Bản tin 14/8: Bộ GD&ĐT lọc 'ảo' nguyện vọng, thí sinh lưu ý gì?
Bộ GD&ĐT lọc 'ảo' nguyện vọng, thí sinh lưu ý gì?; Nguyên nhân khiến bà mẹ U60 quyết sinh con dù đã ở tuổi mãn kinh...
Tuyển sinh 2023: Bộ GD&ĐT lọc "ảo" nguyện vọng, thí sinh lưu ý gì?
Theo Tri Thức & Cuộc sống, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước bắt đầu lọc ảo, tổ chức xét tuyển đại học năm 2023 từ ngày 12/8 cho tất cả phương thức xét tuyển.
Việc lọc ảo, xử lý nguyện vọng của thí sinh sẽ được thực hiện 6 lần trên hệ thống và kết thúc vào chiều 20/8.
Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ chuyển kết quả lọc ảo nguyện vọng xét tuyển đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non cho các trường để sắp xếp, cân đối và chuẩn bị cho việc công bố điểm chuẩn trước 17h ngày 22/8.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi các cơ sở đào tạo về việc lưu ý trong triển khai công tác tuyển sinh đại học năm 2023.
Năm nay Bộ GD&ĐT lưu ý, tất cả thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống, thời gian từ ngày 22/8 đến trước 17h ngày 6/9/2023. Cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 22/8 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17h ngày 6/9 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài).
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo không được quy định, thông báo hoặc yêu cầu thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 trên hệ thống mới được xét tuyển (trừ trường hợp thí sinh đăng ký vào các cơ sở đào tạo công an, quân đội).
Cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định.
Trong đợt 1 đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng giáo dục mầm non năm nay, cả nước có hơn 660.000 thí sinh hoàn thành nhập nguyện vọng lên hệ thống. Tổng số nguyện vọng được các thí sinh đăng ký là hơn 3,4 triệu, trung bình mỗi thí sinh đăng ký hơn 5 nguyện vọng xét tuyển. Cũng có khoảng 292.000 em không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1 năm nay.
Dự kiến, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn đại học 2023 và kết quả xét tuyển trước 17h ngày 22/8.
Hiện trường vụ xe 45 chỗ va chạm với xe 16 chỗ, hàng chục người bị thương
Theo VOV, một vụ va chạm giữa xe khách 45 chỗ và xe khách 16 chỗ xảy ra tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai vào sáng 13/8 khiến hàng chục người bị thương.
Thông tin ban đầu khoảng 10h15 sáng 13/8, xe ô tô khách loại 45 chỗ mang BSK 25B-002.19 lưu thông trên quốc lộ 4D theo hướng Lai Châu - Sa Pa, khi bắt đầu qua ngã 3 vào đường tránh với thị xã Sa Pa (thuộc địa phận tổ 1, phường Ô Quý Hồ) thì va chạm với ô tô khách 16 chỗ BKS 27F-005.42 chạy trên Quốc lộ 4D từ phía Sa Pa rẽ trái để sang Lai Châu.
Sơ bộ ban đầu ghi nhận có hơn 10 người bị thương, trong đó 2 người bị thương khá nặng. Tất cả được những người xung quanh đưa tới Bệnh viện đa khoa thị xã Sa Pa cấp cứu.
Toàn bộ người bị thương đều ngồi trên xe 16 chỗ, bao gồm cả tài xế. Hai phương tiện bị hư hỏng nặng sau va chạm.
Sau khi va chạm xảy ra, các lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường xác minh, xử lý vụ việc.
Được biết, qua xác minh bước đầu, hai phương tiện đều di chuyển với tốc độ vừa phải, hai tài xế không có dấu hiệu sử dụng cồn, ma túy.
Nguyên nhân khiến bà mẹ U60 quyết sinh con dù đã ở tuổi mãn kinh
Thông tin trên VTC News, năm 2012, tai nạn giao thông cướp đi cậu con trai duy nhất của bà P.T.H (sinh năm 1966, Hà Nội). Biến cố ập đến khiến người mẹ suy sụp, hụt hẫng, bà mong muốn có thêm con để bù đắp lại khoảng trống trong lòng.
Cụ thể vào cuối năm 2018, sau quãng thời gian dài tìm hiểu và cân nhắc, vợ chồng bà quyết định đến bệnh viện mong muốn được hỗ trợ sinh sản. Khi đến viện, bà H. đã ngoài 50 tuổi. Lúc này, bà đã mãn kinh hoàn toàn, không còn cơ hội mang thai tự nhiên. Cách duy nhất để phụ nữ trong độ tuổi này mang thai là xin trứng và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Các bác sĩ cũng nhận định đây là ca khó bởi người mẹ đã lớn tuổi và có nhiều nguy cơ khi mang thai, sinh nở, thậm chí đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé. Vì thế, khi hỗ trợ sinh sản cho bệnh nhân, bác sĩ phải nghiên cứu, cân nhắc chọn phác đồ phù hợp dựa vào độ tuổi, nội tiết và tiền sử bệnh.
Chia sẻ xoay quanh trường hợp này, bác sĩ Luyện Thị Ngọc Dung, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ (Hà Nội) cho hay, phụ nữ lớn tuổi thường sẵn nhiều vấn đề bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ như bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật. Nguy cơ mắc tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi, gây nhiều biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ.
Đáng lưu ý, người mẹ lớn tuổi mang thai khiến nguy cơ thai nhi nhỏ hơn so với tuổi thai, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ nhẹ cân, nguy cơ đẻ non, thai nhi dị tật, sảy thai cao hơn so với người mẹ trẻ tuổi.
Theo bác sĩ Dung, quá trình điều trị cho bệnh nhân H. gặp nhiều khó khăn nhưng tinh thần lạc quan của bệnh nhân làm đội ngũ y bác sĩ càng quyết tâm hơn. Dù có buồn, lo lắng vì nguy cơ thất bại cao nhưng bệnh nhân vẫn vững niềm tin vào bác sĩ, vào bản thân mình và tuân thủ phác đồ điều trị.
Tháng 9/2018, bà H. được chuyển phôi. Dù chỉ chuyển một phôi duy nhất nhưng bà đã thành công trong lần đầu thụ tinh ống nghiệm. Sau khi có kết quả mang thai, các bác sĩ luôn động viên và theo sát quá trình thai kỳ của người mẹ lớn tuổi.
Hè năm 2019, bà H. sinh bé trai nặng 2,7kg khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của gia đình và toàn bộ ekip bác sĩ.
Nằm trong phòng sau sinh, bà H. nghẹn ngào nói, “chờ đến ngày con trai trưởng thành, đi làm phụ giúp bố mẹ là điều quá xa vời, nhưng mẹ mong con sống thật hạnh phúc, có ích cho xã hội”.
Cũng theo bác sĩ Dung, làm mẹ ở tuổi 54 với một người phụ nữ mãn kinh, câu chuyện tưởng như không thể nay đã trở thành sự thật. Hành trình mang thai diệu kỳ của bệnh nhân H. được lan tỏa như minh chứng cho một phép màu có thật đến từ tình mẹ và từ sự cố gắng, nỗ lực của y học. Đây cũng là nguồn động lực vô cùng lớn lao cho các gia đình hiếm muộn trên hành trình tìm con.
Trúc Chi (t/h)