Bạn sẽ thế nào nếu tuổi thơ bị cha mẹ 'ghẻ lạnh'?
Sự từ chối tình cảm của cha mẹ thời thơ ấu có đang phủ một bóng đen đáng ngại lên cuộc sống trưởng thành của bạn?
Bị cha mẹ hắt hủi trong những năm tháng đầu đời là một trong những trải nghiệm đau thương nhất cuộc đời. Chúng ta tin rằng cha mẹ có thể mang đến sự an toàn và hạnh phúc cho mình, và khi cha mẹ xa cách, niềm tin này sẽ bị phá vỡ, chúng ta buộc phải đối mặt với thực tế về sự từ chối tình cảm của cha mẹ.
Sự từ chối tình cảm của cha mẹ thường được thể hiện qua việc bác bỏ, xa cách cảm xúc, làm tổn thương, mắng nhiếc, thái quá, thái độ thù địch, xâm phạm, vô cảm, thiên vị và thiếu quan tâm…
Việc trẻ em tìm kiếm sự công nhận từ cha mẹ là điều tự nhiên và khi chúng phải đối mặt với sự từ chối của cha mẹ, chúng sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa để giành được sự chấp thuận của cha mẹ, và thường sự cố gắng này ít khi được đền đáp.
Nếu bạn đã từng phải chịu đựng sự hắt hủi của cha mẹ khi còn nhỏ, rất có thể bạn đã hình thành một số niềm tin ăn sâu vào bản thân và điều này gây bất lợi cho lòng tự trọng của bạn. Bạn thậm chí có thể không nhận thức được nhưng những hệ thống niềm tin này có thể có tác động lâu dài đến cả khi bạn bước vào tuổi trưởng thành.
7 ảnh hưởng lâu dài của sự từ chối của cha mẹ
1. Bạn luôn có những giả định tiêu cực
Những suy nghĩ tự động đến với tâm trí chúng ta cho thấy niềm tin của chúng ta và cách tâm trí của chúng ta nhìn nhận bản thân và những người xung quanh. Ví dụ, sau khi gặp một người bạn mới, loại suy nghĩ nào sẽ xuất hiện trong đầu bạn? Bạn có vô tình tự hỏi “Tại sao một người thú vị như họ lại thích mình?” hay “Tôi cá là họ có động cơ”?
Đây là những suy nghĩ tự động tiêu cực đã phát triển từ thời thơ ấu của bạn do bị cha mẹ từ chối và nếu không được kiểm soát, chúng có thể hủy hoại các mối quan hệ của bạn.
2. Bạn không để mọi người bước vào cuộc sống của bạn
Bạn có thường thấy mình từ chối những lời đề nghị ra ngoài và gặp gỡ mọi người không? Nếu bạn có xu hướng tránh kết nối với mọi người, thì đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự từ chối của cha mẹ đang ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
Bạn trốn tránh các mối quan hệ thân thiết vì trong tiềm thức bạn tin rằng đó là cách duy nhất để cứu bản thân khỏi bị tổn thương và không bị từ chối thêm nữa.
3. Bạn không dễ dàng thỏa hiệp
Do bị cha mẹ từ chối tình cảm, bạn phải học cách tự dựa vào chính mình khi còn rất nhỏ. Bạn cảm thấy bất an và không thể tin tưởng bất cứ ai. Điều này cuối cùng khiến bạn trở nên độc lập nhưng cô đơn.
Khi đã trưởng thành, bạn tập trung nhiều hơn vào bản thân và ít quan tâm đến cảm xúc của người khác, điều đó khiến bạn khó phát triển các kỹ năng như thỏa hiệp. Đây vốn là điều rất quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào.
4. Bạn đấu tranh với việc phải làm hài lòng người khác
Một trong những dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của việc bị cha mẹ từ chối khi còn nhỏ là bạn luôn cố gắng làm hài lòng người khác. Bạn phải chứng minh giá trị của mình và đấu tranh để khiến bố mẹ chú ý đến bạn. Và khi trưởng thành, bạn buộc phải cố gắng làm hài lòng mọi người bằng cách bỏ qua nhu cầu của bản thân, điều này cho thấy bạn vẫn đang mang theo những tổn thương thời thơ ấu.
