Bản tin 30/12: Thêm loạt đại học công bố phương thức tuyển sinh năm 2024
Thêm loạt đại học công bố phương thức tuyển sinh năm 2024; Nhiều bệnh nguy hiểm 'tấn công' khi trời lạnh...
Loạt đại học công bố phương thức tuyển sinh năm 2024
Theo đề án tuyển sinh vừa công bố của Trường đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2024, trường xét tuyển theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy chế và đề án tuyển sinh (2%); Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (18%); Xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của Trường (80%). Như vậy, năm tới nhà trường bỏ phương án tuyển sinh bằng học bạ.
Cụ thể, với phương thức xét tuyển kết hợp năm 2024, trường tuyển sinh gồm 2 nhóm đối tượng: Nhóm 1 (chiếm 50% tổng chỉ tiêu) không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, gồm thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT hoặc ACT, thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA), ĐH Quốc gia Tp.HCM (APT) hoặc có điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (TSA), thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với các điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Trường nhận hồ sơ của những thí sinh đạt SAT từ 1200 điểm, ACT từ 26 điểm, HAS từ 85 điểm, APT từ 700 điểm, TSA từ 60 điểm hoặc thí sinh có IELTS đạt từ 5.5, TOEFL iBT 46, TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 & W 150) kết hợp với các điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Nhóm 2 (chiếm 30% tổng chỉ tiêu) sử dụng kết hợp điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Về điều kiện nhận hồ sơ và việc quy đổi chứng chỉ tương tự như nhóm 1.
Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ngưỡng đầu vào dự kiến là 20 điểm, gồm điểm ưu tiên. Trường sẽ thông báo cụ thể sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024.
Đối với phương thức xét tuyển kết hợp, ngưỡng đầu vào là điều kiện nộp hồ sơ của từng đối tượng trong mỗi nhóm xét tuyển kết hợp...
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lưu ý, năm 2024, thí sinh sẽ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT và 1 năm kế tiếp. Trường không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, không sử dụng điểm thi được bảo lưu từ các kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước để tuyển sinh, không cộng điểm ưu tiên thí sinh có chứng chỉ nghề.
Trường cũng không áp dụng thêm tiêu chí phụ trong xét tuyển. Thí sinh diện tuyển thẳng nếu không sử dụng quyền này sẽ chỉ được cộng điểm ưu tiên xét tuyển nếu đăng ký xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Với Trường đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 sẽ có 1 đợt thi duy nhất, dự kiến vào ngày 11/5/2024. Lịch thi các môn gọn trong 1 ngày và giữ ổn định như các năm trước.
Như vậy, cấu trúc các bài thi đánh giá năng lực của Trường đại học Sư phạm Hà Nội tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học mà các thí sinh đã từng quen ở cấp THPT, các em sẽ làm bài thi trực tiếp trên giấy với thời gian mỗi môn từ 60 đến 90 phút. Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận. Điều này phù hợp một trong những yêu cầu của thí sinh khi vào trường là phải có kĩ năng cơ bản, phải có những trình bày, biện luận cơ bản.
Đại học Quốc gia Tp.HCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong 2 đợt dự kiến vào ngày 7/4 và đợt 2 vào ngày 2/6/2024. Kỳ thi được tổ chức tại 23 địa điểm thi tại nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước.
Theo Pháp luật Việt Nam, năm 2024, Trường Đại học Bách khoa Tp.HCM dự kiến giữ ổn định các phương thức tuyển sinh được sử dụng năm trước đó. Gồm các phương thức như: Xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí; Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; Ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường THPT năm 2024 theo quy định của ĐH Quốc gia Tp.HCM; Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia Tp.HCM theo danh sách các trường THPT trong cả nước; Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế...
Nhiều bệnh nguy hiểm “tấn công” khi trời lạnh
Thông tin trên báo Hà Nội Mới, thời tiết giá lạnh những ngày qua khiến số người nhập viện tăng mạnh. Các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân gây bệnh đến từ rất nhiều sai lầm nguy hiểm mà người dân thường mắc phải khi trời lạnh. Vì vậy, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, việc giữ gìn, bảo vệ sức khỏe đúng cách là hết sức quan trọng và cần thiết.
Trong đợt rét đậm đầu tiên của mùa đông năm nay, khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Lão khoa trung ương) tiếp nhận lượng bệnh nhân tăng 1,5 lần so với bình thường. Viêm phổi và tai biến mạch máu não là hai bệnh phổ biến nhất mà người cao tuổi dễ gặp phải.
Bác sĩ Tạ Hữu Ánh, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện cho biết, trời lạnh là yếu tố bất lợi đối với người tăng huyết áp. Bởi khi nhiệt độ xuống thấp, các mao mạch sẽ co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, nếu không theo dõi thường xuyên dễ bỏ qua triệu chứng dẫn đến nguy cơ tai biến mạch máu não. Thêm vào đó, thời tiết giá rét kéo dài cũng là yếu tố làm bùng phát các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là với các bệnh nhân có sẵn bệnh nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng cho thấy, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch trong những ngày lạnh tăng khoảng 20%. Điển hình như bệnh nhân N.T.K (84 tuổi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có tiền sử tăng huyết áp nhưng chủ quan, thường xuyên quên uống thuốc. Đợt lạnh này kéo dài khiến ông K phải nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, không thể đi lại bình thường. Đến bệnh viện, ông K được chẩn đoán huyết áp tăng 200/120 mmHg và phải nhập viện điều trị khẩn cấp.
Không chỉ người cao tuổi mà khi thời tiết chuyển lạnh, tại các bệnh viện cũng ghi nhận rất nhiều người trẻ cũng bị đột quỵ do cao huyết áp. Những ngày qua, các giường bệnh tại Khoa Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) luôn rơi vào cảnh… hết chỗ.
