Bản tin 25/2: Hàng loạt tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học thứ Bảy

Hàng loạt tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học thứ Bảy; Nhóm cán bộ Bộ Công Thương 'giúp' doanh nghiệp trục lợi hàng trăm tỷ đồng...

Hàng loạt tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học thứ Bảy

Theo Lao Động, từ đầu tháng này, ngành giáo dục tỉnh Ninh Bình đang thí điểm cho học sinh tại 69 trường THCS và THPT trên địa bàn học 5 ngày/tuần.

Ông Đinh Văn Khâm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình - cho biết, trong số 69 trường thí điểm lần này có 51 trường THCS và 18 trường THPT.

Thời gian thí điểm từ ngày 3/2/2025 đến ngày 28/2/2025, kết thúc thời gian trên, các trường sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và có báo cáo, đề xuất với Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tỉnh Phú Thọ cũng chọn 14 trường THPT và 22 trường THCS để thí điểm tổ chức học 5 ngày trên tuần, bắt đầu từ học kỳ II.

Theo Sở GD&ĐT Phú Thọ, các trường thực hiện thí điểm tổ chức dạy học 5 ngày/tuần và nghỉ học ngày thứ Bảy phải được sự thống nhất, đồng thuận của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh nhà trường; đảm bảo thực hiện đúng, đủ nội dung chương trình chính khóa theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Trước đó, hàng loạt trường học ở: Khánh Hòa, Lai Châu, Lào Cai, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Ninh, Yên Bái... đã thực hiện việc cho học sinh nghỉ học thứ Bảy.

Các địa phương đều cho rằng, việc triển khai thí điểm tổ chức dạy học 5 ngày/tuần (bao gồm cả dạy học các môn học, tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ chính khóa) để cho học sinh nghỉ ngày thứ Bảy để không gây quá tải cho học sinh và giáo viên. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường.

Ngoài ra, thêm 1 ngày nghỉ mỗi tuần cũng là để tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có thời gian tự học, tự bồi dưỡng, tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội.

Trong khi đó, các địa phương: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa dự kiến cho học sinh học 5 buổi mỗi tuần, để nghỉ thứ Bảy trong thời gian tới.

Không tổ chức thi, các trường tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức nào?

Mùa tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026 đang chuẩn bị bắt đầu, năm nay, theo lộ trình Chương trình GDPT 2018, sẽ có nhiều thay đổi trong tiêu chí xét tuyển trong tuyển sinh THCS, THPT.

Theo Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT về quy chế tuyển sinh THCS và THPT, có hiệu lực từ ngày 14/2, quy định các trường THCS phải xét tuyển học sinh vào lớp 6, không được tổ chức thi, kể cả với trường chất lượng cao.

Đối với các trường có số học sinh đăng ký vào học vượt quá chỉ tiêu nhà trường được giao, Sở GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện đánh giá năng lực học sinh theo các hình thức (đã được quy định trong quy chế đánh giá học sinh) như: hỏi-đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm,... bảo đảm việc tuyển sinh được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Như vậy, khác với mọi năm, sẽ không còn những kỳ thi căng thẳng đầu cấp, thay vào đó các trường sẽ chuyển sang hình thức xét tuyển.

Nhóm cán bộ Bộ Công Thương "giúp" doanh nghiệp trục lợi hàng trăm tỷ đồng

Liên quan đến vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố, cáo trạng của VKSND tối cao đã chỉ những sai phạm trong việc cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Lộc Ninh 3, gây thiệt hại cho ngân sách hơn 200 tỷ đồng.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-25-2-hang-loat-tinh-thanh-cho-hoc-sinh-nghi-hoc-thu-bay-204250224154859654.htm