Ban Pháp chế thực hiện tốt công tác thẩm tra, giám sát

ĐBP - Với tinh thần chủ động, đoàn kết, trách nhiệm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của các thành viên, năm 2022 Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) đã hoàn thành các nội dung giám sát, báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng, nhận định, đánh giá toàn diện, sát với tình hình thực tế của tỉnh.

Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) tiến hành giám sát hoạt động tư pháp.

Ban Pháp chế đã bám sát các quy định của pháp luật, bảo đảm tính khách quan, đề cao tinh thần trách nhiệm trong giám sát việc chấp hành pháp luật, chất lượng, hiệu quả giám sát được nâng lên. Thông qua giám sát ghi nhận những kết quả đạt được, thẳng thắn góp ý về những tồn tại, thiếu sót của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát; đồng thời báo cáo, đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp, biện pháp khắc phục, triển khai kịp thời... Từ đó giúp các cấp, các ngành chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Ban đã phối hợp cùng các ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tham mưu Thường trực HĐND chuẩn bị các nội dung trình tại 5 kỳ họp HĐND tỉnh (2 kỳ họp thường lệ, 3 kỳ họp chuyên đề); chủ động thẩm tra các báo cáo, dự thảo nghị quyết của HĐND thuộc lĩnh vực pháp chế do UBND tỉnh và các cơ quan tư pháp trình, đảm bảo đúng luật định.

Ban đã chủ trì thẩm tra 14 báo cáo thuộc lĩnh vực pháp chế của UBND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và 9 dự thảo nghị quyết. Phối hợp với các ban của HĐND tỉnh thẩm tra 25 dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND, UBND tỉnh trình tại 5 kỳ họp, HĐND tỉnh khóa XV. Công tác thẩm tra được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình; phương pháp ngày càng được đổi mới. Nội dung thẩm tra tập trung vào tình hình thi hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; căn cứ pháp luật và sự cần thiết ban hành nghị quyết, sự phù hợp với quy định của pháp luật, tình hình điều kiện thực tế của tỉnh, tính khả thi của nghị quyết...

Trong quá trình thẩm tra, Ban Pháp chế đã có nhiều ý kiến đề nghị giải trình và làm rõ những vấn đề mà các đại biểu và thành viên Ban quan tâm, phân tích đánh giá sâu tình hình, kết quả chỉ đạo thực thi pháp luật của UBND tỉnh; công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án dân sự. Qua thẩm tra, đa số ý kiến của Ban được UBND tỉnh và các cơ quan tiếp thu, góp phần làm rõ các vấn đề, làm cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và quyết định.

Cùng với hoạt động thẩm tra báo cáo, Ban Pháp chế chủ động tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện pháp luật trong công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021. Qua giám sát, Ban đã đánh giá kết quả thực hiện của các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở; đồng thời chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới và trách nhiệm của UBND tỉnh, Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị đối với những hạn chế; kiến nghị 22 nội dung với các cơ quan, đơn vị liên quan.

Trong năm, Ban Pháp chế đã phối hợp với tổ đại biểu huyện Mường Chà và TX. Mường Lay tiến hành giám sát tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022. Qua giám sát trực tiếp tại 7/20 công trình, giám sát qua báo cáo đối với 13/20 công trình; Ban đã đề xuất, kiến nghị để HĐND tỉnh quan tâm, xem xét điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư công 2022 và phân bổ vốn đầu tư công năm 2023 đảm bảo theo tiến độ thực hiện, nhu cầu vốn của từng dự án theo quy định.

Lãnh đạo Ban Pháp chế còn tham gia các đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về “Việc thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-HĐND, ngày 14/01/2016 của HĐND tỉnh thông qua Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; “Tình hình triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 và Nghị quyết 27/NQ-HĐND, ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020”; “Việc quản lý và sử dụng đất của tổ chức (doanh nghiệp, HTX) trên địa bàn tỉnh từ khi Luật Đất đai số 45/2013/QH13, ngày 29/11/2013 của Quốc hội có hiệu lực thi hành đến 31/12/2021”.

Để có cơ sở đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị sau giám sát, Ban Pháp chế đã tổ chức khảo sát tại Sở Tài nguyên và Môi trường, làm rõ trách nhiệm trong việc chậm truy thu tiền thuê đất đối với Công ty Cổ phần chế biến nông sản Điện Biên; khảo sát tình hình thực hiện công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh; việc chia tách, thành lập phố, bản trên địa bàn phường Nam Thanh. Qua khảo sát cùng với việc đánh giá kết quả đạt được, Ban Pháp chế làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan từ đó đề xuất kiến nghị giải pháp thực hiện phù hợp. Ban Pháp chế phối hợp với Ban Văn hóa - Xã hội khảo sát nắm tình hình một số nội dung thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện Mường Nhé, để đề nghị Thường trực HĐND tỉnh có ý kiến với UBND tỉnh chỉ đạo các sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Mường Nhé và tổ đại biểu ứng cử trên địa bàn huyện Mường Nhé tiếp thu, thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Các thành viên Ban thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi cư trú và ở đơn vị bầu cử, thực hiện nghiêm việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phổ biến những vấn đề trọng tâm của Nghị quyết HĐND tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chính sách pháp luật của Nhà nước; giải thích, hướng dẫn và vận động nhân dân tích cực thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri tổng hợp chuyển tới các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo đúng quy định.

Lò Bích (Ban Pháp chế HĐND tỉnh)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/202302/ban-phap-che-thuc-hien-tot-cong-tac-tham-tra-giam-sat