Bản tin 26/8: Xét tuyển đại học sớm liệu có 'lợi bất cập hại'?

Xét tuyển sớm đại học: Cần đảm bảo hài hòa lợi ích; Nam thanh niên sát hại người phụ nữ bị bắt sau 60 phút gây án...

Xét tuyển sớm đại học: Cần đảm bảo hài hòa lợi ích

Những năm gần đây, các phương thức xét tuyển sớm được nhiều các trường đại học sử dụng. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương thức này vẫn cần được đánh giá lại trong bối cảnh nhiều nghi ngại về sự đảm bảo công bằng, phù hợp trong quá trình tuyển sinh.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh đại học năm 2023. Các cơ sở giáo dục đại học sử dụng các phương thức xét tuyển như: Xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT (49,45%); Xét học bạ (30,24%); các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) (14,10%);

Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (2,57%); Xét tuyển thẳng theo đề án (2,32%), ngoài ra xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác.

Đánh giá về vấn đề này, tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý các trường đại học nâng cao tinh thần tự chủ nhưng cũng cần phải có trách nhiệm hơn đối với giáo dục phổ thông.

"Việc xét tuyển sớm có những tác động tiêu cực đối với giáo dục phổ thông ở những giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Do đó, thời gian tới cần phải xem xét bởi các học sinh khi đã đủ điều kiện trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển sớm sẽ không học nữa. Điều đó rất tai hại.

Các trường chỉ muốn yên tâm về số thí sinh sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, do đó điểm chuẩn rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học top. Về việc này, phía Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào trong định hướng công tác tuyển sinh đại học của năm sau", ông Sơn nói.

Nam thanh niên sát hại người phụ nữ bị bắt sau 60 phút gây án

Ngày 25/8, Công an huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) đã có báo cáo gửi Thường trực Huyện ủy và UBND huyện Ea Kar về vụ việc giết người vừa xảy ra trên địa bàn.

Theo thông tin từ cơ quan công an, vụ việc xảy ra vào khoảng 21h30 ngày 24/8, tại địa bàn thôn 5 (xã Cư Ni, huyện Ea Kar). Nạn nhân là bà L.T.C. (SN 1983, trú tại xã Cư Ni).

Khoảng 19h30 ngày 24/8, bà L.T.C. và một số người khác cùng ngồi chơi tại nhà anh T.D.T. (SN 1981, trú tại thôn 5, xã Cư Ni).

Đến khoảng 21h15 cùng ngày, bà C. và những người khác đi về. Bà C. điều khiển xe mô tô chở con trai SN 2015 đi trước.

Khi xe của bà C. đi ra đến đầu ngõ đường nhà anh T.D.T. thì thấy Nguyễn Duy Hoàng (SN 1989, trú tại thôn 5, xã Cư Ni) 2 tay cầm 2 con dao, đứng chặn phía trước đầu xe, không cho bà C. về.

Thấy vậy, bà C. nói với Hoàng "tránh ra cho tôi về". Đồng thời, những người có mặt gọi anh T. ra để can ngăn Hoàng. Thế nhưng, khi anh T. vừa ra thì bị Hoàng đuổi anh T. chạy vào nhà.

Lúc này, bà C. đang lùi xe để chuẩn bị đi sang hướng khác thì bất ngờ bị Hoàng vật ngã xuống đất. Tại đây, Hoàng dùng dao đâm vào người bà C..

Ngay lúc này, mọi người hô hoán và tìm cách ngăn chặn hành vi của Hoàng để cứu nạn nhân C.

Khi Hoàng bỏ chạy, mọi người đến kiểm tra thì phát hiện bà C. đã tử vong.

Gây án xong, Hoàng trốn vào khu vực rẫy và bị Công an huyện Ea Kar bắt giữ sau 60 phút gây án.

Bộ Y tế gia hạn đăng ký gần 800 loại thuốc

Các thuốc được gia hạn đợt này đều là thuốc sản xuất trong nước. Ảnh minh họa.

Các thuốc được gia hạn đợt này đều là thuốc sản xuất trong nước. Ảnh minh họa.

Trao đổi với VTC News TS Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, đợt gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc lần này có 730 thuốc điều trị thông thường, phục vụ phòng chống dịch và 35 thuốc có chứng minh tương đương sinh học.

Các loại thuốc được gia hạn trong thời gian 3 - 5 năm (gia hạn đến 31/12/2025), tùy từng sản phẩm.

Các sản phẩm thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành lần này đều sản xuất trong nước, đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm: thuốc điều trị tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, điều trị ung thư, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác.

Bộ Y tế yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.

Các cơ sở chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở.

Bộ Y tế cũng yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở điều trị để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Cơ sở đăng ký thuốc phải bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động trong thời gian hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, cơ sở đăng ký phải có trách nhiệm thực hiện thay đổi cơ sở đăng ký theo quy định. Cơ sở sản xuất thuốc phải bảo đảm các điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất trong thời hạn hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-26-8-xet-tuyen-dai-hoc-som-lieu-co-loi-bat-cap-hai-204240825162539615.htm