Bản Mường luôn hướng về biển đảo quê hương
Trường Sa đã và đang gần lắm với người dân đất Mường. Cùng với nhân dân cả nước, thời gian qua, người dân Hòa Bình có nhiều hoạt động hướng về nơi đảo xa với niềm tự hào. Bởi nơi đảo xa ấy có nhiều cán bộ, chiến sỹ là con em đất Mường đang góp sức xây dựng và bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió...
Những chàng "sơn tinh” ở Trường Sa!
May mắn được đến với Trường Sa, càng may mắn hơn khi chúng tôi được gặp những người con của quê hương Hòa Bình trên đảo Trường Sa lớn. Đó thực sự là điều đặc biệt, thật đáng để tự hào. Bởi ở nơi xa xôi, khó khăn nhất, trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc đã có những người con của đất Mường Hòa Bình cùng với những người con của mọi miền đất nước ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Xứng đáng với truyền thống yêu nước, chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quê hương Hòa Bình; xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đó là Bùi Văn Hải, quê ở Mỹ Thành (Lạc Sơn), Nguyễn Xuân Sang ở Thanh Cao (Lương Sơn). Tin rằng, những chàng trai này sẽ đưa Trường Sa gần hơn với nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, để Hòa Bình góp sức cùng nhân dân cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
Trên thực tế, không chỉ có Bùi Văn Hải, Nguyễn Xuân Sang mà trước đó đã từng có nhiều chàng "sơn tinh” đất Mường tham gia, được giao giữ trọng trách bảo vệ và canh giữ biển đảo, đóng quân tại các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa. Như Thượng tá Nguyễn Thanh Khoa, nguyên Chánh Thanh tra Quốc phòng - Bộ CHQS tỉnh từng là "lính đảo” đóng quân tại đảo Nam Yết và Trường Sa Đông. Dù đã hoàn thành nhiệm vụ của một người lính, sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, về với cuộc sống thường ngày bình dị nhưng những ký ức về thời trai trẻ vẫn luôn sống trong tâm trí của Thượng tá Nguyễn Thanh Khoa. Trò chuyện, Thượng tá Khoa chia sẻ: Năm 1989 khi chiến dịch CQ88 vào giai đoạn nóng bỏng, khẩn trương nhất, đơn vị Lữ đoàn tăng thiết giáp 408 của ông đã được điều động vào Khánh Hòa rồi ra Trường Sa. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất vốn quen với những dãy núi, bãi ngô xanh mướt chạy dài ven con sông Đà, nay lại ra biển, nơi mà anh lính trẻ Nguyễn Thanh Khoa chưa hình dung được biển là thế nào. Song với ý chí và mệnh lệnh từ trái tim người lính, những gian khổ nơi sóng gió Trường Sa không làm cho chàng trai ấy nhụt chí. Để rồi "cứ nói đến hai tiếng Trường Sa là cánh lính trẻ chúng tôi lên đường với sự háo hức lạ kỳ”, Thượng tá Nguyễn Thanh Khoa bồi hồi nhớ lại.
Không thể kể hết những người con đất Mường đã và đang cùng với những chàng trai đến từ mọi miền đất nước góp sức bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất, biển cả thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng có một điều, chính họ là những cánh chim hải âu tung cánh nơi biển cả đưa Trường Sa từng ngày về gần hơn với đất Mường.
"Chỉ còn một bát cơm, cũng chia sẻ với Trường Sa”
"Chỉ còn một bát cơm, chúng tôi cũng chia sẻ với Trường Sa”. Đó là lời chia sẻ khẳng khái của anh Xa Văn Hùng ở xóm Nà Mười, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) khi được vận động tham gia đợt quyên góp ủng hộ quỹ Vì Trường Sa khiến chúng tôi thấy mình nhỏ bé. Bởi Mường Chiềng là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân còn vất vả. Thế nhưng, với Trường Sa, hướng về Trường Sa, mỗi người dân dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn sẵn sàng tham gia ủng hộ, chẳng ngại ngần, bởi ai cũng muốn được sẻ chia với Trường Sa.
Tình yêu biển đảo quê hương luôn được vun đắp cho thế hệ trẻ trong tỉnh.
Cùng với cả nước, những năm qua, Hòa Bình đã hướng về Trường Sa với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Một trong những hoạt động đó là khơi dậy tinh thần yêu nước, hướng về biển, đảo, đó là những đợt trưng bày Tư liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa do Sở TT&TT phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức. Tại các cuộc trưng bày, triển lãm này đều thu hút đông đảo người dân đến thăm quan, tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu về chủ quyền biển đảo, chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đáng nói, tại các cuộc trưng bày, triển lãm, không chỉ có cán bộ, công chức, đảng viên, trí thức mà còn có đầy đủ các thành phần từ những người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ, những người nông dân chân lấm tay bùn và cả những em học sinh ở các cấp học đều quan tâm. Qua đây đã vun đắp thêm tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Tình yêu ấy, niềm tin ấy đã được cụ thể hóa bằng một niềm tin son sắt gửi về nơi người lính Trường Sa - nơi mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng với tinh thần "cùng cả nước, đất Mường hướng về Trường Sa”. Điều đó đã được cụ thể hóa bằng nhiều chuyến đi thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa của các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh liên tục trong những năm qua.
Mới đây nhất vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022, đoàn công tác của tỉnh gồm 10 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố do đồng chí Nguyễn Quốc Toản, UVBTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh làm trưởng đoàn đã để lại tình cảm, ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân nơi biển đảo. Đoàn đã thăm 8 đảo và Nhà giàn DK1/18. Đoàn mang theo nhiều món quà ý nghĩa tặng quân, dân trên đảo và nhà giàn. Với tổng giá trị quà và tiền trao tặng cho quân, dân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 là 3,9 tỷ đồng. Trong đó, trao tặng Quân chủng Hải quân 3,5 tỷ đồng để đóng 1 chiếc xuồng CQ và quà tặng bằng tiền mặt, hiện vật trị giá gần 400 triệu đồng. Toàn bộ số tiền, hiện vật được trao tặng là tình cảm của quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình dành cho Trường Sa...