Ban Quản lý ATTP TP.HCM đưa cảnh báo sau hàng loạt ca ngộ độc rượu

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người dân không nên uống rượu không rõ nguồn gốc, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Chỉ trong vòng 3 ngày, TP.HCM đã xảy ra 2 vụ ngộ độc methanol sau khi uống rượu, khiến 2 người tử vong.

Sau hàng loạt ca ngộ độc rượu vừa xảy ra, Ban Quản lý An toàn thực phẩm nhận định đây là hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn dẫn đến ngộ độc.

 Bệnh nhân ngộ độc methanol đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân ngộ độc methanol đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BVCC.

Theo đó, có 2 loại ngộ độc rượu chính là ngộ độc rượu ethanol và methanol. Việc ngộ độc xảy ra cấp tính khi uống quá nhiều rượu trong thời gian ngắn hoặc mạn tính khi dùng trong thời gian dài.

Người ngộ độc rượu ethanol cấp tính thường nói nhiều, mất điều hòa vận động phối hợp, giảm khả năng kiểm soát, kích động. Tiếp đến, sẽ có phản xạ gân xương, tri giác giảm, mất khả năng tập trung. Hơi thở của bệnh nhân có mùi rượu, buồn nôn, nôn đau bụng, khó thực hiện các động tác đơn giản, nói líu, đi lảo đảo, biểu hiện lờ đờ, có khi co giật, mất ý thức, hạ huyết áp,…

Khi uống rượu kéo dài, người bệnh chuyển sang giai đoạn ngộ độc rượu mạn tính. Biểu hiện lúc này là sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột, da niêm mạc nhợt do thiếu máu, xơ gan, ung thư.

Một loại ngộ độc rượu nghiêm trọng hơn là methanol, xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa chất này.

Đây là chất được dùng trong công nghiệp hóa chất. Chỉ cần uống 5-15 ml có thể gây ngộ độc nặng, 15 ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong. Độc tính của methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng tới thần kinh mắt…

Người ngộ độc nhẹ có biểu hiện cảm giác say say, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân), rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp), rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm) và tử vong.

Về mức độ nguy hại của rượu, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho hay phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi. Người khỏe mạnh uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% có thể gây mù mắt, thậm chí tử vong.

Cơ quan này khuyến cáo người dân không nên uống các loại rượu từ 30 độ trở lên quá 30ml/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không uống rượu không rõ nguồn gốc, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày (1 đơn vị rượu chứa 10 g cồn), tương đương 30 ml rượu mạnh (40-43 độ), 100ml rượu vang (13,5 độ), 330 ml bia hơi (5 độ), 2/3 chai 500 ml hoặc lon bia 330 ml (5 độ).

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh. Các cơ sở này đều phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM yêu cầu các đơn vị trên địa bàn không sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm, gồm rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác.

Anh Nhàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ban-quan-ly-attp-tphcm-dua-canh-bao-sau-hang-loat-ca-ngo-doc-ruou-post1343549.html