Bán thuốc qua mạng 'nghe rất hiện đại nhưng cực kỳ nguy hiểm'

Dự thảo Luật Dược sửa đổi bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM Nguyễn Tri Thức phát biểu tại tổ. Ảnh Duy Linh.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM Nguyễn Tri Thức phát biểu tại tổ. Ảnh Duy Linh.

Đó là nhận định của đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM khi tham gia thảo luận tổ về Dự thảo Luật Dược sửa đổi (Dự thảo) chiều 18/6 tại Quốc hội.

Lần sửa đổi này, Dự thảo bổ sung quy định kinh doanh các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng.

Cơ sở kinh doanh dược được đăng tải các thông tin của thuốc phù hợp với quy định về thông tin thuốc và quảng cáo thuốc trên phương tiện kinh doanh thương mại điện tử.

Các cơ sở này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp, trung thực của các hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.

Dự thảo luận cũng quy định “không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác”.

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến quy định cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Nói rõ “không bao giờ ủng hộ” bán thuốc qua mạng, đại biểu Thức nêu câu chuyện thực tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đó là, do bệnh nhân chờ nhận thuốc Bảo hiểm y tế quá lâu, có khi tới 5-6 ngày, Bệnh viện đã có sáng kiến chuyển thuốc tới tận nhà cho bệnh nhân. “Tuy nhiên, khi triển khai, chưa nói tới chuyện vận chuyển trong thời tiết mưa gió, đã có trường hợp người giao thuốc đổi thuốc của bệnh nhân. Thuốc xịn bị đổi thành loại thuốc cùng hoạt chất nhưng giá thành rẻ hơn. Sau một tuần, Bệnh viện đã phải dừng ngay việc này”.

Việc bán thuốc qua mạng “nghe rất hiện đại nhưng cực kỳ nguy hiểm”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhấn mạnh.

Cùng đoàn TP.HCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan dẫn số liệu của một số quốc gia, theo đó, 75% thuốc phân phối qua mạng là thuốc kém chất lượng và thuốc giả. Tại Việt Nam, việc quản lý chất lượng thuốc đối với các nhà thuốc lớn còn tồn tại nhiều khó khăn, do đó, làm thế nào để quản lý bán thuốc trên mạng không phải là điều dễ dàng.

Bà Lan nhận xét, quy định về vấn đề này trong dự thảo luật còn quá đơn giản, rời rạc, cần phải đầu tư nghiên cứu thêm, nếu không hậu quả sẽ rất... khó lường.

“Nếu không quản lý chặt, chúng ta sẽ thả gà ra đuổi. Mà “gà” ở đây chính là tính mạng của người dân”, nữ đại biểu nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề xuất không đưa thuốc kê đơn vào danh mục thuốc được bán qua sàn thương mại. Với thuốc không kê đơn, phải có quy định chặt chẽ, tổ chức trong khuôn khổ an toàn và trật tự hơn.

Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) thì cần thiết quy định phương thức kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tạo hành lang pháp lý cho việc điều chỉnh, giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh. Mặt khác, bán thuốc qua nền tảng điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thuốc dễ dàng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, theo đại biểu là phải đảm bảo an toàn sức khỏe, phải có đơn của bác sĩ đối với thuốc kê đơn, người mua được tư vấn và theo dõi các phản ứng có hại của thuốc…

Nhưng, dự thảo Luật hiện chưa có quy định thật cụ thể về điều kiện đối với sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh dược, chưa rõ về cách thức tiến hành, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc…

Vị đại biểu Ninh Bình cho rằng, thuốc là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Do đó, việc cho phép bán thuốc qua nền tảng thương mại điện tử cần được kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động cụ thể, đầy đủ.

Bà Thanh đề nghị, Dự thảo cần quy định cụ thể, chặt chẽ về phương thức kinh doanh mới này, cân nhắc kỹ dựa trên cơ sở đánh giá lợi ích và rủi ro, hậu quả đối với người bệnh khi mua thuốc trực tuyến; đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước và nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới.

Việc cho phép bán thuốc qua thương mại điện tử cần được kiểm soát chặt chẽ. Mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng và phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sỹ và được tư vấn dược đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc (ADR), đại biểu Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) nêu ý kiến.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ban-thuoc-qua-mang-nghe-rat-hien-dai-nhung-cuc-ky-nguy-hiem-d217961.html