Bạn thân tiết lộ về 'con người thật' của nhạc sĩ Phú Quang
Sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang khiến những người ở lại như nhà thơ Thái Thăng Long, NSƯT Trần Ly Ly, ca sĩ Tấn Minh, Minh Chuyên không khỏi xót xa và chạnh lòng. Sâu thẳm trong trái tim, hình ảnh của cố nhạc sĩ luôn hiện hữu với những gì đẹp đẽ và đáng trân trọng nhất.
Người thầy, người cha đáng kính
Tại lễ tang của nhạc sĩ Phú Quang diễn ra vào sáng 13/12, ca sĩ Tấn Minh, nghẹn ngào: "Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được đồng hành với chú trong nhiều năm qua. Tôi cũng thấy rất may mắn vì trong sự nghiệp âm nhạc của mình có thể gặp được chú Quang- người mà tôi có thể hiểu được mọi tâm tư, tình cảm trong các tác phẩm của ông.
Quan trọng nhất là âm nhạc của chú phù hợp với nghệ sĩ như tôi. Cũng chính vì sự phù hợp đó mà tôi vô cùng yêu, yêu đến tận cùng các tác phẩm của chú Quang và tôi cũng hứa rằng tôi sẽ luôn hát những bài hát của chú, hát đến khi nào cảm thấy sức lực không còn hát được nữa thì thôi.
Tôi có thể ngồi hết ngày vẫn chưa thể kể hết những kỉ niệm với chú Quang, cũng như không biết bắt đầu và kết thúc ở đâu nếu như kể lại. Nhưng chắc chắn một điều rằng tôi vô cùng yêu chú kể cả trong âm nhạc cũng như trong đời sống. Bởi vì chúng tôi không đơn thuần là nghệ sĩ, đồng nghiệp với nhau nữa mà là tình thân, tình thương. Cả tôi và chú không dễ dàng gì có thể kiếm được một người mà mình có thể đủ tin tưởng để chia sẻ tất cả mọi thứ”.
Cũng theo người học trò “cưng” của cố nhạc sĩ Phú Quang, mặc dù anh hát nhạc Phú Quang từ nhỏ nhưng chưa bao giờ thấy nhạc của ông cũ cũng như chưa bao giờ thấy âm nhạc của ông nhàm chán. Tấn Minh thấy đó là sự may mắn, bởi không phải nghệ sĩ nào cũng gặp được tác phẩm mình yêu mến để có thể giữ được lửa như vậy. Trên thực tế, Tấn Minh thừa nhận cái gì anh không yêu thì sẽ nhanh chán, nhưng với riêng âm nhạc của Phú Quang anh dù đã hát cả ngàn lần vẫn thấy mới mẻ.
“Âm nhạc của chú Phú Quang dù đau đớn đến tận cùng thì vẫn luôn có một lối thoát chứ không bế tắc. Âm nhạc của chú là sự xâu chuỗi những câu chuyện của chú, của những người chú thân, chú yêu”, ca sĩ Tấn Minh khẳng định.
Ca sĩ Minh Chuyên rơi nước mắt: “Những ngày qua, mỗi khi nghĩ đến chú Phú Quang là tôi không ngăn nổi nước mắt. Mặc dù là ca sĩ thế hệ sau nhưng tình cảm tôi dành cho chú thì không thể đong đếm nổi. Lúc nhìn chú nằm đó, bao người vây quanh mà tôi không kìm lòng được.
Với tôi, chú không chỉ là người thầy mà còn là người cha, là cây đại thụ trong lòng nhiều người yêu nhạc. Không chỉ riêng tôi mà những người yêu Hà Nội, những người đàn bà đều tìm thấy mình trong những tác phẩm của chú. Do đó trong những đêm nhạc của chú Phú Quang, tôi đều đến sớm nhất và về muộn nhất. Thứ nhất là tôi muốn lắng nghe các anh, chị đi trước hát để xem mình học hỏi được những gì, thứ hai là tôi muốn gần chú nhiều hơn”.
