Bắn nỏ - không chỉ là trò chơi dân gian…
Thể thao dân tộc là một bộ phận không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển thể dục thể thao. Nếu trước đây, nỏ chỉ được dùng trong săn bắn, tự vệ thì hiện nay đã trở thành môn thể thao truyền thống được nhiều người yêu thích vì sự hấp dẫn của bộ môn này.
Bắn nỏ - không chỉ là trò chơi dân gian mà còn là môn thể thao được các địa phương trong tỉnh tổ chức thi đấu tranh tài. Thông qua việc thi đấu đã thu hút đông người dân tham gia, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, có ý nghĩa thiết thực trong việc phát huy nét đẹp văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Môn thể thao gắn kết cộng đồng
Với sở thích bắn nỏ từ nhỏ, khi trưởng thành, niềm đam mê không hề giảm đi, anh Điểu Môn ở thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng luôn tìm tòi để cho ra đời những cây nỏ chắc chắn, đẹp mắt. Anh Điểu Môn cho biết, để bắn nỏ giỏi, ngoài sở hữu một cây nỏ tốt, am hiểu công năng của nỏ thì mũi tên là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của mỗi phát bắn. Hiện anh vẫn rất đam mê tập luyện, thi đấu bắn nỏ và là một trong những “tay bắn” có tiếng tại các giải thi đấu thể thao dân tộc ở địa phương. Để giữ gìn và phát huy môn thể thao truyền thống, anh Điểu Môn khẳng định: “Mình phải tuyên truyền cho con cháu bản sắc văn hóa dân tộc, biết ý nghĩa môn thể thao bắn nỏ này, từ đó cùng nhau bảo tồn và lưu giữ”.
Với đặc điểm dễ chơi, không đầu tư quá nhiều về dụng cụ, môn bắn nỏ chỉ cần dành ít thời gian và đam mê là có thể tập luyện và thi đấu, nhưng lại đề cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc. Hiện Bù Đăng đã thành lập các câu lạc bộ bắn nỏ ở một số xã. Mỗi thành viên một công việc nhưng họ thường xuyên tập trung lại để cùng chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm bắn nỏ, góp phần thúc đẩy tinh thần gắn kết cộng đồng, làm phong phú đời sống văn hóa của bà con. Ông Điểu Va, hội viên Câu lạc bộ bắn nỏ xã Thống Nhất chia sẻ: “Tôi biết bắn nỏ từ khi còn nhỏ. Tôi cũng thường xuyên làm nỏ để đi giao lưu, thi đấu bộ môn này. Để có một cây nỏ chuẩn thì phải tìm được cây tre già làm cánh nỏ, thân nỏ cũng phải làm bằng loại nguyên liệu phù hợp để không bị vênh”.
Việc thành lập các câu lạc bộ bắn nỏ không chỉ tạo sân chơi vui khỏe cho các thành viên mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp của môn thể thao truyền thống dân tộc. Thông qua các câu lạc bộ cũng xuất hiện nhiều nhân tố tiêu biểu được lựa chọn tham gia các kỳ đại hội thể dục thể thao do các cấp tổ chức.
Những cây nỏ lần lượt được ra đời, trở thành trợ thủ đắc lực cho những người đam mê, giữ gìn nét đẹp truyền thống, trở thành một môn thể thao có sức hấp dẫn rất lớn, không kể tuổi tác người chơi. “Tham gia môn thể thao của dân tộc mình, chúng tôi thấy tinh thần phấn khởi hơn, ai cũng tích cực tham gia. Chúng tôi cũng muốn làm thêm nhiều nỏ để anh em cùng giao lưu, thi đấu” - ông Điểu Khăng, thôn 2, xã Thống Nhất cho biết thêm.
Phát huy và bảo tồn
Bù Đăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đa dạng về bản sắc văn hóa. Do đó, các môn thể thao truyền thống như bắn nỏ được cấp ủy, chính quyền huyện không ngừng chú trọng bảo tồn và phát huy. Trong đó, bắn nỏ là môn được nhân dân yêu thích và xuất hiện ngày càng nhiều vận động viên nổi bật. Vào dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, các giải thể thao do huyện tổ chức thì bắn nỏ đều được chọn thi đấu. Anh Điểu Nhớ ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn bày tỏ: “Bắn nỏ là môn thể thao truyền thống của đồng bào S’tiêng. Trước đây, cây nỏ dùng để tự vệ, nay là môn thể thao không thể thiếu trong đời sống. Chúng tôi cũng thường xuyên đi giao lưu, thi đấu và cảm thấy rất vui”.
Để có được phong trào luyện tập và thi đấu môn thể thao bắn nỏ nói riêng, hầu hết các địa phương trong huyện luôn coi trọng việc xây dựng và tổ chức giải đấu từ cấp cơ sở; phát huy vai trò của những câu lạc bộ - lực lượng nòng cốt để truyền dạy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc cho lớp trẻ.
Một trong những giải pháp mà chúng tôi duy trì môn bắn nỏ để trở thành môn thể thao chủ công, đặc trưng riêng của huyện Bù Đăng là chú trọng tổ chức các giải đấu ở cơ sở, nhằm thu hút lực lượng vận động viên ngày càng phát triển hơn và có sự kế thừa, chuyển tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đồng thời khuyến khích người dân tham gia tập luyện, góp phần phát triển phong trào thể thao ở cơ sở. Ngoài ra, sự đam mê, hưởng ứng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn đã làm nên “đặc sản” riêng môn thể thao bắn nỏ.
Ông Vũ Đức Hoàng,
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đăng
Thực tế, việc luyện tập, thi đấu các môn thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc ở huyện Bù Đăng nói riêng không chỉ giúp nâng cao thể chất, sức khỏe, xây dựng đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh cho nhân dân, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/134886/ban-no-khong-chi-la-tro-choi-dan-gian