Bán 'thuốc giảm béo' làm hơn 500 người tử vong, 'gã khổng lồ' dược phẩm Pháp bị phạt nặng
Ngày 20/12, Tòa phúc thẩm Paris đã giữ nguyên phán quyết về tội 'lừa đảo nghiêm trọng' và 'ngộ sát' đối với hãng dược Servier của Pháp, đưa ra mức phạt hơn 430 triệu euro. Servier cho biết họ sẽ kháng cáo lên Tòa án tối cao Pháp.
Theo Guardian, một loại thuốc trị tiểu đường của hãng dược Servier từng bị lạm dụng làm thuốc giảm cân, từ năm 1976 đến 2009 có tới 5 triệu người dùng loại thuốc này. Bộ Y tế Pháp phát hiện có ít nhất hơn 500 người đã chết vì bệnh van tim do tiếp xúc với thành phần hoạt tính của nó.
Kể từ đầu năm nay, những "thần dược giảm cân" như Semaglutide và Liraglutide thường xuyên được nhắc đến. Giống như Mediator (tên thông dụng: Benfluorex) của Servier, mục đích ban đầu của việc phát triển "loại thuốc giảm cân thần kỳ" này là điều trị bệnh tiểu đường.
Thông tin này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho người dùng, loại “thần dược giảm cân thần kỳ” được giới yêu cái đẹp săn lùng có thể không an toàn như những gì được đăng tải trên mạng xã hội.
Dược phẩm có ba phần độc hại, khi thuốc bị lạm dụng và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho công ty sản xuất thì rủi ro cũng đi kèm theo.
Thuốc hạ đường huyết Mediator bị lạm dụng làm thuốc giảm béo (Ảnh: Sina)
Công ty dược phẩm phạm tội lừa đảo và ngộ sát
Vụ Mediator là một trong những bê bối y tế nghiêm trọng nhất ở Pháp trong những năm gần đây. Loại thuốc này được Servier, tập đoàn dược phẩm lớn thứ hai của Pháp phát triển dưới dạng thuốc hạ đường huyết và có mặt trên thị trường từ năm 1976 đến tháng 11/2009.
Trong thời gian tiếp thị, Mediator được bán dưới dạng thuốc chống tiểu đường, nhưng trên thực tế, nó được lạm dụng rộng rãi như một loại thuốc giảm cân vì nó ức chế cảm giác thèm ăn.
Thành phần chính của Mediator là Benfluorex, không chỉ được sử dụng làm thuốc điều trị chính cho người béo phì mắc bệnh tiểu đường mà còn được coi là thuốc ức chế thèm ăn hiệu quả trong điều trị bệnh nhân béo phì không mắc bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, Mediator đã bị chính quyền Pháp cấm sử dụng vào năm 2009 sau khi phát hiện ra thành phần này gây dày van tim và dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.
Một nghiên cứu năm 2010 của Quỹ Bảo hiểm Y tế Quốc gia Pháp ước tính rằng bệnh nhân tiểu đường sử dụng thuốc Mediator có nguy cơ mắc bệnh van tim cao gấp 4 lần so với những bệnh nhân khác.
Theo báo Le Monde của Pháp, hầu hết nạn nhân sử dụng thuốc này đều không mắc các bệnh như tiểu đường. Có thể nói, 3/4 số nạn nhân sử dụng nó để giảm béo.
Stephanie, một trong những nguyên đơn, cho biết bà đã dùng thuốc này trong ba năm trước khi được chẩn đoán mắc bệnh tim vào năm 2009. Theo AFP, nhiều nạn nhân là bên nguyên kiện Servier đã thở hổn hển và hụt hơi khi phát biểu trước tòa vì bệnh tim.
Điểm gây tranh cãi trong vụ việc này là Servier có hay không tiếp tục bán thuốc để kiếm lợi nhuận khổng lồ khi biết thuốc có tác dụng phụ nghiêm trọng?
Các nhà điều tra Pháp cho rằng Servier trong nhiều năm đã cố tình che giấu những rủi ro do loại thuốc này gây ra. Các trường hợp mắc bệnh tim đầu tiên liên quan đến thuốc này được báo cáo vào năm 1999, tức 10 năm trước khi loại thuốc này bị thu hồi.
Mediator bị cấm ở Mỹ và nhiều nước châu Âu nhưng vẫn được bán và sử dụng ở Pháp
(Ảnh: Sina).
Mediator bị liệt vào danh sách thuốc bị cấm ở Mỹ và nhiều nước ở lục địa Châu Âu, nhưng nó vẫn tiếp tục được bán ở Pháp trong suốt 10 năm. Servier và cựu CEO công ty là Jean-Philippe Seta tuyên bố cho đến khi Mediator bị thu hồi vào năm 2009, họ không hề biết loại thuốc này nguy hiểm.
Các luật sư tham gia vụ kiện cho rằng Servier cố tình đánh lừa bệnh nhân và cáo buộc công ty kiếm được ít nhất 1 tỉ euro từ việc này. Theo AFP, một số chuyên gia Pháp cho rằng số người chết thực tế vì Mediator lên tới 2.100.
Việc thuốc trị tiểu đường bị sử dụng làm thuốc giảm béo và gây tử vong, làm dấy lên mối lo ngại về tính an toàn của thuốc trị tiểu đường dùng để giảm cân.
Servier, công ty liên quan đến vụ việc, cho rằng bất kỳ loại thuốc nào cũng sẽ có tác dụng phụ. Cái gọi là số ca tử vong do uống thuốc giảm béo Mediator chỉ là suy luận phóng đại và không thể kiểm chứng.
Tháng 3/2021, Tòa án Hình sự Paris ở Pháp đã kết án hãng Servier phạm tội ngộ sát, lừa dối nghiêm trọng và vô ý gây hại, phạt 2,7 triệu euro và yêu cầu bồi thường cho các nạn nhân, Servier đã kháng cáo.
Ngày 20/12/2023, Tòa phúc thẩm Paris đã giữ nguyên phán quyết về tội “lừa đảo nghiêm trọng” và “ngộ sát” đối với hãng dược phẩm Servier, đồng thời đưa ra mức phạt tổng cộng hơn 430 triệu euro. Servier cho biết họ sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao.
Ngoài khoản tiền phạt đối với công ty, cựu CEO, Phó chủ tịch công ty Jean-Philippe Seta còn bị kết án 4 năm tù hoãn thi hành. Ngoài ra, cơ quan quản lý dược phẩm ANSM của Pháp còn bị phạt hơn 300.000 euro vì lơ là quản lý giám sát.