Bản Mông vươn mình
Nằm giữa vùng giáp ranh của 2 xã Tân Mỹ, Phúc Sơn, Khuôn Thẳm là thôn vùng sâu, vùng xa nhất của xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa), với nhiều cái không: Không đường, không điện, không sóng điện thoại... Nhưng vượt qua khó khăn, người dân đã tích cực thi đua lao động sản xuất, đoàn kết, nỗ lực vươn lên, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.
Sức sống trên vùng đất khó
Khuôn Thẳm được mệnh danh là “ốc đảo” giữa đại ngàn. Để đến được Khuôn Thẳm phải vượt Đèo Lai, đi khoảng 2 km đường đất mới vào đến thôn.
Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Khuôn Thẳm là những vạt rừng ngút ngàn xanh mướt. Rừng ôm trọn 25 nóc nhà của bản Mông. Bản Mông Khuôn Thẳm hình thành từ những năm 70. Hồi đó, chỉ vài ba gia đình người Mông ở các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang) về định cư tại vùng đất này. Đến nay, thôn đã phát triển lên 25 hộ. Trước đây, bà con chủ yếu làm nương rẫy trồng ngô, lúa nương. Bởi vậy, nhiều hộ thường xuyên hết gạo những tháng giáp hạt. Gần đây, bà con chuyển đổi tư duy sản xuất sang phát triển kinh tế rừng, đời sống ngày càng ổn định. Anh Lý Tờ Lùng, Trưởng thôn Khuôn Thẳm phấn khởi nói, 100% số hộ trong thôn phát triển kinh tế rừng. Hộ trồng ít cũng từ 2 đến 3 ha, hộ nhiều có từ 20 đến 30 ha. Trồng rừng đã trở thành phong trào và là thu nhập chính của bà con nơi đây.
Hộ chị Giàng Thị Doa là một trong những gia đình trồng rừng giỏi nhất ở Khuôn Thẳm. Chị Hoa bảo: “Có 27 ha thôi, đâu mà nhiều. Ở đây chủ yếu là đồi dốc, trồng cây ngô, cây sắn, đất xói mòn bạc màu lắm! Chúng tôi chỉ trồng rừng thôi”. Trước đây, cũng giống như bao gia đình khác trong thôn, gia đình chị Doa cũng chỉ trồng ngô, lúa nương. Có năm không có mưa, lúa nương mất mùa, vậy là tháng tết năm đó nhà hết gạo ăn. Vợ chồng chị quyết định bỏ sắn, ngô chuyển sang trồng keo, bồ đề, xoan.
Gia đình ông Lý Sín Dùng nuôi 10 co bò sinh sản, là một trong những hộ nuôi bò nhiều nhất thôn Khuôn Thẳm.
Chỉ tay về vạt đồi keo khoảng 1 tuổi, chị bảo: Năm ngoái nhà tôi vừa khai thác được hơn 650 triệu đồng, khai thác xong trồng luôn giờ đã lên xanh tốt rồi. Nhà còn vài đồi cũng chuẩn bị khai thác nữa. Mỗi việc chăm cây thôi, mà 4 người nhà làm không xuể. Mùa trồng cây, làm cỏ, tôi phải thuê hơn chục người trong làng hộ làm”. Nhờ bán cây, gia đình chị Doa có cuộc sống ngày càng khấm khá và nuôi các con ăn học. Hiện con thứ hai của gia đình đang học Đại học tại Hà Nội, con út đang học THPT.
Ngoài gia đình chị Doa, ở Khuôn Thẳm còn rất nhiều hộ trồng rừng giỏi như gia đình ông Sùng Thèn Giáo trên 20 ha, ông Lý Tiến Bần 17 ha, chị Đặng Thị Hường hơn 7 ha...
Đồng bào Mông ở Khuôn Thẳm không chỉ trồng rừng giỏi mà còn biết đến là thôn chăn nuôi gia súc, gia cầm béo tốt nhất vùng. Cả thôn có hơn 100 con trâu, bò, tính ra mỗi hộ có từ 3 - 4 con. Để minh chứng điều này, anh Lùng dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ chăn nuôi trâu, bò. Vừa lùa đàn bò ra khỏi chuồng, ông Lý Sín Dùng nheo mắt cười: “Nhà tôi có 10 con trâu, bò. Mỗi năm sinh sản 3 - 4 con bê, nghé con. Bán đi cũng được chục tấn thóc, hơn hẳn làm lúa nương. Trên này, lắm cỏ nên trâu, bò được ăn no cả ngày”. Nói rồi, ông Dùng dẫn tôi lên thăm nhà. Căn nhà gỗ lợp ngói đỏ, tường được ốp gỗ, nền lát gạch hoa sáng loáng. Ngôi nhà này, ông vừa dựng hơn 300 triệu đồng nhờ tiền bán trâu, bò và trồng rừng. Vợ chồng ông Dùng năm nay đã hơn 60 tuổi, nhưng hằng ngày vẫn chăn nuôi 10 con trâu, bò; vài chục con lợn, ao cá, cấy 4 sào ruộng và chăm 3 ha rừng keo...
