chặn và đẩy lùi những hủ tục, mê tín dị đoan, phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh...