Hình ảnh VĐV mặc nội y chơi bóng bầu dục gây tranh luận
Chiến dịch quảng cáo của thương hiệu đồ lót Bluebella được thiết kế để khuyến khích các cô gái tham gia thể thao, nhưng lại chỉ đang nhận về sự phẫn nộ và chế giễu.
Người hâm mộ đã quá quen với hình ảnh đội tuyển bóng bầu dục nữ của Anh thể hiện sức mạnh trên sân cỏ. Vì vậy, hầu hết đều cảm thấy hoang mang khi nhìn các vận động viên tài năng như Ellie Boatman, Celia Quansah và Jasmine Joyce luyện tập trong những loại áo ngực ren, quần lót gợi cảm.
"Pha phản lưới nhà"
Được phát hành vào đầu tháng 7, những hình ảnh này là một phần của chiến dịch "Strong Is Beautiful" của thương hiệu nội y Bluebella. "Strong Is Beautiful" được phát động lần đầu tiên vào năm 2016 với mục đích khuyến khích các bé gái tuổi teen theo đuổi đam mê thể thao.
Các chiến dịch trước đây có sự góp mặt của vận động viên nhảy xa Paralympic Stef Reid (năm 2016); các vận động viên bơi nghệ thuật Olympic Kate Shortman và Izzy Thorpe (năm 2021); cựu cầu thủ Fara Williams (năm 2023).
Theo tuyên bố của Bluebella, mục tiêu của chiến dịch là "khuyến khích các cô gái tự hào về cơ thể của mình và tiếp tục chơi các môn thể thao đồng đội". "Để nhấn mạnh quan điểm của mình, các vận động viên đã tạo dáng trong bộ đồ lót hở hang cho một buổi tập luyện ngẫu hứng", công ty tuyên bố.
Nhưng nếu mục đích của thương hiệu là tốt, chiến dịch này có lẽ đã đi sai hướng và trở thành "pha phản lưới nhà".
X, trước đây là Twitter, tràn ngập các bình luận chỉ trích Bluebella. "Mạnh mẽ là đẹp. Thể lực tốt là đẹp. Chơi bóng bầu dục là đẹp. Nhưng tại sao phải mặc đồ lót chơi bóng bầu dục? Thật nực cười", một người viết. "Điều đó không phải là tôn vinh sức mạnh hay sự cống hiến, mà là chỉ rập khuôn định kiến rằng phụ nữ 'chỉ' có thể đẹp khi mặc đồ ren".
"Những người phụ nữ tuyệt vời này luôn sống tích cực với cơ thể mỗi khi họ ở trên sân cỏ. Quảng cáo này hạ thấp tất cả phụ nữ, đặt cái nhìn của nam giới lên hàng đầu. Phụ nữ không tồn tại để thỏa mãn đàn ông", người khác bình luận.
Bối cảnh buổi chụp hình chính là trung tâm của vấn đề. Các vận động viên nam cũng từng tham gia vào các chiến dịch quảng cáo đồ lót, nhưng những bức ảnh này thường được chụp trong studio chứ không phải trong buổi tập luyện. Có biệt danh là "Goldenballs", nhưng David Beckham chưa bao giờ mặc đồ lót và chụp ảnh quảng cáo trên sân bóng.
Phản đối gay gắt
Đối với phát thanh viên và cựu vận động viên bơi lội Olympic Sharron Davies, chiến dịch này có khá nhiều vấn đề. "Nếu chúng ta đang cố gắng khuyến khích các cô gái trẻ ở mọi hình dạng và kích cỡ tham gia vào thể thao, thì việc gợi ý rằng họ phải 'gợi cảm' cùng lúc với việc chơi thể thao là bước thụt lùi. Điều này không xảy ra với các chàng trai trẻ", bà nói với The Telegraph.
Tuy nhiên, Davies muốn nhấn mạnh rằng bà không chỉ trích các vận động viên tham gia chiến dịch quảng cáo. "Phụ nữ chỉ nhận được 4% tiền tài trợ thể thao - một sự bất bình đẳng lớn về tài trợ giữa hai giới. Khi nhận được khoản tài trợ, thật khó để nói 'không'".
