Bản sắc văn hóa Lý Sơn
Huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi – quê hương của Hải đội Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ cắm mốc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, là niềm tự hào của người dân xứ đảo nói riêng và người dân cả nước nói chung. Lý Sơn không chỉ được biết đến với nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp mê hoặc lòng người, mà còn là địa danh chứa đựng những nét văn hóa truyền thống quý giá khó có vùng biển, đảo nào có được.
Một lễ hội hết sức đặc biệt chứa đựng tinh hoa và thể hiện ý chí kiên cường, quả cảm của người dân xứ đảo là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ hội dân gian đặc sắc này được các tộc họ trên đảo Lý Sơn trân quý, duy trì tổ chức hằng năm qua nhiều thế hệ. Nghi thức lễ để tưởng nhớ các đội Hoàng Sa Bắc Hải cùng các dân binh, tráng đinh hy sinh khi làm nhiệm vụ tuần phòng bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ hơn 400 năm trước.
Sử cũ chép rằng, dưới thời chúa Nguyễn, sau đó là triều đại nhà Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã cho thành lập các Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, dong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để thu lượm hải vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Trong hành trang chuẩn bị cho chuyến hải trình dài ngày đến Hoàng Sa, Trường Sa, các thủy thủ các đội Hoàng Sa Bắc Hải chuẩn bị 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu. Nếu không may người thủy thủ qua đời thì những đồng đội trên thuyền sẽ bó thi hài người xấu số cùng với chiếc thẻ tre khắc tên vào manh chiếu, nẹp dọc 7 thanh tre rồi buộc chặt 7 sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, thi hài sẽ được đem thả xuống biển với hy vọng xác thân sẽ trôi dạt vào bờ biển.
“Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa”. Câu ca dao lưu truyền trên đảo Lý Sơn thể hiện rõ sự nguy hiểm của những người nhận nhiệm vụ đi Hoàng Sa, đã đi là chín phần chết, một phần sống, thế nhưng thế hệ tổ tiên cha ông ở đất đảo vẫn luôn đặt vận mệnh của đất nước lên trên tất cả, dù có phải hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - luôn là niềm tự hào, tượng trưng cho truyền thống, bản sắc văn hóa của cư dân đất đảo mà con cháu nhiều đời phải nỗ lực gìn giữ.
Điều đặc biệt ở trên đảo Lý Sơn cho đến nay là rất nhiều nghi thức lễ được lưu giữ, tạo nên bản sắc riêng của cư dân đất đảo, thể hiện ý chí, quyết tâm khẳng định và bảo vệ chủ quyền đất nước. Ngoài Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thì Lễ hội đua thuyền tứ linh, Lễ dựng cây nêu ngày Tết, Lễ cầu ngư, Lễ cầu mùa, cầu an, tạ mùa, dồi bồng là nét văn hóa đặc sắc trong văn hóa tín ngưỡng của người Lý Sơn. Trong các lễ hội, chủ điểm là Lễ hội đua thuyền tứ linh được duy trì tổ chức hằng năm thu hút đông đảo du khách trải nghiệm, khám phá. Lễ hội đua thuyền tứ linh được gìn giữ gần 200 năm qua, các thuyền đua mang biểu tượng tứ linh (long, ly, quy, phượng) được chạm khắc tinh xảo. Đây cũng là lễ hội nhằm tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Vào dịp Tết Nguyên đán hay tiết thanh minh, rằm tháng 3..., tại các đình miếu trên đảo Lý Sơn, người dân đều dâng lễ vật được đánh bắt từ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để tổ chức các nghi lễ mang giá trị văn hóa truyền thống của đất đảo, tri ân công đức tiền nhân mở cõi, binh phu Hoàng Sa Bắc Hải. Ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, chia sẻ: “Là lớp hậu duệ của các vị tiền nhân đã có công đi bảo vệ chủ quyền đất nước nên chúng tôi luôn trân trọng và niềm tự hào. Người già, người trẻ trên đảo Lý Sơn phải có trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp”.
Nói về di sản văn hóa biển đảo thì không thể không nói đến các di tích văn hóa lịch sử gắn liền với Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải. Vỏn vẹn hơn 10km2 nhưng mỗi mét vuông trên đảo Lý Sơn đều thấm đẫm dấu ấn văn hóa của cha ông từ thuở đi mở biển và giữ biển. Lý Sơn có trên 100 di tích được thiết lập từ thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, phần lớn đều gắn liền với Hải đội Hoàng Sa như đình làng An Vĩnh, đình làng An Hải, Âm Linh tự và mộ lính Hoàng Sa, nhà thờ Cai đội Phạm Quang Ảnh, nhà thờ Võ Văn Khiết... Các di tích này có nét kiến trúc mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Champa, Đại Việt. Mỗi nơi đều gắn chặt với lịch sử văn hóa và con người trên đảo.
Nổi bật nhất trên đảo Lý Sơn có lẽ là di tích quốc gia Âm Linh tự và mộ lính Hoàng Sa, được thành lập từ thời các chúa Nguyễn để làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển, đặc biệt là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trước khi ra biển hành nghề, ngư dân đều đến Âm Linh tự cầu xin thần thánh và linh hồn cõi khuất phù hộ để bình an, thuận buồm xuôi gió. Trở về bình yên sau mỗi chuyến biển, ngư dân sẽ mang lễ vật đến đây làm lễ tạ ơn. “Đây là niềm tin, chỗ dựa tinh thần cho ngư dân chúng tôi trong mỗi chuyến ra khơi, là nơi để ngư dân tạ ơn sau một mùa biển yên bình, bội thu” - Ngư dân Nguyễn Gia Viên, ở huyện đảo Lý Sơn tâm sự.
Truyền thống, bản sắc văn hóa trên đảo đang được người dân Lý Sơn gìn giữ và phát huy. Nhờ những giá trị văn hóa quý báu này mà Lý Sơn hôm nay đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ban-sac-van-hoa-ly-son-post433040.html