Qua hết quả đồi nhà ông Dùng là nhà chị Ma Thị Hoài. Trước đây, gia đình chị Hoài chăn nuôi lợn. Lợn dịch bệnh, chị chuyển sang chăn nuôi gà thịt thả vườn. Chị nuôi 1- 2 lứa gà thịt/năm, bình quân 600 con/lứa. Vườn rộng, gà được chăm sóc tốt, nên gà nhà chị khách vào tận nhà thu mua. Ngoài chăn gà, chị Hoài chăn nuôi trâu sinh sản, trồng ngô, cấy lúa và trồng 15 ha rừng keo. Gia đình chị trồng gối, bởi vậy, cách 1 đến 2 năm chị lại được khai thác vườn. Từ các nguồn thu, bình quân, gia đình chị Hoài có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, đổi mới của đồng bào Mông ở Khuôn Thẳm chính là tư duy biết khắc phục khó khăn, tận dụng lợi thế, bứt phá đi lên. Giờ vào thôn, không còn hình ảnh những người đàn ông tụ tập uống rượu say khướt, thay vào đó, là sự hăng say lao động. Người lớn lên đồi trồng cây, làm cỏ, chăn thả gia súc, con trẻ đến lớp học, ở nhà chỉ còn lại các cụ già. Họ đã và đang nỗ lực từng ngày, từng giờ, ước vọng cuộc sống no ấm hơn.
Hạt giống đỏ, nẩy mầm xanh
Có được những đổi thay như ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của người dân, sự hỗ trợ của Nhà nước, không thể không nhắc đến những người cán bộ tiên phong, đó là những đảng viên trẻ Lý Seo Hảo, Lý Tờ Lùng. Họ được ví như những hạt giống đỏ, nảy mầm xanh ở bản.
31 tuổi, Lý Seo Hảo đã có 8 năm làm cán bộ thôn và hiện nay đang là Bí thư chi bộ Khuôn Thẳm. Với bản Mông Khuôn Thẳm, anh Hảo là cán bộ trẻ tuổi lãnh đạo giỏi, làm kinh tế giỏi. 24 tuổi, anh Hảo được bà con bầu làm trưởng thôn. Khi mới tiếp nhận công việc, anh cũng gặp nhiều khó khăn, bởi thiếu kinh nghiệm, kiến thức về chính sách, pháp luật chưa nhiều. Anh bảo, vừa làm, vừa học, cứ cái gì có lợi cho dân thì mình làm.
Bí thư chi bộ Lý Seo Hảo thứ hai từ trái sang cùng trưởng thôn Lý Tờ Lùng (bên phải) tuyên truyềnnghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân trong thôn.
Rồi anh dẫn chứng, trước hết mình phải gương mẫu, đã nói là làm. Cái nào khó mình làm trước để bà con làm theo. Anh Hảo chia sẻ, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự giúp anh trưởng thành hơn. Khi trở về địa phương, anh luôn nung nấu ý chí thoát nghèo. Anh cùng gia đình cải tạo những chân ruộng bỏ hoang do thiếu nước sản xuất thành ruộng cấy 2 vụ. Gia đình anh cũng đi đầu trong trồng rừng nguyên liệu, chăn nuôi trâu sinh sản và dê thương phẩm. Sự gương mẫu, năng động trong phát triển kinh tế. Năm 2014, anh Hảo vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tháng 11 này, anh Hảo được Đảng ủy xã chỉ định làm Bí thư chi bộ. Đây cũng là lần đầu tiên, Khuôn Thẳm có Bí thư chi bộ là người Mông trong bản.
Trưởng thôn Lý Tờ Lùng, sinh năm 1989 có thâm niên 7 năm làm phó thôn kiêm công an viên trước khi làm trưởng thôn. Anh Lùng tâm sự: Khi được bầu làm cán bộ thôn, bản thân anh luôn trăn trở làm thế nào để bà con tin tưởng, nghe theo. “Thấy bà con trồng lúa, trồng ngô trên nương, bị sóc chuột ăn hết, bà con thường bị đói giáp hạt. Chúng tôi vận động nhân dân chuyển sang trồng rừng. Ban đầu cũng khó khăn lắm! Dân bảo “đảng viên làm trước, làng nước theo sau.
Một mặt, anh em chúng tôi bước vào làm thực tế, trồng cây, cấy lúa, mặt khác, đến từng nhà dân trò chuyện, vận động”. 25 hộ dân người Mông ở Khuôn Thẳm đã không phụ lòng những cán bộ trẻ tâm huyết. Họ lắng nghe, tiếp thu và học hỏi. Giờ đây, bà con biết rào vườn, dựng chuồng chăn nuôi thay vì thả rông gia súc, gia cầm. Đồi nương bỏ trống được thay thế những đồi keo xanh tốt cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Những mảnh đất cằn cỗi giờ ngô đã phủ kín. Nhân dân một lòng theo Đảng, đoàn kết, nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Gặp anh Quân Văn Tịch, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã dự ngày hội đại đoàn kết ở thôn. Anh Tịch cho biết: “Những người cán bộ trẻ ở Khuôn Thẳm đang đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, cố gắng vươn lên ngang tầm nhiệm vụ. Những việc họ đã và đang làm rất thực tế. Đây là thôn có nhiều rừng và chăn nuôi trâu, bò phát triển nhất của xã”.
Tạm biệt Bí thư chi bộ Lý Seo Hảo, trưởng thôn Lý Tờ Lùng và những câu chuyện vượt khó của đồng bào Mông nơi đây. Trở về trên con đường ngoằn ngoèo, đèo dốc được phủ bóng mát bởi tán rừng hai bên đường. Ngoái lại nhìn Khuôn Thẳm, tứ phía rừng điệp trùng, ngút ngàn. Lời trưởng thôn bản Mông Lý Tờ Lùng vẫn âm vang trong tôi “Rừng xanh thì bản khỏe”.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/ban-mong-vuon-minh-125130.html