Chiến dịch này cũng vấp phải sự phản đối từ tổ chức từ thiện Women in Sport. Tổ chức này cho biết Bluebella đã trích dẫn nghiên cứu của họ rằng hơn một nửa số nữ sinh trung học (64%) bỏ chơi mọi môn thể thao trước tuổi 16, do tự ti về cơ thể, để quảng bá cho chiến dịch "Strong Is Beautiful".
"Chúng tôi rất không thoải mái khi bị nhắc đến trong chiến dịch này, vì đây không phải là cách chúng tôi muốn số liệu thống kê của mình được áp dụng", Stephanie Hilborne, Tổng giám đốc điều hành của Women in Sport, cho biết. "Chúng tôi kêu gọi thương hiệu xem xét lại cách tiếp cận đối với chiến dịch".
Là tổ chức từ thiện lâu đời nhất trong lĩnh vực thể thao nữ, Women in Sport có 40 năm kinh nghiệm trong việc đảm bảo sự thay đổi cho phụ nữ và trẻ em gái bằng cách giải quyết bất bình đẳng giới, tham vấn ý kiến chuyên gia. Hilborne lưu ý rằng mọi thường không nên xem "sự tích cực về cơ thể" là vấn đề của trẻ em gái và phụ nữ.
"Vấn đề là cách xã hội đối tượng hóa các cô gái và đẩy họ ra khỏi thể thao. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 1,3 triệu phụ nữ từng yêu thích thể thao đã bỏ cuộc khi còn là thanh thiếu niên, với khoảng 6/10 người cảm thấy bị phán xét và giám sát. Chúng ta không cần phụ nữ phải trông xinh đẹp trên sân cỏ. Chúng ta cần các thương hiệu thể hiện sức mạnh, khả năng phục hồi và kỹ năng của họ, cũng như sự nguy hiểm và phấn khích của môn thể thao họ theo đuổi".
Phản ứng dữ dội của công chúng có thể khiến những người tham chiến dịch - Boatman, Quansah và Joyce - cảm thấy thất vọng. Trong một tuyên bố để thúc đẩy chiến dịch, cầu thủ Harlequins Ellie Boatman (27 tuổi) đã lưu ý rằng "không có nhiều cô gái" chơi bóng bầu dục khi cô còn nhỏ, vì họ bị coi là "yếu đuối".
"Thể thao nên là thứ bạn làm để chăm sóc bản thân và tận hưởng, không phải là một hình phạt. Chiến dịch của Bluebella là để cho các cô gái thấy rằng thể thao có thể giúp họ trông cơ bắp và khỏe mạnh, cũng như cảm thấy nữ tính", Boatman nói.
Jasmine Joyce (28 tuổi) cho biết thêm: "Không phải lúc nào tôi cũng cảm thấy thoải mái khi mặc đồ lót. Nhưng sau khi chụp bộ ảnh này, tôi thực sự có thể tôn lên cơ thể mình và được trao quyền".
Mặc dù những hình ảnh này có thể thúc đẩy sự đa dạng về cơ thể, liệu chiến dịch có khuyến khích các cô gái tuổi teen chơi thể thao hay không vẫn là điều gây tranh luận.
Một cô gái tuổi teen mặc áo hoodie và quần nỉ quá khổ khó có thể được khuyến khích tham gia thể thao khi nhìn thấy 3 cầu thủ bóng bầu dục đang tập luyện trong bộ đồ lót ren.
Amie Witton Wallace, cựu nhân viên quan hệ công chúng và là mẹ của 3 con, đã ra mắt thương hiệu đồ thể thao dành cho thanh thiếu niên Graphi sau khi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm trang phục thể thao phù hợp cho các con gái. "Việc các bé gái bỏ chơi thể thao ở tuổi 13 có liên quan chặt chẽ đến những dấu hiệu dậy thì rõ ràng khiến các em cảm thấy ngại ngùng khi mặc đồ không thoải mái", cô nói.
Thông thường, người chơi thể thao buộc phải mặc quần áo bó sát, vừa vặn cơ thể. "Nếu cho phép thanh thiếu niên mặc những gì họ cảm thấy thoải mái, họ nhiều khả năng sẽ yêu thích thể thao hơn", Wallace nói.