Bản tin 16/8: Thời điểm chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2025
Thời điểm chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2025; Không may trượt chân, hai trẻ 9 tuổi đuối nước trong ao cá nhà thờ...
Thời điểm chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2025
Theo báo Tiền Phong, tại buổi gặp gỡ các giáo viên toàn ngành, sáng 15/8, nói về phương án dự kiến thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết chủ trương sẽ thay đổi nội dung câu hỏi, nội dung thi phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Phương án thi hướng đến sự phù hợp với lứa học sinh chưa trải nghiệm toàn bộ chương trình Giáo dục phổ thông mới, mà chỉ bắt đầu ở bậc THPT.
“Cuộc thi tốt nghiệp THPT 2025 cơ bản có điều chỉnh nội dung câu hỏi để phù hợp với chương trình 2018. Nhưng đây là lứa không được trải nghiệm đầy đủ chương trình giáo dục 2018 nên việc có phương án thi phù hợp với chương trình 2025 có cái mới thì phải điều chỉnh sao cho phù hợp”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ GD&ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 vào quý IV năm nay.
“Cần thực hiện tốt chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.
Nhưng trong cuộc gặp gỡ này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, chương trình GDPT 2018 là một nhân tố mới rất quan trọng, đây là cơ hội lớn. "Chúng ta cần thực hiện thật tốt chương trình GDPT 2018", Bộ trường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, chúng ta cần coi đây là cơ hội và cố gắng thực hiện thật tốt đối với chương trình GDPT 2018. Đây là phương thức để chúng ta đổi mới toàn diện, thực hiện thành công chương trình mới, giáo dục sẽ bước sang một chương mới, một nền giáo dục thay đổi về chất.
Những người cũ đang cùng nhau tạo ra cái mới. Vì vậy, điều kiện quan trọng đầu tiên chúng ta cần là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới. Tự đổi mới mình, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân. Ai cũng có thể làm được, vấn đề có dám làm hay không.
“Cần tiến hành từng bước, sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mình mà chưa thấy mình khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo. Nhà giáo chúng ta từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh để học sinh tự hình thành năng lực, tự tích lũy kiến thức. Sự thay đổi này hết sức quan trọng mà mỗi nhà giáo cần ý thức được.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, chúng ta cần thay đổi từng môn học, vị trí từng môn học. Thay đổi lớn của Chương trình GDPT 2018 nếu muốn đạt được chiều sâu, thực chất thì phải thay đổi từng thành tố, từng môn học, chúng ta cần thay đổi dạy học, kiểm tra, đánh giá từng môn, không loại trừ bất cứ môn nào.
Không may trượt chân, hai trẻ 9 tuổi đuối nước trong ao cá nhà thờ
Thông tin trên Nhà báo & Công luận, ngày 15/8, thông tin từ UBND xã Hải Lý cho biết, vào 16h30 ngày 14/8, cháu V.T.K.H. và cháu P.N.D. (đều 9 tuổi) trong lúc chơi tại khuôn viên Nhà thờ Giáo xứ Văn Lý đã không may trượt chân xuống ao cá của nhà thờ.
Khi phát hiện ra sự việc trên, người dân đã xuống ao đưa hai cháu lên bờ sơ cứu, tuy nhiên hai cháu đã tử vong.
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 9 trẻ tử vong do tai nạn đuối nước.
Được biết, tỉnh Nam Định có bờ biển dài 72 km từ cửa Ba Lạt đến cửa Đáy cùng với hệ thống các sông lớn như sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ... chảy qua địa phận tỉnh với chiều dài hơn 250 km. Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi, kênh, mương, ao, hồ, đầm đan xen khắp các huyện, xã, thị trấn trong tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.
Trong khi đó nhận thức của người dân về phòng, chống đuối nước cho trẻ em còn nhiều hạn chế; việc dạy bơi cho trẻ em gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên có trình độ và thiếu cơ sở vật chất; vẫn còn khu vực nước sâu nguy hiểm nhưng chưa có biển báo, rào chắn.
Trong khi đó, trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ hiếu động, tò mò, thích khám phá nhưng lại thiếu sự giám sát, nhắc nhở của người lớn vì vậy nguy cơ tử vong do đuối nước ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ mới đến trường còn khá cao.
Uống nước tẩy bồn cầu vì tưởng là nước ngọt, bé 2 tuổi bị nguy kịch
Theo báo Pháp luật Việt Nam, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng mới tiếp nhận và điều trị thành công cho một bệnh nhi 2 tuổi bị bỏng nặng do hóa chất.
Khai thác tiền sử bệnh, người nhà cho biết, do bé tưởng chai nước tẩy bồn cầu là nước ngọt nên đã uống nhầm. Đây là loại dung dịch có tính axit hay kiềm tùy theo hãng sản xuất, có tính ăn mòn cực mạnh. Bố của bé khi bế bé trên tay, tiếp xúc với da bé qua lớp áo cũng bị bỏng theo.
Đây không phải trường hợp đầu tiên, trước đó vào tháng 7/2023, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ bị ngộ độc bởi các loại hóa chất tại gia đình. Điển hình là trường hợp bé 2 tuổi uống nhầm thuốc tẩy mụn ruồi dẫn đến ngộ độc. Tại bệnh viện, trẻ được chẩn đoán viêm loét họng miệng cấp sau ngộ độc hóa chất và được điều trị bằng các biện pháp giải độc.
Theo các chuyên gia, đã có rất nhiều trẻ uống nhầm các hóa chất, thuốc độc tại nhà. Các hóa chất trẻ uống nhầm phổ biến là xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, axit, chất diệt cỏ...
Trẻ uống nhầm hóa chất thường có một số biểu hiện như: ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất... Ngoài ra, có thể có vết bỏng quanh vùng miệng tái nhợt do bé đã nuốt phải một loại chất độc ăn mòn. Những hóa chất thuộc nhóm bay hơi như xăng dầu, acetone, thủy ngân... khi uống phải sẽ gây nên tình trạng hít vào phổi gây suy hô hấp cấp tính, tổn thương phổi rất nặng.
Bên cạnh đó, khi uống nhầm hóa chất, trẻ thường đau họng, buồn nôn và nôn, môi lưỡi đỏ hoặc bị phồng rộp, chảy máu, đau tức thượng vị, đau ở mũi rồi lan ra khắp bụng. Khi đó, trẻ khó thở, thở gấp, mặt mũi tím tái, thở cánh mũi phập phồng, co kéo cơ hô hấp ở cổ, có biểu hiện của suy hô hấp.
Ngoài ra, trẻ thường rên rít lên do thanh quản bị co thắt. Đi kèm với đó là da xanh xao nhợt nhạt, da nổi các vân tím, một số bé bị mất ý thức, hoảng loạn, la khóc, thậm chí rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh.
Trúc Chi (t/h)