Nằm điều trị tại đây, anh N.V.T (33 tuổi ở Hà Nội) cho hay: “Hai năm nay, tôi phải sống chung với căn bệnh tăng huyết áp. Thế nhưng, do nghĩ mình trẻ khỏe nên chủ quan, không duy trì việc uống thuốc điều trị huyết áp đều đặn. Do đó, khi huyết áp tăng cao, xuất hiện dấu hiệu đột quỵ, gia đình đã đưa tôi nhập viện”.
Tương tự, anh H.Đ.M (34 tuổi ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhập viện vì căn bệnh đột quỵ. Trước đó, sau giờ làm việc, anh H.Đ.M cùng một số đồng nghiệp chơi bóng bàn tại cơ quan. Khi đang chơi, anh xuất hiện triệu chứng yếu nửa người, khó nói nên được đưa đi cấp cứu. Tại Bệnh viện E, anh được chẩn đoán tắc mạch máu não cấp. May mắn, do được đưa đến bệnh viện trong “thời gian vàng” sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng ban đầu nên bệnh nhân đã được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối, tái tưới thông mạch máu não và dần hồi phục.
Thời tiết giá lạnh khiến sức khỏe con người bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, bệnh tật cũng phát sinh từ những sai lầm nguy hiểm mà nhiều người dễ mắc phải.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Cấp cứu nội (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) lưu ý, trước khi ra ngoài trời lạnh, nhiều người nghĩ rằng, uống trà nóng hay một số loại nước nóng khác có tác dụng giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, thực tế các đồ uống này sẽ làm cho mạch máu mở rộng nên khi ra ngoài trời lạnh, nhiệt độ cơ thể sẽ nhanh chóng giảm xuống, gây hại cho sức khỏe. Bởi vậy, thay vì uống nước nóng chỉ nên uống một cốc nước ấm.
Ngoài ra, dù thời tiết chuyển lạnh nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen tập thể dục từ sáng sớm hay tắm quá khuya. Bác sĩ Phạm Văn Cường, Khoa Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) khuyến cáo, thời tiết khắc nghiệt khi quá lạnh, người cao tuổi bị tăng huyết áp dễ xảy ra đột quỵ khi tập luyện. Nguyên nhân là cơ chế điều hòa tuần hoàn não của người già kém hơn người bình thường.
Ngoài ra, việc tập gắng sức ngay sau khi thức dậy có thể gây huyết áp tăng cao kịch phát và xảy ra đột quỵ. Bởi vì cơ thể vừa chuyển từ trạng thái ngủ sang thức, các hormone điều khiển hoạt động hệ thống tim mạch tăng tiết, trong khi một số chất hóa học ảnh hưởng quá trình cầm máu (Nitric oxit) đã tiêu hao sau một đêm dài. Những vận động gắng sức không hợp lý vào thời điểm này có thể gây đột quỵ vào buổi sáng sớm.
“Tôi gặp rất nhiều trường hợp người cao tuổi uống thuốc điều trị huyết áp nên chủ quan không theo dõi huyết áp. Họ lại có thói quen dậy rất sớm đi tập thể dục, sau đó huyết áp tăng cao đột ngột gây đột quỵ. Do đó, khi thời tiết thay đổi, người cao tuổi cần ngủ đủ giấc. Sau khi thức dậy cần chờ cơ thể tỉnh táo, có thể khởi động nhẹ nhàng tại nhà. Ngoài ra, không nên tập thể dục ngoài trời trong thời tiết rét đậm”, bác sĩ Phạm Văn Cường lưu ý.
Với người trẻ, các bác sĩ cũng cho rằng, nên thường xuyên kiểm tra huyết áp để có thể phòng ngừa các nguy cơ. Đặc biệt, với những người ít vận động, ăn uống nhiều chất dư thừa tích tụ sẽ gây rối loạn chuyển hóa, lắng đọng trong thành mạch, gây xơ cứng mạch dẫn đến cao huyết áp. Khi bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, mắc các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp... đã được chẩn đoán cần tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
Mặt khác, không nên tắm khuya sau 22h, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng.
Trên đường đi học về va chạm xe tải, một học sinh ở Kon Tum tử vong tại chỗ
Theo ATGT ngày 29/12, Công an Tp.Kon Tum, tỉnh Kon Tum đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn giữa xe tải với xe máy điện khiến một học sinh tử vong tại chỗ.
Thông tin ban đầu cho biết, vụ TNGT xảy ra vào khoảng 16h50 ngày 28/12, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua trước cổng Khu công nghiệp Hòa Bình, thuộc địa bàn P Lê Lợi, Tp.Kon Tum giữa xe máy điện và xe tải.
Vào thời điểm trên, cháu N.M.H, 12 tuổi, trú tại tổ 5, P Lê Lợi, Tp.Kon Tum điều khiển xe máy điện trên đường đi học về nhà. Cùng lúc, chiếc ô tô tải BKS 29H-47950 chạy cùng chiều do tài xế Bùi Văn Hà, SN 1981, trú tại Duy Tân, Tp.Kon Tum điều khiển lưu thông trên đường Hồ Chí Minh rẽ vào khu công nghiệp. Cú tông mạnh khiến cháu H lọt vào gầm xe và tử vong tại chỗ.
Tài xế Bùi Văn Hà sau va chạm giao thông đã rời khỏi hiện trường và đến Công an P Nguyễn Trãi, Tp.Kon Tum trình diện.
Liên quan đến vụ tai nạn trên, Công an Tp.Kon Tum cho biết đã khẩn trương đến hiện trường, điều tiết giao thông và thực hiện điều tra theo quy định.
Trúc Chi (t/h)