Lần đầu tiên kỷ luật cán bộ chủ chốt: Tiếp tục tinh thần 'không có vùng cấm'

Kỷ luật cán bộ lâu nay được Đảng ta tiến hành thường xuyên, liên tục, nhưng chưa khi nào làm một cách mạnh mẽ như năm 2024 khi Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật cảnh cáo nguyên Thủ tướng Chính phủ và nguyên Chủ tịch Quốc hội.

Bước tiến bộ trong xử lý kỷ luật cán bộ

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, năm 2024, số liệu từ các cơ quan chức năng cho biết, năm 2024, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 410 tổ chức đảng và 17.562 đảng viên; trong đó Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng và 71 đảng viên.

Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 299 tổ chức đảng và 6.535 đảng viên; trong đó Ủy ban kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 172 tổ chức đảng và 246 đảng viên.

Con số kỷ luật cán bộ cũng được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc tới trong lần đầu tiên ông tiếp xúc cử tri Hà Nội sau khi chuyển sinh hoạt từ đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên về. Theo Tổng Bí thư, từ đầu năm đến nay, 48 cán bộ bị kỷ luật liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Đặc biệt, tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội, người đứng đầu Đảng nhấn mạnh: năm 2024, lần đầu tiên Bộ Chính trị xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với cán bộ chủ chốt của Đảng, nhà nước. "Không có gì dừng lại mà phải tiếp tục...", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 3/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 3/12.

Ủng hộ ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, ông Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho biết, việc kỷ luật cán bộ, đảng viên thời gian qua được dư luận rất hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ.

Việc xử lý kỷ luật cán bộ lâu nay luôn được Đảng ta thực hiện một cách thận trọng, nghiêm minh, công tâm và rất khách quan. Các quyết định này càng khẳng định công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng là công tác thường xuyên, đúng các quy định của Đảng, quy định của Nhà nước, liên tục, kịp thời theo tinh thần chung là làm quyết liệt, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

“Cán bộ vi phạm kỷ luật thì phải xử lý kỷ luật. Từ trước đến nay chúng ta vẫn làm, nhưng chưa khi nào làm một cách mạnh mẽ như năm 2024, khi Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật cảnh cáo nguyên Thủ tướng Chính phủ và nguyên Chủ tịch Quốc hội. Đó là bước tiến bộ và chúng ta đã làm rất mạnh mẽ”, ông Võ Đại Lược cho biết.

Song theo ông Võ Đại Lược, việc kỷ luật cán bộ tuy làm rất quyết liệt nhưng mới là giải quyết hệ quả chứ không phải giải quyết nguồn gốc, vì cái gốc “đẻ” ra tham nhũng hiện nay bắt nguồn từ cơ chế xin - cho. Nếu cơ chế này vẫn còn thì chống tham nhũng vẫn khó khăn.

Ông Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới.

Ông Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng; được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Kế tục những kết quả đó, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác này với các mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp như thời gian qua, nhất là phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai.

“Đây là sự tiếp nối và làm quyết liệt vì tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa tới sự tồn vong của chế độ. Nếu so với trước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã làm rõ quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trong xử lý kỷ luật cán bộ. Sự quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm đã tạo một niềm tin lớn trong nhân dân về công cuộc chống giặc nội xâm, chống suy thoái”, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Dũng, những quyết định kỷ luật cán bộ một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng ta đó là người nào làm tốt được biểu dương, khen thưởng; làm chưa tốt thì bị nhắc nhở, phê bình; ai mắc sai phạm thì cần phải xử lý nghiêm minh, kết luận rõ đến đâu xử lý đến đó. Đây là nguyên tắc, là việc làm thường xuyên của Đảng và cũng là mong muốn của nhân dân, nhằm không ngừng làm trong sạch Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cũng phải kịp thời

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2024; triển khai nhiệm vụ năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cách thức, phương pháp kiểm tra, giám sát. Đồng thời thực hiện thật tốt việc tự kiểm tra, giám sát tại địa phương đơn vị mình; kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa; quá trình thực hiện phải thực hiện nghiêm nguyên tắc, phương pháp, quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Nhất trí với chỉ đạo của Tổng Bí thư, ông Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, quần chúng nhìn vào Đảng là nhìn qua từng cán bộ, đảng viên. Do đó, bên cạnh công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thì công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cũng phải kịp thời, sát sao, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Kiểm tra, giám sát thường xuyên sẽ giúp cán bộ, đảng viên rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Đồng thời giúp cấp ủy, tổ chức đảng kết luận chính xác, khách quan, công tâm cũng như xem xét xử lý kịp thời đối với những vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên nhằm cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa chung.

Ông Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II.

Ông Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II.

Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên luôn luôn rèn luyện, phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Trong quá trình đó, nếu cán bộ có sai phạm thì phải chịu các hình thức kỷ luật và kỷ luật như nhau, không có vùng cấm.

“Đó cũng là cảnh báo và nhắc nhở tất cả những cán bộ đang nắm giữ các vị trí trong hệ thống chính trị, nhắc nhở những người chuẩn bị bước vào hàng ngũ của Đảng tinh thần giác ngộ lý tưởng, luôn luôn có ý thức rèn luyện, học tập suốt đời”, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết.

Nguyên tắc trong xây dựng Đảng là xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, không có vùng cấm, song trên tinh thần "nhân văn, trị bệnh cứu người". Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Dũng, điều đó không có nghĩa là anh thiếu uy tín, anh từ chức, miễn nhiệm, thì không phải chịu trách nhiệm tới cùng về những sai phạm đã mắc. Thời gian qua, Bộ Chính trị cho phép một số cán bộ chủ chốt miễn nhiệm, từ chức, điều đó thể hiện sự nhân văn, nhưng điều đó không có nghĩa là kết thúc nếu sai phạm đó tới mức phải truy tố, hoặc xử lý kỷ luật.

Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/lan-dau-tien-ky-luat-can-bo-chu-chot-tiep-tuc-tinh-than-khong-co-vung-cam-post1144113.vov