Bản sao Đan Nguyên: Vứt bỏ sĩ diện đi hát rong, bán kẹo kéo
Quang Nghị học hành không tới nơi tới chốn nên bỏ qua hết cái tôi, sĩ diện để làm nghề hát rong, bán kẹo kéo mưu sinh.
Ca sĩ Quang Nghị, sinh năm 1986, quê gốc Bạc Liêu. Anh tên thật là Huỳnh Văn Nghị, dùng chữ lót “Quang” trong Phạm Quang Tùng – một người anh giúp đỡ anh rất nhiều trên con đường ca hát như một cách tri ân đàn anh.
Trường hợp của Quang Nghị gợi nhớ đến số ít những người bình dân chân chất, thật thà có năng khiếu ca hát và muốn đi con đường nghệ thuật lâu dài, như ca sĩ “Quái kiệt boléro” Mạnh Thường.
Vứt bỏ sĩ diện để bán kẹo kéo
Năm 2003, khi mới 17 tuổi, Quang Nghị thi một cuộc thi ca hát ở xã và đạt giải Nhì. Số tiền thưởng lúc đó vỏn vẹn 300 nghìn đồng. Năm sau, khi địa bàn hành chính tách xã, anh tiếp tục thi lần nữa và đạt giải Ba.
Dù chỉ là cuộc thi quy mô xã phường nhưng Quang Nghị rất hạnh phúc khi được mọi người trong xã biết đến.
Hết lớp 12, Quang Nghị nghỉ học, chuyển sang học nghề nhưng giữa chừng thì bỏ dở, không thành nghề, phải về nhà phụ giúp gia đình mấy việc lặt vặt.
Năm 2009, gia đình thấy nghề sửa điện thoại đang hot nên lại cho anh lên Cần Thơ học nghề. Cuối cùng, nghề vẫn không chọn Quang Nghị. Anh đi làm thuê một thời gian thì nghỉ, vì làm việc vừa cực, đồng lương bèo bọt còn bị chủ chèn ép. Không làm thợ được, Quang Nghị đành sống lông bông qua ngày.
Suốt những năm tháng đó, Quang Nghị vẫn canh cánh trong lòng niềm đam mê ca hát. Nhờ thi có giải ở xã, anh thỉnh thoảng được mời hát đám tiệc nhưng không đòi cát-xê bao giờ, người ta cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Anh hát cho thỏa đam mê nên mỗi tháng đi hát đám tiệc 2 – 3 lần, chứ không dám nghĩ sẽ kiếm tiền bằng nghề ca hát.
Sau 7 năm ở nhà ăn bám gia đình – theo chính lời Quang Nghị kể, năm 2014, anh quyết định ra đường hát rong, bán kẹo kéo mưu sinh.
Khi đi bán kẹo kéo, Quang Nghị tự nhủ mình lao động chân chính, bán lời ca tiếng hát nên không có gì phải xấu hổ. Trái lại, anh còn thấy thoải mái khi không bị chèn ép, tự do làm việc.
“Thực tế là mấy khách nhậu ai cũng ghét người bán kẹo kéo, vì mỗi tiếng có tới 4 – 5 người tới bán, làm sao người ta không khó chịu? Tôi thấy nhiều người bán kẹo kéo hay đứng chèo kéo, nài nỉ khách mua trong khi người ta đang nhậu. Nên khi đến mình, tôi vừa hát vừa mời mua kẹo, ai mua thì mình bán, không thì thôi. Tôi không chèo kéo, làm phiền cuộc vui của ai bao giờ.
Thêm phần nữa giọng tôi nghe cũng được nên mối cũng nhiều. Nhiều khách thương tôi lắm, toàn kêu tôi vô ngồi ăn uống chung cho vui, mà tôi có biết uống đâu. Bình thường, tôi nhấp môi thôi mà có khi xỉn rồi. Nhưng tại khách quý mình quá nên tôi cũng ngồi nhấp môi, không phụ lòng người ta”, Quang Nghị thật thà tâm sự.
Quang Nghị biết mình học hành không tới nơi tới chốn nên khi quyết định hát rong, bán kẹo kéo mưu sinh, anh bỏ qua hết cái tôi, sĩ diện. Khi mời kẹo, anh rất biết điều, tránh làm gián đoạn cuộc vui của khách nhậu. Tuy nhiên, trong 1 năm đó, bên cạnh những người thương mến giọng ca Quang Nghị thì không ít lần anh gặp những tình huống sốc.
Quang Nghị kể, có lần, anh vừa mở loa hát ở quán quen thì một người đàn ông ăn mặc sành điệu ra dấu tay gọi anh vào. Đang mừng thầm trong bụng vì tưởng bàn toàn khách “sộp”, sẽ bán được nhiều kẹo thì người đàn ông chỉ thẳng vào mặt, yêu cầu Quang Nghị tắt loa, đi chỗ khác, không cho hát nữa. Anh không muốn đôi co nên đành tắt loa, đi quán khác.
Một lần khác, Quang Nghị được một vị khách mua một nắm kẹo, giá 5 nghìn/cây nhưng không trả tiền. Nghe người này nói: “Tao không trả tiền thì mày làm gì tao?”, anh biết người này muốn gây sự nên nhỏ nhẹ xin lại nắm kẹo. Tức thì, người này vốc nắm kẹo, bẻ gãy hết rồi ném ra sàn. Hành động bất ngờ làm Quang Nghị sững người nhưng sau thoáng chốc, anh nghĩ nắm kẹo cũng không đáng là bao, nếu lời qua tiếng lại sẽ không hay nên lẳng lặng gom lại mấy kẹo.
