Bàn tiếp việc quyết định hình phạt khi bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả
Theo các luật sư, việc không nộp lại tiền khắc phục hậu quả nên tăng nặng trách nhiệm hình sự là không phù hợp.
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án chuyến bay giải cứu đang được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử.
Trong vụ án này, nhiều bị cáo đang cố gắng nộp tiền khắc phục hậu quả với mong muốn nhận được mức hình phạt nhẹ nhất. Có ý kiến cho rằng, trong các vụ án tham nhũng nếu các bị cáo không nộp lại tiền thì nên tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS), còn nếu nộp lại thì tuyên án như bình thường hoặc có thể giảm nhẹ hình phạt.
Nêu ý kiến về quan điểm trên, LS Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng khắc phục hậu quả là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt này không thể bồi thường hay sửa chữa được. Đây là một tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS 2015.
Theo thống kê của đại diện VKS tại phiên tòa, tính đến ngày 17-7, nhiều bị cáo đã nộp lại số tiền hơn 100 tỉ đồng và 1,5 triệu USD, trong đó có nhóm bị cáo nhận hối lộ. LS Ý cho rằng cần làm rõ số tiền các bị cáo hoặc gia đình của các bị cáo nộp lại là nộp tiền khắc phục hậu quả hay nộp lại số tiền thu lợi bất chính?
Theo LS Ý, đối với nhóm các bị cáo bị xét xử về tội nhận hối lộ thì nếu họ nộp lại số tiền đã nhận hối lộ sau khi phạm tội thì việc nộp lại số tiền này (của hối lộ) được xác định là tiền thu lợi bất chính chứ không phải nộp lại là để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Do đó, họ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 là khắc phục hậu quả. Tuy nhiên khi lượng hình, tòa án có thể xem xét cho họ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 điều 51 BLHS (tình tiết giảm nhẹ khác các tình tiết được luật liệt kê).
Còn đối với các số tiền khác nếu nộp để khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt này không thể bồi thường hay sửa chữa được thì được xem là nộp tiền khắc phục hậu quả. Và đây là tình tiết giảm nhẹ TNHS tại điểm b khoản 1 điều 51 BLHS 2015.
Nêu thực tiễn, LS Ý cho biết trong việc xét xử các vụ án hình sự nói chung và các vụ án về nhóm tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ nói riêng thì nếu các bị cáo không nộp tiền khắc phục hậu quả thì họ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS nhưng họ cũng không bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng TNHS sự nào. Vì theo Điều 52 BLHS 2015 về các tình tiết tăng nặng TNHS không có tình tiết không nộp lại tiền thu lợi bất chính hay khắc phục hậu quả. Cạnh đó, nếu các bị cáo không nộp tiền khắc phục hậu quả hay tiền thu lợi bất chính thì quá trình thi hành án cũng không có cơ sở để xem xét giảm nhẹ thời hạn chấp hành án. Vì vậy, theo LS Ý về ý kiến nếu không nộp lại tiền khắc phục thì nên tăng nặng TNHS là không hợp lý.
Đồng tình, LS Phạm Tuấn Anh (Đoàn LS TP.HCM), cho biết tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả” được áp dụng chung cho mọi loại tội phạm và cho đến nay chưa có quy định tình tiết giảm nhẹ riêng nào cho tội phạm tham nhũng.
Do đó, LS Phạm Tuấn Anh cho rằng việc quy định riêng tình tiết nếu không nộp lại tiền khắc phục hậu quả thì sẽ bị tăng nặng TNHS cho tội phạm tham nhũng là không phù hợp.