Đại biểu trẻ em Đà Nẵng gửi gắm kỳ vọng đến Quốc hội trẻ em
Đại diện cho trẻ em toàn thành phố, các đại biểu trẻ em Đà Nẵng gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng cũng như mong muốn tạo thêm nhiều diễn đàn, mô hình để trẻ em được lên tiếng, được đóng góp ý kiến vào các vấn đề quan trọng.
Đưa ra những giải pháp thiết thực
Em Phan Thị Bảo Kim (Trường THPT Thái Phiên)
Tại phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I, năm 2023, em đã may mắn được Hội Đồng Đội T.Ư tin tưởng giao cho chức vụ giả định Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Bản thân em đã cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Sau thành công của phiên họp lần thứ I, em luôn ấp ủ mong ước được quay trở lại Quốc hội trẻ em, để không chỉ đóng góp công sức của mình mà còn trao đổi, học hỏi và chia sẻ thêm kinh nghiệm, trải nghiệm với các đại biểu khác. Và rất may mắn khi em vinh dự là đại biểu trong phiên họp lần này.
Mô hình này không chỉ giúp các cử tri trẻ em trên cả nước có cơ hội sẻ chia, nêu lên ý kiến về những vấn đề, tâm tư, nguyện vọng mà còn là nơi để các bạn học sinh có tài năng, có chính kiến được thể hiện, được lên tiếng về những vấn đề đang gây nhức nhối đối với trẻ em nói riêng và xã hội nói chung.
Qua các hoạt động thảo luận từng tổ hay trong các phiên họp online, hầu hết tất cả các bạn đại biểu đều đã có cơ hội được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và góc nhìn của mình xoay quanh hai chủ đề của phiên họp năm nay là “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”.
Là một đại biểu, em biết rằng bản thân đang đại diện cho tiếng nói của rất nhiều bạn trẻ. Bởi vậy, em đã chủ động tìm hiểu, đưa ra các biện pháp, dùng chính tiếng nói của mình để đại diện cho những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ đối với trẻ em, đặc biệt là vấn đề bạo lực học đường đáng báo động hiện nay.
Cũng là một học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, em hiểu và cảm nhận rõ hơn hết vấn đề mà các bạn - nạn nhân của bạo lực học đường – đang gặp phải. Ngay tại chính ngôi trường cấp 2 của em cũng đã có rất nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vấn đề này.
Chính vì những lẽ đó, em mong rằng trong phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em lần thứ II sắp tới, em có thể nói lên tiếng nói của mình, có thể được lắng nghe và cùng đưa ra các giải pháp thiết thực về vấn đề này cùng các cô chú lãnh đạo, các bạn đại biểu.
Thể hiện tiếng nói của cử tri trẻ em
Em Nguyễn Khánh Hà (Trường THCS Nguyễn Văn Linh)
Chủ đề của phiên họp giả định lần này là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Em nhận thấy đây thật sự là hai vấn đề gây nhức nhối trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng; đã và đang gây ra những tác động đáng kể và việc đề ra những giải pháp, kiến nghị ngay lúc này là vô cùng thiết thực.
Vì thế, ngoài việc đóng góp những ý kiến, đề xuất, em vô cùng trân quý cơ hội được lắng nghe những quan điểm, kiến nghị của các đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố, cũng như lắng nghe, thấu hiểu cử tri trẻ em toàn quốc để phát huy khả năng và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của bản thân tại Quốc hội trẻ em lần này.
Với vai trò của một đại biểu Quốc hội trẻ em, em mong rằng mình có thể trình bày, đóng góp những ý kiến giá trị về các vấn đề đáng quan tâm, thay mặt các “cử tri trẻ em” nói lên những tâm tư, nguyện vọng mà các bạn đã tin tưởng gửi gắm nơi em.
Hơn hết, chúng em - những đại biểu của Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II - luôn mong muốn có thể đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cùng chung tay tạo nên một xã hội an toàn, văn minh.
Thêm nhiều mô hình để trẻ em được lên tiếng
Em Hà Phan Bách Hợp (Học sinh Trường THCS Tây Sơn)
Với vai trò là một đại biểu của kỳ họp, em quan tâm đến vấn đề phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường.
Bởi với góc nhìn của riêng bản thân, em thấy những người trẻ dễ sa vào tệ nạn này, đây cũng là vấn đề gây ra nhiều hậu quả về sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, gia đình và toàn xã hội.
Ngoài ra, vấn đề nhập lậu, mua bán bất hợp pháp, tràn lan các loại thuốc lá thế hệ mới cũng là điều đáng lo ngại, gặp nhiều rào cản trong quản lý, xử phạt. Điều này góp phần làm tăng thêm tác động tiêu cực của thuốc lá, chất kích thích đến đời sống con người.
Đối với các hoạt động, mô hình tạo điều kiện cho trẻ em được nói lên ý kiến nguyện vọng của mình như Quốc hội trẻ em, em kì vọng các hoạt động này được tăng cường, phát triển nhiều hơn, được tổ chức ở nhiều cấp từ Trung ương đến địa phương với những chủ đề, nội dung nổi bật, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của trẻ em để có thể tiếp cận và tác động tích cực đến thật nhiều học sinh trên cả nước.