Bàn phương án xử lý dự án BOT, BT chuyển tiếp
Một số điều khoản của Luật Đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) và cả Luật Xây dựng đang được đề xuất sửa đổi để xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp.
Các nội dung chi tiết đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cùng với các đề xuất để đưa trở lại hiệu lực của hình thức đầu tư BT, sau khi bị dừng từ năm 2021 theo Luật PPP.
“Mục tiêu là làm sao xử lý dứt điểm các vướng mắc, khó khăn của các dự án chuyển tiếp, theo đúng tinh thần là tạo thuận lợi cho các dự án để có cơ sở thu hút các dự án mới. Vì các dự án chuyển tiếp mà không thuận lợi thì sẽ không tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia các dự án mới”, ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ quan điểm của Ban soạn thảo với đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Hiện tại, theo tổng hợp của Ban soạn thảo, những khó khăn, vướng mắc mà các dự án BOT, BT chuyển tiếp đang gặp phải bao gồm các vướng mắc về thanh toán, quyết toán phần lãi vay sau giai đoạn xây dựng đối với các dự án BT thanh toán bằng tiền; việc thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp hợp đồng BT đã được ký kết nhưng có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng và xử lý vướng mắc do thiếu quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng,...
Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP, Ban soạn đề xuất bổ sung nội dung cho phép dự án BT ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành mà chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng, lợi nhuận hợp lý được xác định trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án thì được tính vào tổng mức đầu tư của dự án để thực hiện thanh toán.
Hợp đồng dự án được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành cũng được đề xuất tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng dự án. Trường hợp pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng dự án không có quy định thì thực hiện theo quy định của của Luật này.
Để đảm bảo sự đồng bộ của quy định pháp luật, Dự thảo Luật xuất sửa đổi khoản 2 Điều 134 Luật Xây dựng theo hướng tổng mức đầu tư của dự án BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước bao gồm tổng mức đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng và chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng, lợi nhuận hợp lý được xác định trong phương án tài chính.
Đối với Hợp đồng dự án BT thanh toán bằng tiền ký kết trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành mà chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng, lợi nhuận hợp lý được xác định trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án thì được tính vào tổng mức đầu tư của dự án để thực hiện thanh toán.
Đối với Hợp đồng dự án BT thanh toán bằng quỹ đất đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước kết luận là phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực tương ứng trong từng thời kỳ thì tiếp tục được thực hiện dự án và thanh toán theo quy định của hợp đồng dự án BT đã ký kết.
Tuy nhiên, đối với Hợp đồng dự án BT thanh toán bằng quỹ đất đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước kết luận là có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực tương ứng trong từng thời kỳ và đã thi hành quyết định xử phạt hành chính và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đang có một số phương án được đưa ra.
Một là, trường hợp nhà đầu tư chưa xây dựng công trình BT thì chấm dứt hợp đồng BT.
Hai là, trường hợp nhà đầu tư đã xây dựng công trình BT nhưng chưa được giao quỹ đất thanh toán thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận với nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung hợp đồng theo một trong hai phương án. Thứ nhất, thanh toán cho nhà đầu tư phần giá trị quỹ đất bằng phần giá trị của công trình BT đã được quyết toán hoàn thành; phần diện tích đất của phần giá trị chênh lệch tăng giữa giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT được quyết toán hoàn thành (nếu có) thì không được thanh toán. Thứ hai, trường hợp không tách được quỹ đất thanh toán, thực hiện bán quỹ đất thanh toán BT bằng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện thanh toán Hợp đồng BT bằng số tiền thu được từ bán quỹ đất theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp nhà đầu tư đã xây dựng công trình BT nhưng đã xây dựng công trình trên quỹ đất thanh toán BT, Ban soạn thảo cũng đưa 2 trường hợp. Trường hợp 1, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận với nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung hợp đồng để tiếp tục thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật tại thời điểm sửa đổi, bổ sung hợp đồng.
Với trường hợp không thể sửa đổi nội dung chưa phù hợp của hợp đồng BT đã ký kết hoặc không thể thỏa thuận với nhà đầu tư để sửa đổi, bổ sung hợp đồng, cơ quan có thẩm quyền thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với nhà đầu tư.
Dự thảo cũng có quy định rõ, trong các trường hợp phải chấm dứt hợp đồng theo quy định nêu trên, nếu nội dung chưa phù hợp của hợp đồng do lỗi của nhà đầu tư thì nhà đầu tư phải chịu toàn bộ rủi ro và không được bồi hoàn chi phí đã bỏ ra; nếu do lỗi của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan này bố trí ngân sách để thanh toán bồi thường cho nhà đầu tư; nếu do lỗi của cả hai bên thì các bên được thỏa thuận, xác định chi phí chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Ông Hùng cho biết, Ban soạn thảo sẽ có cuộc làm việc riêng về nội dung này, để đảm bảo các điều khoản vừa tạo thuận lợi cho các dự án chuyển tiếp triển khai thực hiện nhưng không tạo điều kiện để hợp thức hóa các sai phạm. Dự kiến, cuộc làm việc sẽ diễn ra trong tuần tới.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ban-phuong-an-xu-ly-du-an-bot-bt-chuyen-tiep-d224524.html