Bản quyền cho rồi đòi lại được không?

Bản quyền cũng có thể được tặng cho, nhưng liệu việc tặng cho này có khả thi về mặt pháp luật hay không lại là một chuyện khác.

Trong đời sống, không hiếm việc tặng cho tài sản và thường là giữa những người có mối quan hệ thân thích. Tài sản tặng cho có thể là những vật thông thường như anh em tặng cho nhau bó rau hay con cá, nhưng cũng có thể mang giá trị lớn, như cha mẹ tặng nhà đất cho con. Bản quyền cũng có thể được tặng cho, nhưng liệu việc tặng cho này có khả thi về mặt pháp luật hay không lại là một chuyện khác.

Của đã cho không được đòi lại

Tặng cho là việc một người chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác mà không yêu cầu họ phải đền bù. Dù không có đền bù, song một khi đã tặng cho thì không thể tùy ý hủy bỏ để lấy lại tài sản, trừ khi các bên có thỏa thuận về điều kiện hủy bỏ hoặc chứng minh rằng giao dịch tặng cho không thỏa mãn các điều kiện luật định, như về năng lực hành vi hay sự tự do ý chí của người tặng.

Có thể minh họa về các ngoại lệ nêu trên thông qua trường hợp cha mẹ tặng quyền sử dụng đất cho con với điều kiện người con phải làm nhà và phụng dưỡng cha mẹ. Tuy nhiên, người con này đã vi phạm điều kiện tặng cho và hệ quả là giao dịch tặng cho bị tòa án tuyên hủy bỏ. Đây cũng là cách tiếp cận của tòa án tối cao trong một án lệ(1).

Cũng với trường hợp tương tự, cha mẹ tặng cho con cái không có điều kiện, nhưng trong lúc tinh thần của họ không minh mẫn, không nhận thức đầy đủ hành vi thì cũng là cơ sở để giao dịch tặng cho bị tòa án tuyên bố vô hiệu. Thực tế xét xử cho thấy, không hiếm trường hợp tặng cho bị tòa án tuyên vô hiệu với lý do này.

Tóm lại, trong bối cảnh hiện tại, để việc tặng cho có thể bị hủy bỏ thì các bên bắt buộc phải thỏa thuận trước về điều kiện hủy bỏ này hoặc chứng minh việc tặng cho không thỏa mãn các điều kiện luật định. Bằng không, một khi đã cho là không còn quyền đòi lại tài sản.

Tặng cho bản quyền không dễ

Với tính chất là một loại tài sản, bản quyền hay quyền tác giả cũng bị chi phối bởi các quy định về giao dịch tặng cho. Tuy nhiên, khi nói đến việc tặng cho quyền tác giả, cần phải minh định rằng chỉ có thể tặng cho những quyền tài sản thuộc bản quyền, bởi các quyền nhân thân về nguyên tắc là không chuyển giao được (trừ quyền công bố tác phẩm). Do một số đặc thù riêng mà có thể nói rằng việc tặng cho bản quyền trong bối cảnh hiện nay không phải là một chuyện dễ dàng.

Trước hết là các yêu cầu về hình thức, luật sở hữu trí tuệ hiện hành nói rằng mọi việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ thông qua hợp đồng (nghĩa là bao gồm cả tặng cho) đều phải được lập thành văn bản và phải nêu đầy đủ các điều khoản tối thiểu mà luật yêu cầu. Thiếu vắng các điều khoản này, hợp đồng có thể bị vô hiệu hay không có giá trị. Điều này có nghĩa là để việc tặng cho có giá trị, các bên không thể chỉ nói miệng với nhau hay viết giấy tay với nội dung đơn thuần: “Tôi đồng ý tặng cho ông B toàn bộ tác quyền bài hát X”.

Song, lập văn bản thôi vẫn chưa đủ, bởi như đã nói tặng cho chỉ có giá trị kể từ thời điểm bên được tặng nhận tài sản, nếu tài sản không thuộc diện phải đăng ký. Bản quyền là một loại quyền lợi phát sinh tự động mà không cần phải đăng ký. Thủ tục đăng ký bản quyền về bản chất cũng không phải là để xác nhận hay tạo lập quyền lợi, mà chỉ là chứng thư giúp suy đoán về tư cách người có quyền. Do đó, về nguyên tắc, tặng cho bản quyền chỉ có giá trị kể từ thời điểm người được tặng “nhận được” bản quyền.

Chính tại đây mà vấn đề rắc rối xảy ra, bởi bản quyền vốn là các quyền lợi vô hình làm sao có thể trao, nhận được. Trong khi đó, luật lại không có bất kỳ quy định chi tiết nào về vấn đề này. Nói một cách khác, những quy tắc hiện hành đang bỏ ngỏ việc xác định thời điểm mà việc tặng cho bản quyền có giá trị. Vậy nên rủi ro tranh chấp là điều có thể nhìn thấy được.