Một Phú Quang xởi lởi, dí dỏm, thông minh và vì mọi người
Đã gần một tuần kể từ ngày tiễn đưa nhạc sĩ Phú Quang - người bạn, người tri kỉ, người anh em thân thiết - về cõi khác, nhà thơ Thái Thăng Long dường như vẫn chưa vơi bớt được những tiếng thở dài…
Ông tâm sự: “Trong âm nhạc và công việc, không ai có thể phàn nàn hay nói gì về Quang. Đối với tôi, Quang là người có tài hòa âm phối khí rất giỏi, phổ nhạc rất nhanh, có bài hát Quang chỉ cần hơn hai tiếng đồng hồ ngồi bên cây đàn piano đã hoàn thành.
Ấy là với bài 'Chiều phủ Tây Hồ'. Tôi còn nhớ đó là vào một buổi chiều đông tháng 12 năm 1993, giữa cái tiết trời se se lạnh và nắng đẹp, hai thằng mượn được chiếc xe máy đèo nhau ra phủ Tây Hồ chơi. Sau khi vào lễ xong, quay ra chúng tôi bắt gặp hình ảnh những cô gái mặc áo dài đi lễ chùa, tà áo bay bay trong gió khiến tôi “tức cảnh mà sinh thơ”. Quang cũng động viên bảo tôi viết thơ đi để cậu ấy phổ nhạc. Và thật ngạc nhiên là chỉ mấy ngày sau Quang phổ nhạc và thu cho Lê Dung hát luôn.
Với Quang, mỗi bài hát là một câu chuyện, một nỗi niềm, một góc nhỏ trong tim… giống như bài “Mơ về nơi xa lắm” là một tình yêu, một nỗi nhớ mà Quang dành cho ai đó và câu hát “Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm. Một Hà Nội ngây ngất nắng. Một Hà Nội run run heo may…” nói thay lòng Quang”.
Cũng theo lời nhà thơ, từ khi quen biết cố nhạc sĩ Phú Quang, ông biết bạn thân của mình có rất nhiều trăn trở và ước muốn về công việc, về cuộc sống… “Đơn cử như giữa chúng tôi còn lời hẹn về một chương trình 3 đêm diễn mang tên “Thái Thăng Long và Phú Quang” mà Quang đã ấp ủ từ năm 2013. Nhưng lúc ấy tôi cứ bảo Quang là đợi phổ thêm mấy bài nữa để làm cho “chín”, rồi mấy năm sau Quang cũng nhắc tôi suốt. Đến bây giờ thì có lẽ điều đó sẽ mãi là dự định giữa hai chúng tôi mà thôi”, Thái Thăng Long ngậm ngùi kể.
Tâm sự về tính cách của người bạn vừa rời cõi tạm, nhà thơ cho biết trong cuộc sống, cố nhạc sĩ Phú Quang đối đãi với bạn bè vô cùng rộng rãi và xởi lởi, khi đi cà phê hay lúc ăn uống cũng đều giành phần trả hết. Thậm chí khi bạn túng thiếu Phú Quang không nề hà ngỏ lời giúp đỡ, thấy bạn thích đồng hồ cũng muốn đưa cái của mình cho bạn dùng.
“Ở Hà Nội, Quang có một phòng làm việc mà hầu như không ai được vào, đó là căn phòng rất đặc biệt, trong đó có cây đàn piano và các bản thảo nhạc mà Quang vô cùng trân trọng, yêu thương và giữ gìn. Tuy nhiên khi nào tôi đến nhà, Quang cũng đặc cách kéo tôi lên căn phòng đó để kể chuyện rồi cho xem những tẩu thuốc lá, những đồng hồ mà cậu ấy sưu tầm được…”, nhà thơ Thái Thăng Long tiết lộ.
Trong khi đó, nhắc đến nhạc sĩ Phú Quang, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, nơi nhạc sĩ Phú Quang từng gắn bó cả tuổi thanh xuân, NSƯT Trần Ly Ly tiết lộ ngoài đời, nhạc sĩ Phú Quang còn là một con người rất thông minh, dí dỏm và sống vì mọi người.
"Bởi ông có lẽ là một trong số ít người dám đấu tranh cho những nghệ sĩ khác, đòi quyền lợi cho họ. Đúng là hiếm có người nghệ sĩ nào thông minh và sâu sắc như nhạc sĩ Phú Quang”, chị khẳng định.