'Bàn tay ta làm nên tất cả'

Thời tiết năm nay thật lạ! Sau Tết chẳng phải là những màn mưa bụi bay lất phất mà là liên tiếp những cơn mưa rào tầm tã. Chờ mãi một ngày cuối tuần trời cũng chịu 'vén' màn mây u ám, mặt đường se se, tôi cho xe chạy chầm chậm theo hướng Nam Hòa, Văn Hán (Đồng Hỷ) vượt Đèo Nhâu sang Liên Minh, Tràng Xá, Dân Tiến (Võ Nhai).

Người dân xóm Cầu Mai, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) thu hái chè xuân.

Người dân xóm Cầu Mai, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) thu hái chè xuân.

Dọc 2 bên đường, những cây hoa đào vẫn đang bung hoa khoe sắc, những bông chít nở đúng tầm đang được vài người đi ngắt về làm chổi. Nhiều nương chè đang được đốn ngọn bằng những chiếc cưa máy chạy xăng kêu vè vè. Đang láo liên, ánh nhìn của tôi bị hút chặt vào bãi chè với tua tủa những búp non mới nhú lên khỏi tán lá già bằng chằn chặn. Thú vị hơn nữa là ở đó có tới khoảng 20 người vừa hái chè vừa chuyện trò rôm rả.

Bà Hoàng Thị Bẩy, xóm Cầu Mai, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) chủ nhân của vườn chè cho biết: Tiền công hái mỗi cân chè mặt (lứa chè đầu tiên sau khi đốn thường chỉ có vào vụ xuân) là 10.000 đồng thay vì 6.000-7.000 đồng như chè chính vụ. Người nhanh tay, mỗi ngày cũng hái được 20-25kg, tương ứng với 200.000-250.000 đồng tiền công. Chè mặt, ngọn còn nhỏ và thưa nên cần rất nhiều nhân lực mới có thể thu hái xong để kịp giao cho thương lái trong ngày. Đây là thời điểm chè rất hiếm nên các thương lái “lùng sục” tìm từng bãi chè để đặt mua. Cũng bởi thế, nhiều người chọn cách bán chè tươi, với giá bán mỗi kg từ 50.000 - 60.000 đồng. Bình quân mỗi lứa chè đầu xuân cũng giúp người trồng chè ở Văn Hán thu về cả chục đến vài chục triệu đồng.

Vui lây với niềm vui của người làm chè ở xóm Cầu Mai, tôi tiếp tục lên đường. Vượt qua Đèo Nhâu, qua Liên Minh đến Tràng Xá, không còn thấy những nương chè với đầy đủ hệ thống phun tưới tự động như ở Văn Hán, tôi phóng tầm mắt ra xa bắt gặp những mảng màu xanh của rừng keo xen lẫn bạch đàn. Đi thêm chút nữa, tôi lạc đến miền Đông Bo với bạt ngàn cây ăn quả, trong đó có quả bưởi Võ Nhai đã nức tiếng xa gần. Trên lưng đồi xa xa, cạnh những tảng đá xám ngoét xen kẹt với đất hình như có bóng người đang lom khom tra hạt. Tiến lại gần, thì ra bà con đang cuốc hố, tra hạt bí. Cái cuốc chỉ to bằng nửa bàn tay người lớn, cán dài chừng 50cm cứ liên tục vung lên, hạ xuống tạo ra những hố chỉ đủ rộng để tra hạt giống vào. Trên mặt nương vẫn còn vương vãi thân cây ngô khô được trồng từ vụ trước.

Bà Nguyễn Thị Tám, xóm Thắng Lợi, xã Tràng Xá bật mí: Mấy năm nay, người dân ở đây biết trồng loại bí Cô Tiên này lãi lắm. Năm 2019, riêng một vụ bí nhà tôi thu được 300 triệu đồng đấy, mà năm ngoái trồng còn ít hơn năm nay. Vụ này tôi trồng 300 gói hạt, mỗi gói có 100 hạt. Ngoài hạt giống, gia đình đầu tư phân bón và công không hết bao nhiêu. Thấy hiệu quả của giống bí này nên người nọ học người kia, giờ trong xóm nhiều nhà trồng lắm. Người dân ở mấy xóm khác cũng đang trồng theo. Bà Tám mong xóm Thắng Lợi và những vùng lân cận có thể hình thành được vùng nguyên liệu cung cấp bí Cô Tiên đủ để các công ty lớn về bao tiêu sản phẩm. Như vậy, chuyện được mùa, mất giá sẽ không còn là cái vòng luẩn quẩn ám ảnh của nhà nông. Rõ ràng đó là những suy nghĩ tiến bộ của những “chủ nhân” nông thôn mới.

Anh Mông Văn Thư, xóm Đồng Rã, xã Dân Tiến (Võ Nhai) chăm sóc vườn bưởi 4 năm tuổi của gia đình.

Anh Mông Văn Thư, xóm Đồng Rã, xã Dân Tiến (Võ Nhai) chăm sóc vườn bưởi 4 năm tuổi của gia đình.

Cách đây không xa, Dân Tiến vẫn được biết đến là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai. Nhưng những cung đường dốc, quanh co nay đã dễ đi hơn nhiều nhờ được bê tông hóa. Sự đổi thay trong đời sống của người dân đã trở nên rõ nét. Những khoảng đất trống trước đây bị bỏ hoang vì cẵn cỗi giờ đây đã ít hơn rất nhiều, thay vào đó là những hàng keo vươn lên thẳng tắp. Ngay cả những ô ruộng nhỏ đến mức người nông dân còn không kịp hô hết câu “bặt, diện” thì đầu của con trâu đã chạm đến bờ cũng đang được bà con lấy nước, đổ phân chuẩn bị cấy lúa.

Tôi dừng lại trước một vườn bưởi đang trổ hoa trắng muốt. Thân cây được quét vôi trắng tinh phòng sâu bệnh, cành cây được vít xuống bởi những chiếc dây cước để tạo tán, không cho cành vươn cao. Người đàn ông chạc 30 tuổi đang bón phân cho từng gốc cây. Người đàn ông đẩy xe rùa chạy băng băng, luồn lách qua từng cây, số phân hữu cơ trên mỗi chiếc xe rùa anh chia ra đổ vào 2 - 3 gốc. Hỏi chuyện, tôi được biết anh tên Mông Văn Thư, công dân xóm Đồng Rã. Xuân mới, anh Thư cũng tràn trề hy vọng, 200 gốc bưởi Diễn này năm nay sẽ giúp anh thực hiện được mong muốn kiến thiết lại nhà cửa và mua sắm thêm những vật dụng hiện đại hơn cho gia đình.

Cảnh vật và không khí lao động hăng say của những con người đã gặp khiến tôi mải mê tận hưởng nguồn năng lượng tích cực từ họ, trời đã xâm xẩm tối từ lúc nào không hay. Tôi trở về mang theo những dự cảm tốt lành về những vụ mùa bội thu dành cho những người nông dân vốn tần tảo nhưng luôn đầy ắp khát vọng vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương.

Kim Ngân

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/%E2%80%9Cban-tay-ta-lam-nen-tat-ca%E2%80%9D-269277-85.html