Hãy cứ hình dung việc một tác giả đã hứa cho một ca sĩ tác quyền bài hát của mình. Và chừng ba mươi năm sau, đến khi tác giả này mất, người thừa kế của ông lại đứng lên đòi lại bản quyền bài hát của cha mình dựa trên cái lý rằng việc tặng cho bản quyền vẫn chưa có hiệu lực! Có lẽ chưa có việc hy hữu này trên thực tế, nhưng trường hợp tương tự đã từng xảy ra với ca khúc “Đoạn buồn đêm mưa”. Theo đó, khi danh ca C.L - được cho là tác giả ca khúc này đã tặng cho nhạc sĩ V.S và nhạc sĩ này đã chuyển toàn bộ quyền khai thác cho một đơn vị truyền thông khi mình còn sống. Khi nhạc sĩ V.S qua đời, danh ca C.L trình diễn ca khúc này và bị “đánh bản quyền” thì đã tuyên bố mình là chính chủ ca khúc và “thu hồi bài hát kể trên kể từ hôm nay, để tránh mọi phiền phức không nên có”.

Chung quy lại, hiện nay việc tặng cho bản quyền là hợp pháp về lý thuyết, nhưng trên thực tế nó có giá trị hay không, quyền lợi của bên được tặng cho có được luật pháp bảo vệ hay không lại là chuyện chưa có hồi kết rõ ràng. Không có một giải pháp chắc chắn, việc tặng cho bản quyền dường như là một giao dịch kiểu “cho rồi đòi vẫn được”!

Liệu có lối thoát khẩn cấp tạm thời nào?

Hiển nhiên, lối thoát hữu hiệu nhất vẫn là sự can thiệp từ nhà làm luật trong việc ban hành một quy định hướng dẫn cụ thể về thời điểm chuyển giao quyền tác giả trong giao dịch tặng cho.

Trong khi chờ đợi sự thay đổi của pháp luật, để an toàn, có lẽ người được tặng cần phải chủ động đi đăng ký bản quyền ngay sau khi văn bản tặng cho được lập. Song, cần lưu ý đây chỉ là giải pháp tạm thời và không chắc chắn. Bởi như đã nói, thủ tục đăng ký bản quyền chỉ có giá trị suy đoán người đăng ký là tác giả chứ không có giá trị xác lập quyền.

Ví dụ, nếu một tác giả “lưu manh” đem tặng bản quyền của mình cho hai người khác nhau, tạm gọi lần lượt là A và B. Người A được tặng cho trước, người B được tặng sau nhưng đã nhanh chân đi đăng ký trước. Khi đó, dù B đã đi đăng ký nhưng cũng chưa chắc có ưu thế hơn A khi có tranh chấp. Cụ thể, việc tặng cho B vẫn có thể bị tuyên vô hiệu bởi lẽ hiển nhiên: không ai có thể chuyển giao cho người khác những gì mà mình không có. Tác giả một khi đã tặng cho A thì cũng không còn quyền để có thể tiếp tục hào phóng tặng cho B.

Cũng cần phải nói thêm, dù luật không yêu cầu hợp đồng tặng cho bản quyền phải được công chứng nhưng thủ tục đăng ký bản quyền do được chuyển giao (mua bán, tặng cho) lại đòi hỏi rằng hợp đồng này phải được công chứng(2). Nghĩa là, dù không được công chứng song hợp đồng vẫn sẽ có giá trị, chỉ là không thể dùng bản hợp đồng này đi đăng ký bản quyền được mà thôi! Đây đúng thật là một vòng tròn luẩn quẩn!

Đó là chưa kể, việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng bản quyền chưa chắc sẽ được thực hiện nếu bên tặng cho chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Thật vậy, hiện nay hầu hết tổ chức công chứng đã từ chối công chứng giao dịch quyền tác giả nếu không có giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, bởi họ không biết người tặng có thực sự là chủ sở hữu quyền hay không. Chung quy lại, nếu tác phẩm chưa được đăng ký bản quyền thì, trong bối cảnh hiện tại, việc tặng cho hầu như không được bảo đảm.

Rõ ràng, việc thiếu vắng các quy định về thời điểm chuyển giao tác phẩm trong trường hợp tặng cho hay rộng hơn là trong các giao dịch đã làm cho việc tặng cho bản quyền, tưởng chừng như đơn giản lại trở nên phức tạp. Ngoài ra, quy định về thủ tục hành chính có phần mở rộng hơn so với quy định của luật cũng làm cho các giao dịch trở nên kém an toàn và có nguy cơ dẫn đến tranh chấp. Khi có cơ hội sửa đổi luật, đây có lẽ là một trong các nội dung mà các nhà lập pháp cần cân nhắc để hệ thống pháp luật về chuyển giao quyền tác giả được rõ ràng và hoàn thiện hơn.

(1) Án lệ số 14/2017/AL ngày 14-12-2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

(2) Điều 39.1d Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26-4-2023 của Chính phủ.

Nguyễn Ngô Thành Danh - Nguyễn Thái Hải Lâm

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ban-quyen-cho-roi-doi-lai-duoc-khong/