Bàn nhậu thời Nghị định 100
Xưa, ông cha ta có câu: 'Khách đến nhà không trà thì rượu'. Thế nhưng, sau một thời gian ngắn Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống, đã tạo hiệu ứng tích cực khi nhận thức người dân dần thay đổi rõ rệt. Có lẽ, năm 2020 hay hơn cả vẫn là: 'Khách đến nhà, chén trà... là đủ?'.
Từ khi có Nghị định 100, nhiều đấng nam nhi đã chuyển từ rượu sang nước ngọt.
Nâng chén là nghĩ đến Nghị định 100
Thông thường mỗi khi tết đến, xuân về là chúng ta lại thấy thị trường rượu, bia nhộn nhịp. Nhiều cơ quan, xí nghiệp tặng nhân viên mình quà tết bằng những thùng bia, chai rượu. Và, đương nhiên những người được tặng cũng rất mừng rỡ. Bởi, theo thói quen của người Việt, khi đến nhà nhau chúc tết, thường mời nhau ly rượu, gọi là “ly rượu đầu xuân”. Những ngày đầu xuân năm mới, người làm ăn xa về quê ăn tết lục tục chia tay người thân, bạn bè để tiếp tục một năm bươn trải. Gặp nhau bên ly cà phê trò chuyện không mấy hứng thú, thế là cứ kéo nhau vào quán nhậu. Người có tiền thì vào quán sang, người ít tiền thì vào quán bình dân. Và những cuộc nhậu ấy cứ kéo dài lê thê.
Nhưng đó là chuyện của những về năm trước, giờ đây nhiều doanh nghiệp, đơn vị không còn bày bia, rượu trên bàn tiệc; quán bia đã bắt đầu ế ẩm vì vắng khách; nhiều “dân nhậu” không dám chạy xe máy, ô tô khi đi ăn uống... Cũng dễ hiểu thôi, bởi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 quy định mức phạt dành cho các tài xế đi xe đạp, lái xe máy, ô tô uống rượu, bia có nồng độ cồn từ 2.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Việc thi hành “thần tốc” (chỉ sau 2 ngày ban hành đã được áp dụng) và mức phạt “khủng”, Nghị định 100/NĐ-CP đã thực sự gây “sốc”, thậm chí có thể coi là “đòn” mạnh cho “văn hóa nhậu” của các đấng mày râu.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, 37 tuổi, ở huyện Hậu Lộc, chia sẻ: “Những năm trước, mỗi cái tết nhà tôi “tiêu thụ” ít nhất là 5 - 7 thùng bia và hơn chục lít rượu. Riêng khách đến chúc tết, ngồi trò chuyện ngâm nga mỗi người uống ít nhất cũng 2 lon bia. Chưa kể, anh em, bạn bè thân quen tụ tập, mỗi cuộc cũng 2, 3 thùng là ít. Vậy mà năm nay, 2 thùng bia khách hàng biếu tết đến rằm tháng giêng vẫn còn ngót 1 thùng”.
Câu chuyện nồng độ cồn dường như là chủ đề chính trên bàn chúc xuân năm nay. Mọi người kể chuyện anh này chỉ vì uống 1 ly cũng bị phạt mấy triệu đồng, hay chú kia vì tất niên cuối năm lỡ một ngụm nhấp môi cũng bị giam bằng lái... Không ít người thừa nhận cứ nâng chén lên là nghĩ đến Nghị định 100. Điển hình như anh Nguyễn Văn Thiệu, làm chủ thầu xây dựng. Anh Thiệu bộc bạch: “Những năm trước, ra giêng rảnh việc, anh em chúng tôi thường tập trung lại nhậu từ nhà này đến nhà khác, qua rằm vẫn chưa hết lượt. Mặc dù làm công việc lao động cực nhọc, nhưng mỗi năm ngồi với nhau đôi lần nên anh em ai nấy đều hào phóng, cuộc nhậu nào cũng bia, rượu ê hề. Tuy nhiên năm nay, tuyệt nhiên tôi chưa thấy ai gọi đi nhậu vì sợ bị đo nồng độ cồn. Ban đầu tôi cũng bức xúc lắm, nhiều khi buồn mồm, buồn miệng cũng chỉ biết thẩn thơ đi ra, đi vào vì cứ nghĩ nhậu xong khi về lỡ bị kiểm tra nồng độ cồn lại đi tong 2 – 8 triệu đồng thì coi như cả tháng làm công không”.
Thực tế, tết thiếu rượu bia khiến cho một số người cảm thấy bớt vui nhưng những phụ nữ mà có chồng hay la cà, nhậu nhẹt thì mừng ra mặt. Đi đến đâu chúc tết không còn phải ngồi đợi suốt nhiều tiếng đồng hồ khi chồng cứ mải mê nâng chén, nâng ly. Đến những nhà anh em, người thân ở xa cũng nhanh chóng, gọn nhẹ và đa phần mọi người đều ý thức được việc nâng ly của mình. Nhiều người đã dứt khoát không uống bia, rượu khi phải điều khiển phương tiện giao thông. Có lẽ, một mùa xuân sợ nồng độ cồn khiến người dân ăn tết văn minh hơn.
