Bản tin 17/8: Tp.HCM tăng hơn 24.000 học sinh năm học mới

Tp.HCM tăng hơn 24.000 học sinh năm học mới; Thương tâm bé trai không qua khỏi sau 4 ngày sốt cao...

Tp.HCM tăng hơn 24.000 học sinh năm học mới

Theo Tiền Phong ngày 16/8, Sở GD&ĐT Tp.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục trung học.

Tại Hội nghị, ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Trung học, Sở GD&ĐT Tp.HCM báo cáo, năm học 2024 - 2025, dự kiến toàn thành phố tăng 24.097 học sinh (gồm: 17.288 công lập và 6.809 ngoài công lập). Chia ra theo cấp học, mầm non tăng 6.262 học sinh; tiểu học giảm 6.185 học sinh; THCS tăng 7.022 học sinh; THPT tăng mạnh nhất 16.999 học sinh.

Về quy mô mạng lưới trường, lớp học, toàn thành phố có 2.295 trường học, trong đó có 1.357 trường công lập, 938 trường ngoài công lập.

Về thành tích trong các kỳ thi, học sinh Tp.HCM luôn có thứ hạng cao. Cụ thể, trong cuộc thi Khoa học Kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia, lần đầu tiên, học sinh TP.HCM đạt giải cao nhất sau 12 năm liên tục tham gia sân chơi này.

Đáng chú ý đội tuyển học sinh giỏi Tp.HCM xếp thứ 2 trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, vượt 10 bậc so với kết quả năm học 2022 - 2023. Tp.HCM cũng liên tục 8 năm liền giữ vững vị trí dẫn đầu điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đoàn thể thao học sinh TP tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2024, đạt giải nhất tại khu vực IV và đạt giải nhất toàn quốc, đây là lần thứ 10 liên tiếp Tp.HCM giữ ngôi vị đầu bảng…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp.HCM đánh giá cao những thành tích nổi bật ngành giáo dục thành phố đạt được trong năm học 2023 – 2024 đồng thời đặt hàng 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2024 – 2025.

Cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn Tp.HCM giai đoạn 2024 – 2030" năm 2024. Hoàn thành hồ sơ đề nghị đánh giá, công nhận "Cộng đồng học tập" cấp tỉnh, gửi đến Bộ GD&ĐT đánh giá, công nhận Tp.HCM đạt "Cộng đồng học tập" cấp tỉnh.

Ngành giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" để mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh thực sự cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc khi được đến lớp, đến trường.

Thứ hai, triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện "Chiến lược phát triển giáo dục Tp.HCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", xây dựng Tp.HCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực Châu Á.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện theo lộ trình, đảm bảo hoàn thành các chương trình, đề án đột phá của TP về giáo dục; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh; Chương trình "Dạy và học Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam"... Đồng thời, ngành giáo dục đào tạo tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Thứ tư, thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; nghiên cứu xây dựng các đề án nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Tp.HCM Nguyễn Thị Lê yêu cầu ngành giáo dục tập trung thực hiện các công trình thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gồm: Chương trình giáo dục thông minh; Đề án xây dựng Tp.HCM- Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực; Công trình xây dựng 4.500 phòng học.

Cảnh báo những nguy cơ gây ngộ độc khí CO từ những thiết bị hiện đại

Bệnh nhân ngộ độc khí CO tại căn bếp ở Hà Nội. Ảnh: Vietnam+.

Bệnh nhân ngộ độc khí CO tại căn bếp ở Hà Nội. Ảnh: Vietnam+.

Ngày 16/8, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, tại Trung tâm Chống độc đang điều trị cho một gia đình 3 người ở Nghệ An và 3 nhân viên nhà hàng ở Hà Nội do ngộ độc khí CO từ máy phát điện, bếp gas, nồi chiên dầu chạy bằng khí gas và điện.

Trao đổi với Vietnam+ Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho hay mặc dù các bệnh nhân được cứu chữa, điều trị kịp thời và tích cực nhưng có thể cũng sẽ không tránh khỏi hoàn toàn những di chứng về sau.

Các bệnh nhân nhập viện có hiện tượng nôn trớ, hôn mê, suy hô hấp do ngộ độc khí CO (Carbon monoxide). Cụ thể, 3 ca ngộ độc từ một căn bếp ở Hà Nội và một gia đình 2 mẹ con do dùng máy phát điện.

Bệnh nhân bị ngộ độc từ căn bếp của một nhà hàng tại Hà Nội nhớ lại: "Trong căn bếp khoảng 25-30m2, sáng hôm đó, có 6 người cùng làm việc. Căn bếp không có mùi gì bất thường. Tuy nhiên, đến tầm 9h thì tôi bị ngất. Lúc tỉnh dậy được biết có 1 bạn cũng ngất như mình và 1 bạn khác với những biểu hiện khó chịu được đưa vào đây điều trị do ngộ độc khí CO."

Kết quả cho thấy nồng độ CO trong máu của các bệnh nhân rất cao, HbCO lên tới hơn 30% trong khi bình thường chỉ khoảng dưới 1%, di chứng sau này có thể sẽ bị suy giảm trí nhớ. Đến nay đã hơn 10 ngày, các bệnh nhân được điều trị ôxy cao áp, dùng thuốc dự phòng tránh biến chứng với tâm thần, thần kinh. Các bệnh nhân vẫn thấy người còn rất mệt.

Cũng bị ngộ độc khí CO, nhưng gia đình 3 người tại Nghệ An do dùng máy phát điện. Anh trai bệnh nhân cho biết tối 8/8, khoảng 20h, nhà bị mất điện nên gia đình người em có sử dụng máy phát điện khoảng bốn tiếng đồng hồ, để bật điều hòa trong phòng kín 15-20m2. Máy phát điện này gia đình vẫn sử dụng lâu nay nhưng lần này được để ở một phòng có thông với phòng ngủ.