5. Bạn không thể tin tưởng người khác
Do sự từ chối của cha mẹ, bạn không thể cởi mở khi còn nhỏ. Cha mẹ bạn đã dập tắt mọi biểu hiện nhu cầu tình cảm của bạn và do đó bạn trở nên cảnh giác khi chia sẻ cảm xúc của mình với bất kỳ ai. Khi trưởng thành, bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ những điểm yếu của mình với bạn đời hoặc bạn bè.
6. Bạn cảm thấy nghi ngờ bản thân
Bị cha mẹ từ chối và phớt lờ tình cảm sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân của đứa trẻ. Đứa trẻ bị hắt hủi bắt đầu tin rằng chúng không xứng đáng được yêu thương và có điều gì đó không ổn ở chúng. Nếu không có liệu pháp hoặc bất kỳ sự can thiệp nào khác, kiểu suy nghĩ này có thể kéo dài đến cả cuộc đời trưởng thành của họ.
Nếu bạn luôn băn khoăn liệu mình có đủ tốt với đối phương hay liệu bạn bè có thực sự quan tâm đến mình hay không, thì bạn đang cảm thấy bất an trong các mối quan hệ của mình. Bạn cũng có thể lo lắng rằng những người thân yêu của bạn sẽ rời bỏ bạn sớm hay muộn. Nỗi sợ bị bỏ rơi này rõ ràng bắt nguồn từ trải nghiệm thời thơ ấu của bạn khi bị cha mẹ từ chối.
7. Bạn cảm thấy khó yêu thương và chăm sóc
Cha mẹ bạn đã không cung cấp cho bạn tình yêu thương, sự chăm sóc và nuôi dưỡng khi bạn cần họ nhất. Có thể họ đã trốn tránh trách nhiệm làm cha mẹ hoặc bản thân họ không biết cách hỗ trợ con cái về mặt tình cảm. Và nó khiến cho bạn khó có thể tìm ra cách để trao đi tình yêu và sự quan tâm tới những người khác, bởi bạn chưa bao giờ nhận được điều đó.
Làm thế nào để vượt qua tổn thương từ sự từ chối của cha mẹ ngày còn nhỏ?
Tổn thương tinh thần do cha mẹ độc hại, xa cách và hắt hủi gây ra sẽ không dễ dàng biến mất. Nhưng bạn có thể chữa lành khỏi những cảm xúc tiêu cực này nếu bạn chuyên tâm giải quyết những bất an và đào sâu vào tiềm thức của mình.
Bạn có thể tìm kiếm liệu pháp hoặc nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy hoặc bạn đời của bạn để loại bỏ những ảnh hưởng lâu dài của sự từ chối của cha mẹ. Hãy kiên nhẫn với chính mình và thực hiện những bước nhỏ để hướng tới một cuộc sống viên mãn hơn.
Dưới đây là một số cách giúp bạn có thể vượt qua được những tổn thương do sự từ chối của cha mẹ gây ra:
- Hãy là cha mẹ của chính bạn và đối xử với bản thân theo cách bạn muốn được đối xử khi còn nhỏ.
- Thay vì chạy trốn khỏi tổn thương, hãy xem xét nội tâm và phân tích những bất thường trong mối quan hệ của bạn với cha mẹ.
- Đừng kìm nén cảm xúc.
- Đừng tự trách mình.
- Chủ động tạo ra những kết nối mới sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của bạn.
- Đặt ra những ranh giới nghiêm ngặt nhưng lành mạnh để cha mẹ bạn không thể thao túng cuộc sống trưởng thành của bạn.
- Cố gắng xác định các kiểu hành vi thao túng hoặc độc hại của cha mẹ bạn.
- Tìm kiếm liệu pháp hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe tinh thần.