Ngàn lẻ một cách “sống chung” với Nghị định 100
Trước tình thế có cồn là phạt, nhiều người dân thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia. Còn dân ham nhậu “khó bỏ” cũng có cách xoay xở để vẫn được uống rượu, bia mà không lo bị phạt. Kết thúc buổi sinh nhật con gái một người bạn, anh Hoàng Đại Nghĩa, 30 tuổi, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) đưa chìa khóa xe để vợ cầm lái. Đây là lần thứ hai kể từ khi Nghị định 100 ban hành, anh Nghĩa để vợ chở về sau khi đã nâng ly cùng bạn bè. Theo lời anh Nghĩa, trước đây, sau mỗi lần uống anh và mọi người thường lên xe và tự đi về. “Kể từ ngày 1-1, tôi đã hứa với vợ sẽ gọi xe ôm đi về sau khi nhậu. Nếu cả hai vợ chồng cùng tham gia, tôi cầm lái lúc đi, lúc về để bà xã chở” - anh nói.
Từ nhiều năm nay, ông Đoàn Văn Tuyên, 43 tuổi, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) đã có thói quen gọi bạn về nhà nhậu cho tiết kiệm và an toàn. Tuy nhiên, ông vẫn lo “dính phạt” bởi ông nắm thông tin phải mất 24h nồng độ cồn mới biến mất khỏi hơi thở. Tức là, nếu đêm nay ông uống quá nhiều thì sáng hôm sau vẫn có nguy cơ bị xử phạt nồng độ cồn khi lái xe. Do đó, ông Tuyên đã chọn uống bia không cồn, hay còn gọi là bia chay. Uống bia chay không đã, ông Tuyên lại nghĩ ra một “tuyệt chiêu” khác là “nhậu một ngày, nghỉ một ngày”. Đêm 4-2, người đàn ông này cùng đồng nghiệp “uống một trận thật đã” với lý do khai xuân. Cả ngày hôm sau, ông Tuyên không ra ngoài. Sáng hôm sau, thấy người vẫn còn hơi men, ông xin nghỉ thêm một hôm. Biết là số ngày phép có hạn mà nghỉ sẽ ảnh hưởng đến lương, ông Tuyên buộc phải giảm tần suất nhậu.
Là dân kinh doanh, không thể tránh khỏi các cuộc nhậu nên anh Nguyễn Văn Quang, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) chọn giải pháp mua máy đo nồng độ cồn để tự kiểm tra trước khi cầm lái. Tuy nhiên, anh vẫn chưa mua được máy do còn băn khoăn về chất lượng cũng như giá cả. Trong giai đoạn này, anh Quang đành làm bạn với Grabbike, Grabtaxi sau mỗi cuộc nhậu vừa an toàn, vừa không phạm luật mà vẫn được nhậu.
Khảo sát tại nhiều quán nhậu ở TP Thanh Hóa trong dịp đầu xuân năm mới khi mà tiệc chia tay, chào xuân liên miên, lượng khách giảm sút đi rất nhiều. Điều này cho thấy, ý thức chấp hành Nghị định 100 của người dân đã khá tốt. Bà chủ quán nhậu Ba Cô, phường Đông Cương, than thở: “Mọi năm, những ngày đầu xuân khách vô nườm nượp, hầu hết là thanh niên chuẩn bị đi làm ăn xa, công nhân, viên chức đầu năm rảnh việc lại rủng rỉnh tiền “thừa” trong túi khiến ai nấy đều hào phóng. Do đó, cuộc nhậu nào cũng “hoành tráng”, bia bật liên tục, hàng chục nhân viên phục vụ phải làm việc hết công suất. Thế mà giờ ngồi ngóng cả ngày mới có vài người khách, lại kêu bia rất dè sẻn”.
Trước tình trạng ế khách, các chủ nhà hàng, quán nhậu đã nghĩ ra nhiều chiêu để chống chọi. Điển hình, như: Giảm giá, hỗ trợ di chuyển cho khách. Anh Hoàng Văn Hùng, chủ quán lẩu trên đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, cho biết: “Ngay sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, lượng khách hàng tới quán có giảm đi khoảng 30%, khách đến quán chủ yếu là khách quen, nhà khách ở gần quán. Theo quan sát thì khách đến quán bằng taxi hay gọi grab... thay vì tự đi xe của mình như trước. Chúng tôi ủng hộ việc nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông nên quán hỗ trợ khách đến nhậu có thể gửi xe miễn phí qua đêm để bắt taxi, gọi grab về với những khách đi xe máy. Khách đi ô tô sẽ được liên hệ để gửi xe nếu cần và nhân viên quán hỗ trợ đưa khách về trong bán kính 10-20km”.
Trong “cuộc chiến” giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu bia, việc các nhà hàng bị ảnh hưởng chỉ là thiệt hại nhỏ so với lợi ích to lớn mà Nghị định 100/2019/NĐ-CP mang lại cho xã hội, đó là tình trạng tai nạn giao thông giảm đi đáng kể. Điều này có thể khẳng định đây là nghị định kịp thời, phù hợp với thực tiễn và nó đã đi vào cuộc sống, được người dân nghiêm túc thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 1-1 đến 31-1, triển khai xử lý vi phạm theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, lực lượng cảnh sát giao thông, công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (từ ngày 16 đến 31-1), cả tỉnh đã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông, làm 6 người bị thương, 4 người thiệt mạng (giảm 33% so với cùng kỳ năm trước). Lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 897 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 760 triệu 110 nghìn đồng, tạm giữ 335 phương tiện, tước giấy phép lái xe 175 trường hợp. Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Lập biên bản 238 trường hợp, phạt tiền 378 triệu đồng, tạm giữ 238 trường hợp, tước giấy phép lái xe 211 trường hợp. Tỷ lệ xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông có liên quan đến rượu, bia chỉ chiếm 2%, giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ban-nhau-thoi-nghi-dinh-100/114492.htm