Thông tin ban đầu sáng 9/8, lúc 9h người nhà phát hiện cả 3 người trong gia đình em trai đều hôn mê, bên cạnh có chất nôn. Người bố bị ngộ độc nhẹ, điều trị ở địa phương và đã ra viện, còn hai mẹ con được đặt nội khí quản, đưa thẳng đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, hai bệnh nhân được điều trị, bao gồm hồi sức, dùng các thuốc dự phòng di chứng với não.

Theo Tiến sỹ Quang Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm, người mẹ (48 tuổi) đã tỉnh, được rút ống thở, nhưng con trai (15 tuổi) vẫn còn hôn mê và nguy kịch. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng có tổn thương đa cơ quan, đặc biệt não, tim, cơ, hô hấp và một số tạng khác. Cả hai mẹ con có tổn thương rõ trên não nên nguy cơ cao sau này sẽ gặp các di chứng muộn và cần theo dõi, điều trị rất cẩn thận. Riêng với người bố, do lúc đầu đã có bất tỉnh nên sau này cũng sẽ có nguy cơ cao gặp di chứng với não, chúng tôi cũng khuyến cáo cần nhanh chóng đi kiểm tra và bác sỹ sẽ có đơn thuốc và có thể phải điều trị ô-xy cao áp để phòng tránh di chứng muộn.

Bác sỹ Thuận nhấn mạnh các trường hợp ngộ độc lần này có lượng HbCO trong máu cao hơn cả các nạn nhân ở vụ cháy ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội hồi tháng 9/2023.

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên cho hay Trung tâm tiếp nhận nhiều ca ngộ độc khí CO mà không phải do sự vụ cháy nổ như chạy xe máy "rốt đa" ở trong phòng kín, chạy máy phát điện để ở trong phòng có thông với phòng có người sinh hoạt, ngồi trong xe ôtô và bị ngộ độc do hít phải khí CO từ khói của xe, sử dụng bình đun nước nóng chạy bằng khí gas, bồn chiên dầu sử dụng đồng thời khí ga và điện.

Vụ ngộ độc khí CO ở căn bếp tại nhà hàng nêu trên chắc chắn do các thiết bị đun nấu đốt khí gas nhưng cháy không hoàn toàn nên tạo ra khí CO. Đáng chú ý, căn bếp mới lắp đặt, các thiết bị đều hoàn toàn mới và đang trong giai đoạn ngày đầu chạy thử. Loại bồn chiên dầu sử dụng đồng thời khí gas và điện có nguy cơ cao hơn. Vấn đề chất lượng sản phẩm với thiết bị sử dụng khí gas để đảm bảo an toàn cho người sử dụng rất cần được đánh giá, xem xét và xử lý, làm sao để các thiết bị phải đốt cháy khí gas hoàn toàn, tránh sinh ra lượng khí CO tới mức gây ngộ độc.

Theo Tiến sỹ Nguyên, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để kiểm tra, kiểm định lại các sản phẩm này, đảm bảo an toàn cho người dân khi mua về dùng, tránh trường hợp hàng loạt sản phẩm không an toàn bán ra thị trường, nguy cơ gây ngộ độc cho nhiều người.

Thương tâm bé trai không qua khỏi sau 4 ngày sốt cao

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk sáng 16/8 đã có báo cáo về ca sốt xuất huyết đầu tiên không qua khỏi trên địa bàn tỉnh.

Bé H.H.K. (11 tuổi, trú tại phường Thành Công, Tp.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bắt đầu xuất hiện các triệu chứng cao liên tục, mệt nhiều từ ngày 10/8. Em được người nhà đưa vào Bệnh viện Nhi Đức Tâm điều trị sau khi uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ.

Thông tin trên Tri Thức ngày 14/8, tình trạng bé K. diễn biến nặng, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 4 kèm rối loạn đông máu, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, thừa cân.

Tuy nhiên, vì tình trạng bệnh diễn biến nặng, bé K. qua đời lúc 13h30 ngày 15/8 với chẩn đoán do suy đa tạng nặng.

Ngay sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên không qua khỏi vì sốt xuất huyết, CDC đã phối hợp với Trung tâm Y tế Tp.Buôn Ma Thuột triển khai các biện pháp điều tra, xử lý vệ sinh môi trường, điều tra vector truyền bệnh.

Kết quả điều tra vector truyền bệnh sốt xuất huyết ghi nhận sự hiện diện của muỗi Aedes Aegypti. CDC cùng Trung tâm Y tế Tp.Buôn Ma Thuột và Trạm Y tế phường Thành Công đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại khu vực ghi nhận ca bệnh; đồng thời truyền thông cho người dân các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Theo thống kê của CDC Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 15/8, toàn tỉnh ghi nhận 1.453 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có một trường hợp không qua khỏi

Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức - Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 40 trẻ mắc sốt xuất huyết nặng. Hầu hết bệnh nhi bị sốc và tái sốc.

Bác sĩ Tuấn nhấn mạnh hiện nay nhiều dịch bệnh đang có xu hướng diễn biến ngày một phức tạp như sởi, bạch hầu, sốt xuất huyết… Người dân cần chú ý phòng bệnh cho con, nhất là đối với các bé suy dinh dưỡng, có bệnh lý nền, có thể trạng thừa cân, béo phì… do những nhóm trẻ này rất dễ trở nặng khi mắc bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người lành.

Bệnh nhân cần vào viện ngay khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít… để tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-17-8-tphcm-tang-hon-24000-hoc-sinh-nam-hoc-moi-204240816162122454.htm