Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh: Nắm bắt tốt cơ hội, bứt phá thành công

Đầu tư hoàn thiện hạ tầng, tạo quỹ đất lớn, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư…, Quảng Ninh chủ động nắm bắt cơ hội, đón làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trên thế giới để bứt tốc.

Ông Phạm Xuân Đài (thứ nhất, từ phải sang), Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Khoai - Amata Hạ Long (Ảnh: Thanh Tân)

Ông Phạm Xuân Đài (thứ nhất, từ phải sang), Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Khoai - Amata Hạ Long (Ảnh: Thanh Tân)

Thu hút đầu tư hiệu quả

Năm 2024, Quảng Ninh phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có những thời cơ, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức rất lớn. Ở trong nước, sự cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương diễn ra mạnh mẽ. Quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường… có sự điều chỉnh, thay đổi, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Cơn bão Yagi vào đầu tháng 9/2024 với cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho địa phương.

Tuy vậy, việc đầu tư phát triển các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) cũng có những thuận lợi. Làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trên thế giới vẫn tiếp tục diễn ra, Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược, có tiềm năng để đón sự dịch chuyển và Quảng Ninh đã nắm bắt khá nhanh lợi thế này.

“Quy mô nền kinh tế Quảng Ninh ngày càng lớn, cùng với đà tăng trưởng nhiều năm liên tục, tạo tiền đề, nền tảng cơ bản để tiếp tục đổi mới, hội nhập và phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát huy hiệu quả, đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể”, ông Phạm Xuân Đài, Trưởng ban Ban Quản lý KKT Quảng Ninh đánh giá.

Trong năm, Ban Quản lý KKT Quảng Ninh chủ trì tham mưu UBND tỉnh làm việc trực tiếp với 6 đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài lớn, gồm Tập đoàn TCL (Trung Quốc), Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Tập đoàn Foxconn (Đài Loan), Đoàn Bộ Công thương Singapore, Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản), Tập đoàn AGC (Nhật Bản) và trực tiếp làm việc với trên 50 đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài khác đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh.

Công tác xúc tiến đầu tư hiệu quả đã góp phần mang lại những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư. Từ đầu năm đến ngày 15/12/2024, Quảng Ninh thu hút được 2,88 tỷ USD vốn FDI, riêng các KCN, KKT thu hút 2,64 tỷ USD (chiếm 92%). Tỉnh cấp mới 42 dự án đầu tư (gồm 35 dự án FDI); điều chỉnh 77 lượt dự án (gồm 63 dự án FDI), trong đó có 33 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư (gồm 29 dự án FDI).

Tháng 7/2024, Tập đoàn Foxconn tiếp tục triển khai 2 dự án, gồm Dự án Sản phẩm giải trí thông minh tại KCN Sông Khoai và Dự án Hệ thống thông minh tại DEEP C Quảng Ninh II, với tổng vốn đầu tư hơn 550 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này vào Quảng Ninh lên hơn 1 tỷ USD. Đây đều là những dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư của Quảng Ninh.

“Nhìn vào kết quả thu hút đầu tư, có thể thấy rõ sự chủ động, quyết liệt của Ban Quản lý KKT Quảng Ninh trong việc khắc phục những khó khăn về giải phóng mặt bằng, cấp điện, cấp nước, đảm bảo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư thực hiện dự án”, ông Đài nhấn mạnh.

Năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với các dự án trọng điểm trong KCN, KKT của tỉnh, vẫn tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính cho kinh tế - xã hội của Quảng Ninh. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,5% trong GRDP của tỉnh, dự kiến hết năm 2025, tỷ lệ này sẽ được nâng lên 15%.

Các chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý KKT Quảng Ninh cũng được triển khai, thực hiện rất hiệu quả. Trong năm 2024, Ban đã triển khai 1 đề án, 1 quy hoạch chung, 11 quy hoạch phân khu trên địa bàn các KCN, KKT. Cụ thể là, hoàn thiện Đề án Điều chỉnh ranh giới KKT ven biển Quảng Yên; tổ chức lập và hoàn thành Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh trình Thủ tướng Chính phủ và đã được phê duyệt...

Bên cạnh đó, Ban đã phối hợp với các địa phương, các chủ đầu tư hạ tầng KCN trong quá trình lập và trình duyệt các đồ án quy hoạch phân khu tại KCN Việt Hưng, KCN Cái Lân, KKT cửa khẩu Móng Cái, khu vực đảo Vĩnh Trung - Vĩnh Thực, Khu đô thị dịch vụ thương mại du lịch tại xã Hải Xuân và phường Hải Hòa, Khu đô thị dịch vụ tại xã Quảng Minh và xã Quảng Thành thuộc KKT cửa khẩu Móng Cái, khu vực phía Nam đường Quốc lộ 18, thị xã Quảng Yên. Công tác lập quy hoạch được triển khai bài bản, lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch đảm bảo chất lượng và tiến độ.

Ban cũng đã thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, môi trường với việc duy trì tỷ lệ 100% các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Đến nay, có 8 KCN đã hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung gồm 13 mô-đun với tổng công suất xử lý 65.400 m3/ngày đêm.

Vững bước trong chặng đường mới

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Ông Phạm Xuân Đài cho biết, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 2/12/2024 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển các KKT, KCN 5 năm 2021 - 2025, góp phần đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021 - 2025, Ban Quản lý KKT Quảng Ninh đã xác định rõ hướng đi và các giải pháp thực hiện.

Một là, tiếp tục tập trung thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư từ các thị trường có thế mạnh về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử, bán dẫn và các ngành công nghiệp hỗ trợ, như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore. Mục tiêu đặt ra là thu hút các dự án đầu tư tăng 10% so với năm 2024.

Hai là, đẩy mạnh tổ chức triển khai lập và hoàn thành dứt điểm Quy hoạch chung xây dựng KKT ven biển Quảng Yên đến năm 2040, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn (huyện Bình Liêu); điều chỉnh mở rộng KCN Đông Mai (thị xã Quảng Yên), KCN Việt Hưng (TP. Hạ Long), khu vực đảo Cống Đông - Cống Tây, KKT Vân Đồn, KCN Tiên Yên...

Ba là, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng KCN, tạo quỹ đất đủ lớn để đáp ứng công tác thu hút đầu tư năm 2025 và các năm tiếp theo. Tăng cường hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hoàn thành 100% chỉ tiêu sản xuất các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo trong các KCN. Đồng thời, đôn đốc 10 dự án dự kiến đi vào hoạt động, hoàn thành đúng tiến độ, sản xuất các sản phẩm, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Bốn là, tiếp tục duy trì tỷ lệ 100% KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng KCN, các dự án trọng điểm trong KKT. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, cải cách hành chính; hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện, triển khai các đề án sau khi được duyệt, như Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn; Đề án Phát triển nhanh, bền vững các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Đề án Thu hút nhà đầu tư nước ngoài lớn, có thương hiệu vào tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu góp phần đảm bảo mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh tăng 10%...

Có thể khẳng định, KCN, KKT đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò, vị trí ngày càng quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng; là kênh thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh.

Tường Hân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ban-quan-ly-khu-kinh-te-quang-ninh-nam-bat-tot-co-hoi-but-pha-thanh-cong-d237808.html