Bản quyền điện ảnh Việt Nam: Lạc đường trong lối nhỏ ?

Hào nhoáng và đầy tai tiếng bên lề, Hollywood – kinh đô điện ảnh của thế giới vẫn xuất xưởng đều đặn mỗi năm hàng mấy ngàn phim.

Hào nhoáng và đầy tai tiếng bên lề, Hollywood – kinh đô điện ảnh của thế giới vẫn xuất xưởng đều đặn mỗi năm hàng mấy ngàn phim.

Gần đây, khi đã dần cạn kiệt đề tài, Hollywood vẫn sẵn sàng chuyển qua khai thác các mô – típ câu chuyện có xuất xứ từ những nền văn hóa xa lạ, theo nhiều thách thức, trong đó có việc ký kết nhượng quyền kịch bản, từ các phim đã được thực hiện.

Để tiến hành làm lại, nhằm phù hợp hơn với thói quen của công chúng xem phim ở các khu vực, cả một guồng máy lớn của nền công nghiệp xa hoa này phải dàn trải ra, trên một diện rộng của xa lộ văn hóa đầy tính phức hợp đến bất trắc.

Vậy nhưng, người ta không mấy khi nghe nhắc đến những vụ kiện tụng, xoay quanh lĩnh vực bản quyền trong dây chuyền thực hiện các sản phẩm văn hóa này. Hẳn nhiên, để được như thế, bằng lịch sử tồn tại lâu đời của mình, Hollywood đã biến mọi quy ước chung trong việc làm nghề thành luật; và cứ thế mà thực chi.

Điện ảnh - truyền hình Việt trong khoảng thời gian gần “chạm ngõ” đến các ngóc ngách thật của cuộc sống đương đại. Nhưng khi còn đang chập chững dò tìm và khai thác các dữ liệu ngồn ngộn của cuộc sống, nó đã vấp phải những rào cản từ thói quen của công chúng lẫn từ chính những người đang làm nghề tác nghiệp.

Điều này có lẽ được hình thành từ những năm dài sống trong chế độ bao cấp, nó khiến người ta tư duy theo lối mòn và lười biếng với nhứng sang tạo. Chẳng những vậy, người ta còn trở nên thụ động rồi rơi vào thế luôn “giật mình” với bất kỳ sự thay đổi nào. Còn nhớ có một dạo gần như dư luận cả nước đã nhập cuộc trong việc nhận định, đánh giá tác phẩm điện ảnh Mê Thảo - thời vang bóng (đạo diễn Việt Linh, biên kịch Phạm Thùy Nhân).

Khi so sánh với tác phẩm văn học (của cố nhà văn Nguyễn Tuân) mà những người làm phim đã dùng làm nền để chuyển thể, người ta thấy phim mang một tinh thần khác. Và rồi có nhiều ý kiến “dọa” thưa kiện người làm phim đã làm hư hại tác phẩm của nhà văn lớn!

Mới đây, với Hồn Trương Ba da hàng thịt (đạo diễn và biên kịch Nguyễn Quang Dũng), dư luận cả nước lại ầm ĩ khi biết được giữa giai thoại dân gian nổi tiếng này, và câu chuyện phim không hề ăn nhập gì với nhau.

Lại có những ý kiến “hăm” kiện tụng tiếp, về việc người làm phim tùy nghi thay đổi cốt truyện, từ một mô-típ quen thuộc! Nhìn ở một hình thái nào đó, đấy là vụ kiện tranh chấp bản quyền; mà bản thân “người kiện” không thực sự biết mình đang sở hữu cái gì, điều gì, phạm vi và mức độ như thế nào!

Và hơn nữa, khi các bên liên quan bị “lôi vào cuộc” trong một tâm thế bi hài như thế, qua phương tiện thông tin đại chúng, sự lệch lạc trong việc nhìn nhận, lượng định các vấn đề đưa ra càng lúc càng trầm trọng hóa. Bởi, bản thân các tác phẩm này hoàn toàn độc lập với nhau, căn cứ vào loại hình nghệ thuật mà chúng đại diện.

Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư, với tác phẩm truyện dài đầu tiên của mình Cánh đồng bất tận; cũng vừa được Hãng phim Việt và công ty BHD mua bản quyền chuyển thể tác phẩm văn học thành phim (nhà biên kịch Ngụy Ngữ đã chuyển thể).

Tuy vậy, với tác phẩm rất được dư luận chủ tâm này, cô lại bị kiện tụng (bởi một cơ quan văn hóa ở chính quê hương) rằng đã làm sai lệch con người và vùng đất quê hương mình, thông qua tác phẩm đó!

Nếu được phép giả sử và suy diễn, phim Cánh đồng bật tận khi công diễn hẳn cũng sẽ bị thưa gửi kiện tụng bởi cùng tội danh. Đây quả là một vấn nạn không đáng có và hết sức rối rắm, trong tình hình sáng tác của văn hóa văn nghệ nước nhà.

Gần đây nhất, vụ kiện về loạt phim truyền hình nhiều tập - nhiều mùa “U6 – U7” giữa những người đầu tiên góp công sức để hình thành kịch bản này; là điểm cần nhìn lại nhiều nhất, trong một lĩnh vực đầy tính vi tế. Đặc biệt là với môi trường làm nghề còn khá nhập nhằng hiện nay của điện ảnh - truyền hình Việt Nam.

Nó cho thấy việc xác lập phần trăm tiền thù lao, mức độ giữ bản quyền tác giả là cực kỳ quan trọng và cấp thiết, trong công nghệ làm phim truyền hình hiện nay. Nhìn ở phương diện nào đó, đây là hệ quả của sự làm việc đầy chất thủ công và cảm tính của một thời.

Nếu không nhận ra được điều đó, cho dù có “vượt” mà “không thoát” khỏi cơ chế quan liêu cũ , của tầm nhìn cũ, và của lề lối làm việc “nửa bao cấp nửa thị trường” thì chuyện mình tự kéo chìm mình xuống không phải là không có lần lặp lại! Và nhà đài cũng cần phải có những quy định, những biểu giá rõ rang để góp phần giảm thiểu những kiện tụng “tự phát” thuộc loại “tức nước vỡ bờ” này.

Lẽ đương nhiên, đây vẫn chỉ là giai đoạn bản lề của điện ảnh - truyền hình Việt Nam. Nhưng khi chuẩn bị bước vào guồng máy chuyên nghiệp, mà cứ mãi loay hoay với chuyện “lối nhỏ” và thêu dệt mê cung cho chính mình thì chẳng tiến trên “xa lộ” chỉ là ước mơ xa vời.

Theo TGNS

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/khong-phan-biet-nam-hay-nu-chi-can-co-2-bieu-hien-bat-thuong-nay-tren-da-thi-80-la-ung-thu-gan-hay-di-kham-cang-som-cang-tot-222021181117351566.htm