Hoặc nhiều lần, người ta kêu Quang Nghị hát cả 10 bài nhưng chỉ trả 20 nghìn, anh cũng vui vẻ nhận, không đòi hỏi gì.
Hỏi Quang Nghị có bao giờ tủi thân, muốn bỏ tất cả về quê? Anh lập tức trả lời không. Quang Nghị nói, lúc trong tình huống thì anh có buồn tủi một chút nhưng về nhà thì quên hết, không để bụng. Mỗi tối về nhà, Quang Nghị hào hứng đếm tiền mình kiếm được trong ngày, thường là 400 – 500 nghìn, hôm nào bán nhiều thì 700 – 800 nghìn.
Với Quang Nghị, hạnh phúc đơn giản là tự kiếm được tiền nuôi sống bản thân, thỉnh thoảng mua món gì ngon để ăn hoặc uống café.
Mơ ước báo hiếu ba mẹ
Quang Nghị luôn ý thức mình vào nghề trễ, không có tiền bạc hay lợi thế ngoại hình so với các thí sinh khác. Năm 17 tuổi, anh còn là học sinh ở dưới quê, suy nghĩ đơn giản, thông tin cũng không có nhiều nên không biết gì. Thậm chí, khi lên TP. HCM bán kẹo kéo, anh mới lần đầu biết thành phố là như thế nào.
Năm 2016, Quang Nghị đi casting Solo cùng Boléro nhưng qua được vòng đầu thì…rớt. Cũng trong năm, anh được một khách nữ rủ đi casting Tuyệt đỉnh song ca. Sau khi về nhà chờ kết quả, Quang Nghị xui xẻo bị hỏng điện thoại nên cũng không biết năm đó mình casting có được chọn không.
Một năm sau, Quang Nghị nghe có một cuộc thi là Boléro: Giọng ca vàng 2017, đicasting thì bị bắt đóng 500 nghìn phí, vào vòng trong tiếp tục đóng thêm 400 nghìn nữa. Lúc này, anh mới thấy kỳ nên bỏ cuộc, không thi nữa, tiếp tục đi bán kẹo kéo.
Một dịp tình cờ, anh hát rong ngoài quán nhậu được một thanh niên ghi clip lại, đăng lên facebook. Bất ngờ, clip này được chia sẻ chóng mặt, đạt mấy triệu lượt xem mà từ đó, nhiều khán giả mạng nhớ đến chàng trai có giọng hát giống Đan Nguyên và phong cho anh cái tên “Bản sao Đan Nguyên”.
Cũng nhờ clip hát rong gây sốt trên mạng, Quang Nghị được một người đàn anh là Phạm Quang Tùng nhận đỡ đầu, giúp đỡ ca hát. Năm 2018, anh ra Hà Nội đi casting Tuyệt đỉnh song ca một lần nữa và… đậu. Đó là lần đầu tiên anh được đứng trên sân khấu lớn, đứng hát trước các ca sĩ nổi tiếng và được lên sóng truyền hình.
Quang Nghị được cả ba đội HLV “gạt mic” và chọn về đội vợ chồng Minh Vy – Cẩm Ly, vào tới vòng Bán kết.
Nhắc tới lần đầu bước lên sân khấu lớn, Quang Nghị vẫn rất xúc động. Anh nói, ngày đầu đi bán kẹo kéo, anh cầm bọc kẹo mà tay run bần bật, không cách nào kiềm lại được, có khi còn bị vấp té. Phải mất một thời gian anh mới quen được. Vậy mà, một Quang Nghị vừa hát vừa mời kẹo ở quán nhậu cả mấy trăm người không run nhưng đi casting trước vỏn vẹn 2 giám khảo lại áp lực đến suýt không hát nổi.
Năm 2019, Quang Nghị tiếp tục thử sức mình ở cuộc thi Ca sĩ thần tượng và đang là gương mặt thí sinh sáng giá. Những phần trình diễn của anh đạt lượng view cao trên YouTube so với mặt bằng chung. Quang Nghị vui vẻ cho biết, anh dần quen sân khấu, hát tự tin hơn chứ không bị tâm lý như xưa nữa.
Khi được so sánh nhiều với Đan Nguyên, Quang Nghị thấy vui khi đa số khán giả ủng hộ, khen ngợi dù bên cạnh cũng có những lời chỉ trích, chửi mắng. Có bình luận khen giọng Quang Nghị ấm hơn Đan Nguyên làm anh rất vui, nhưng trong lòng, chưa bao giờ anh dám nghĩ mình hơn Đan Nguyên. Anh thừa nhận học theo cách hát của Đan Nguyên và hát hết mình bằng tâm hồn, con tim.
Hỏi điều Quang Nghị mong nhất, anh thật thà cho biết: “Ai cũng có tham vọng, mơ ước nhưng tôi chắc không bao giờ nổi tiếng đình đám được đâu. Tôi chỉ mong muốn được khán giả biết đến, yêu thương để mình được đi hát, có cơ hội kiếm tiền. Nhiều người tưởng tôi nổi tiếng rồi, chắc giàu lắm chứ tôi vẫn đang lênh đênh, show không có nhiều, tới phòng trà cũng chỉ hát lót. Người ta quán quân hát 1 bài 2 – 3 triệu, còn tôi có 200 – 300 nghìn.
Trước giờ, tôi lo thân tôi còn chưa xong thì lo cho ai? Vì vậy, tôi mong nhất mình có thể kiếm nhiều tiền để sống tốt, còn lo cho gia đình, báo hiếu ba mẹ”.
Hiện tại, Quang Nghị đang thuê nhà và hoạt động ở Hà Nội. Show không nhiều nên ai gọi show thì đi. Anh thừa nhận, bây giờ kiếm tiền đủ sống ngày nào hay ngày ấy chứ không có dư.