Bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng ASEAN

Văn hóa là cầu nối tình hữu nghị trong cộng đồng ASEAN. Giai điệu âm nhạc Việt Nam hòa chung với âm nhạc các nước ASEAN, cùng các hoạt động thể thao, du lịch… trong những năm qua đã góp phần kết nối các nước ASEAN cùng chung 'nhịp đập'.

TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề phát huy bản sắc văn hóa của Việt Nam và các nước trong cộng đồng ASEAN.

TS Nguyễn Phương Hòa: Tôi rất vui và tự hào khi Việt Nam đã hội nhập ASEAN và vươn lên, không chỉ có những đóng góp tích cực mà còn giữ vai trò dẫn dắt trong ASEAN. Trong cả tiến trình đó, văn hóa tự hào là sứ giả mang sức mạnh nội sinh, giao lưu, hợp tác về văn hóa góp phần liên kết, gắn kết các quốc gia.

TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Giữa các nước có thể có bất đồng về chính trị, kinh tế, xã hội nhưng trước một bản nhạc hay hoặc một giai điệu đẹp, mọi người sẽ dễ dàng gắn kết với nhau hơn. Văn hóa chính là nhân tố nền tảng để gắn kết các dân tộc, thúc đẩy các nước xích lại gần nhau hơn, đặc biệt với bản sắc văn hóa đặc sắc của Việt Nam và các nước ASEAN.

Các nhân tố về văn hóa góp phần thúc đẩy, xây dựng lòng tin để cùng nhau phát triển trong cộng đồng các nước ASEAN. Cộng đồng Văn hóa - Xã hội là một trong ba trụ cột của hợp tác ASEAN, với các cơ chế từ Hội nghị Bộ trưởng, Hội nghị Quan chức cấp cao đến các khuôn khổ hợp tác thiết chế văn hóa và giao lưu nhân dân. Nhà nước tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho các thiết chế văn hóa, những người thực hành văn hóa và đặc biệt là người dân phát huy sự sáng tạo và thúc đẩy giao lưu văn hóa.

PV:Theo chị, làm sao để xây dựng bản sắc văn hóa ASEAN trong đó vẫn giữ được bản sắc của từng quốc gia riêng?

TS Nguyễn Phương Hòa: Năm 2020, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, một trong những sáng kiến của Việt Nam là Bản tường thuật về bản sắc ASEAN, trong đó nhấn mạnh về một cộng đồng văn hóa ASEAN thống nhất trong đa dạng với con người được đặt ở vị trí trung tâm, cùng nhau hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam cùng với các nước đã tham gia rất nhiều dự án hợp tác từ bảo tồn di sản văn hóa cho đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên nhiều lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc… Những dự án này đều góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc và góp phần xây dựng một gia đình ASEAN gắn kết.

Có thể nói, khi có dịp tham gia các diễn đàn đa phương và tiếp xúc với bạn bè ASEAN, tôi rất tự hào vì văn hóa góp phần kết nối gia đình ASEAN rất mạnh mẽ và bản sắc văn hóa ASEAN luôn tỏa sáng.

Trong quá trình hợp tác và giao lưu văn hóa, chúng tôi đánh giá rất cao những sáng kiến của C asean là một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu kết nối văn hóa, kết nối con người, nhằm tạo ra một nền tảng hoạt động cho cộng đồng ASEAN.

Tôi đặc biệt đánh giá cao dự án của C asean thành lập dàn nhạc ASEAN gồm 10 nghệ sĩ sử dụng nhạc cụ truyền thống của mỗi quốc gia ASEAN để cùng hòa tấu lên bản nhạc chung về ASEAN. Dàn nhạc không chỉ biểu diễn trong ASEAN mà còn giới thiệu văn hóa truyền thống ASEAN đến nhiều nước khác trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tiết mục ca múa nhạc mang đậm màu sắc văn hóa ASEAN. Ảnh nhân vật cung cấp

Tiết mục ca múa nhạc mang đậm màu sắc văn hóa ASEAN. Ảnh nhân vật cung cấp

PV:Để xây dựng một ASEAN đoàn kết và bền vững thì vai trò của văn hóa, thể thao và du lịch phải đặt ở vị trí nào, thưa chị?

TS Nguyễn Phương Hòa: Chúng ta cũng thấy vai trò của văn hóa, thể thao và du lịch trong ASEAN và văn hóa, thể thao góp phần kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch.

Hàng năm, ASEAN đón hơn 100 triệu lượt khách quốc tế, trong đó hơn 40% là khách du lịch nội khối. Đây cũng là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam với những nước bạn như Thái Lan, Campuchia, Malaysia là thị trường gửi khách sang Việt Nam và rất nhiều du khách Việt Nam cũng lựa chọn điểm đến là các nước ASEAN.

Các quốc gia ASEAN cũng thường xuyên kết nối, hợp tác trong lĩnh vực du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như Thái Lan thúc đẩy sáng kiến 6 quốc gia, 1 điểm đến,... ASEAN tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN cùng với Diễn đàn Du lịch ASEAN mà ở đó, các cơ quan du lịch quốc gia và đặc biệt là các hãng lữ hành, hàng không, công ty du lịch đến để gặp gỡ, thúc đẩy hợp tác du lịch.

Trong hợp tác du lịch ASEAN, Việt Nam cũng thể hiện được vai trò dẫn dắt khi đảm nhận vai trò đầu mối xây dựng sản phẩm du lịch đường sông, du lịch lễ hội, đều những là sản phẩm chung để phát triển du lịch nội khối cũng như thu hút du khách nước ngoài.

Lĩnh vực thể thao là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc và niềm tự hào về sức mạnh của cộng đồng ASEAN. Thông qua những giải đấu như SEA Games hay AFF Cup, người dân ASEAN được tăng cường hiểu biết chung cũng như tình đoàn kết. Với SEA Games, có thể coi là Olympic của khu vực ASEAN, Việt Nam rất tự hào khi đứng thứ nhất trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games 31 tại Việt Nam và SEA Games 32 tại Campuchia. Tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục tập trung với những hoạt động ở SEA Games 33 tại Thái Lan.

PV:Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

C asean Vietnam vừa tổ chức thành công buổi tọa đàm: “Việt Nam trong ASEAN tại Hà Nội”, với sự tham gia của các diễn giả như: Đồng chí Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam; Phan Chí Thành, cựu Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan…

Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại khu vực, đồng thời mở ra góc nhìn mới mẻ về nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trong việc đóng góp vào sự phát triển và kết nối ASEAN. Qua phiên tọa đàm ý nghĩa, C asean Vietnam mong muốn thúc đẩy sự thấu hiểu sâu sắc, tạo động lực mạnh mẽ nhằm phát triển cộng đồng ASEAN gắn kết và thịnh vượng hơn trong tương lai.

Theo qdnd

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ban-sac-van-hoa-viet-nam-trong-cong-dong-asean-5032942.html