Bạn sẽ không còn muốn làm cú đêm nữa khi biết thức khuya có hại cỡ nào

Một đêm thức khuya thì còn tha thứ được, chứ làm cú đêm triền miên là bạn đang làm hại chính mình rồi.

Sau 12 giờ đêm: Chuyện cơ thể chưa kể

Bên trong cơ thể chúng ta, luôn có sự hiện diện của một “quản gia”, còn gọi là “đồng hồ sinh học” quản lí thời gian hoạt động của cơ thể. Theo nghiên cứu của Đại học Alberta, khi chúng ta ngủ, các cơ quan của cơ thể không hề được thảnh thơi “nghỉ phép”. Thay vào đó, chúng phải luân phiên tiến hành quá trình “tái phục hồi” với thời gian biểu” dày đặc. Vì thế, hễ mà “rục rịch” ăn ngủ sai giờ giấc để làm “cú đêm”, cản trở “lịch trình” làm việc của các cơ quan, thế nào cũng bị “quản gia” sinh học “làm mệt” với vô vàn căn bệnh đấy!

Thêm vào đó, theo chia sẻ của cô Angela Epstein - Thạc sĩ khoa Thần kinh với tờ Daily Mail, mỗi khi teen cố tình làm “lệch múi giờ”, não bộ sẽ không thể vận hành hệ thống glymphatic giúp “dọn dẹp” và phục hồi tế bào thần kinh bị tổn thương. Và hậu quả là không chỉ bị rối loạn đồng hồ sinh học mà teen tụi mình cũng dễ dàng vướng phải trí nhớ thua cả “cá vàng” vì tế bào não ở vùng hồi hải mã (hippocampus) không thể sắp xếp và tái lập thông tin được ghi nhận trong ngày nữa.

“Bắt bài” muôn kiểu “chống chế” của “hội cú đêm”

#chống_chế_1: Tối không ngủ thì trưa ngủ thôi. Cơ thể “nghỉ phép” một ngày cũng chẳng có hại gì.

Sự thật là: “Tối kiến” thức tới sáng rồi lại ngủ tới trưa, tiết kiệm ăn sáng thành ăn trưa nghe có vẻ “hấp dẫn”, thực ra làm cơ thể rối keng xà beng. Hậu quả là sau này, cơ thể sẽ “mặc định” sáng mà cứ tưởng tối nên ngủ li bì, đến tối mắt lại sáng như sao ban ngày và không thể ngủ được nữa.

#chống_chế_2: Hôm nay không ngủ đủ 8 tiếng thì ngày mai ngủ 10 tiếng. Cộng trừ tới lui là đủ số!

Sự thật là: Ngủ quá nhiều (hơn 10 giờ) cũng có hại giống như ngủ ít hơn 6 giờ mỗi ngày. Theo tờ Prevention, dành thời gian dài nằm trên giường làm chậm lưu thông máu tới các cơ quan và ảnh hưởng tới lượng đường huyết, làm tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường theo cấp số nhân đấy!

#chống_chế_3: Mất ngủ thì cứ tập thể dục thật nhiều. Đến tối cơ thể “mệt mỏi” là sẽ ngủ ngon lành.

Sự thật là: National Sleep Foundation đã khẳng định rằng tập thể dục hàng ngày sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, khi vận động quá số lần cho phép thì hoóc-môn adrenaline được sinh ra nhiều khiến tim bạn đập nhanh nên cứ đến khuya chẳng những không thể ngủ mà sẽ trở thành “cú đêm” chính hiệu đấy!

Đã đến lúc “tái lập trình” giấc ngủ

Có bao giờ bạn rơi vào trường hợp muốn ngủ mà không thể nào ngủ được hay đã ngủ từ sớm nhưng sáng ra vẫn lờ đờ, uể oải hay chưa? Thật ra không chỉ hội “cú đêm” mà ngay cả những ai siêng năng “ngủ sớm, dậy sớm” cũng thường xuyên gặp “trục trặc” trong việc có được một giấc ngủ ngon đấy! Và theo The Mirror, đó là vì chúng ta chưa tận dụng chu kì ngủ một cách chính xác mà thôi.

Thật ra, giấc ngủ bao gồm nhiều chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài 90 phút với 5 giai đoạn. Sẽ mất trung bình 14 phút để bắt đầu rơi vào giai đoạn 1 - mơ màng và chuyển dần đến giai đoạn 5 là khi ta mơ nhiều nhất. Dựa vào nghiên cứu trên, các chuyên gia sức khỏe đã đưa ra công thức tính toán thời gian thức giấc sao cho mình tỉnh giấc vào thời điểm chuyển giao chu kỳ ngủ. Ví dụ:

Muốn dậy vào 6h sáng, bạn nên đi ngủ vào lúc 20h46, 22h16, 23h46 hoặc 1h16.

Muốn dậy vào 7h, bạn nên lên giường lúc 21h46, 23h16, 0h46 hoặc 2h16.

Muốn dậy vào 8h, bạn nên đi ngủ vào lúc 22h46, 0h16, 1h46 hoặc 3h16.

Ngoài ra, tăng cường hoóc-môn metanolin từ các loại thực phẩm như chuối, hạnh nhân, trà hoa cúc và các sản phẩm từ sữa sẽ giúp bạn ngon giấc hơn đấy!

Baroque, Alpha hay Belta… đều là nhạc nhẹ, kích thích não bộ ngủ ngon và là một phương pháp chống “xì-trét” hiệu quả. Bạn cũng có thể tải các app như: Lost Sleep Calculator; Sleep Genius hay White Noise. Các app này sẽ đề xuất các cách đi vào giấc ngủ sâu hơn hay đơn giản là giúp bạn bình tâm lại để thư giãn đó!

Được ngủ là một trong những điều hạnh phúc nhất thế gian, đừng vì một lý do gì mà bỏ qua “em í” khiến bạn rơi vào tình trạng thiếu ngủ. Vì chúng là cánh cửa giúp bạn đến với “giấc mộng thần tiên” mang tên ngày tựu trường cơ mà!

GAO TRẮNG - NGÂN HỒ - CHÍ CƯỜNG

tuần san hoa học trò

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/hht-cam-nang-teen/ban-se-khong-con-muon-lam-cu-dem-nua-khi-biet-thuc-khuya-co-hai-co-nao-1612200.tpo