Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng phát triển KT-XH

Ngày 26/12, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì Hội nghị của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy cho ý kiến vào một số nội dung trong công tác chỉ đạo đền bù giải phóng mặt bằng, phát triển nông nghiệp, tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường (BVMT) của tỉnh.

Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận hội nghị.

Các đại biểu thống nhất đánh giá: Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 20/5/2003 của BTV Tỉnh ủy và 5 năm thực hiện Kết luận số 140-KL/TU, ngày 13/10/2014 của BTV Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32 về công tác GPMB đang đi vào cuộc sống. Các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể CT-XH các cấp đã nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Tỉnh ủy. Trong 16 năm qua, toàn tỉnh đã hoàn thành công tác bồi thường, GPMB đối với 1.154 dự án; thực hiện thu hồi trên 3.000 ha đất các loại của 187 tổ chức và 28.915 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; tổng kinh phí hỗ trợ, bồi thường đã chi trả là trên 3.036 tỷ đồng; bố trí tái định cư cho hơn 1.800 hộ. Những năm gần đây, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo về bồi thường, GPMB giảm đáng kể. Tỉnh đã làm tốt công tác GPMB, đưa một số dự án trọng điểm vào khai thác như: Dự án đường Hồ Chí Minh đi qua các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy; dự án đường dây 500 KV Nho Quan - Hòa Bình - Sơn La đi qua các huyện Yên Thủy, Tân Lạc, Cao Phong, TP Hòa Bình, Mai Châu; Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình… Mặc dù vậy, việc triển khai công tác bồi thường, GPMB của một số dự án còn chậm; công tác xử lý, giải quyết một số vướng mắc tại một số dự án còn chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ đặt ra...

Về Tờ trình báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, ngày 13/11/2014 của BTV Tỉnh ủy về đẩy mạnh việc phát triển hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng cánh đồng lớn và vận động người dân cải tạo vườn tạp. Các đại biểu đã đánh giá kết quả đạt được trong quá trình thực hiện, góp phần hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời, nêu lên một tố tồn tại như: Kinh tế nông nghiệp của tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, chất lượng sản phẩm nông sản chưa cao, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thị trường tiêu thụ, giá cả sản phẩm nông nghiệp không ổn định…

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 11, ngày 30/12/2006 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và BVMT đã tạo sự chuyển biến tích cực về công tác BVMT trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý Nhà nước về BVMT được củng cố. Nhiều chương trình, dự án về BVMT được quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, quan trắc môi trường được duy trì thường xuyên; số lượng cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giảm. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều bức xúc về vấn đề môi trường, ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng do áp lực từ rác thải sinh hoạt, chăn nuôi, chất thải từ sản xuất nông nghiệp… Một số mục tiêu đến năm 2020 khó đạt so với yêu cầu như: 85% các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 50% khu vực đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Sau 16 năm thực hiện Chỉ thị số 32 về công tác chỉ đạo bồi thường, GPMB đã đem lại những hiệu quả tích cực. Nhiều dự án được tập trung chỉ đạo làm tốt GPMB, đưa vào khai thác, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT-XH. Tuy nhiên, vẫn còn sự chậm chễ trong chỉ đạo công tác GPMB, là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật và công tác quản lý đất đai, đơn giá đền bù. Công tác tổ chức bộ máy còn bất cập. Năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, trung tâm phát triển quỹ đất, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhất trí xây dựng Chỉ thị của BTV Tỉnh ủy để tiếp tục tăng cường chỉ đạo về công tác GPMB. Theo đó, cần huy động hệ thống chính trị, xốc lại BCĐ công tác GPMB theo hướng rõ chức năng, nhiệm vụ BCĐ, người đứng đầu tham gia. Phân cấp mạnh cho cấp huyện để GPMB. Chỉ đạo ban hành khung giá đất mới phù hợp với thị trường, bảo đảm lợi ích người bị thu hồi đất. Tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý tốt quy hoạch, nhất là hành lang giao thông.

Đối với nội dung phát triển hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng cánh đồng lớn và vận động người dân cải tạo vườn tạp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo. Trong đó, chú trọng vào vấn đề mở rộng thị trường trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác; xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, làm điểm một số cánh đồng mẫu lớn, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, quan tâm quản lý giống, ứng dụng tiến bộ KHKT, phát huy hiệu quả kinh tế hợp tác, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn kết với thị trường và theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần thực hiện quản lý chặt chẽ hơn nữa công tác BVMT. Đặc biệt siết chặt, kiểm soát tốt ô nhiễm, BVMT; quản lý chặt chẽ khai thác khoáng sản, chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng được hệ thống quan trắc đồng bộ, hoàn chỉnh để quản lý về môi trường; chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật BVMT, giải quyết có hiệu quả các vấn đề về môi trường công nghiệp, môi trường nông thôn, gắn phát triển kinh tế với BVMT bền vững.

L.C

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/136474/ban-thuong-vu-tinh-uy-cho-y-kien-vao-nhieu-noi-dung-quan-trong-phat-trien-kt-xh.htm