Bản tin 31/10: Xây dựng 'sức đề kháng' cho học sinh để tránh bạo lực học đường
Xây dựng 'sức đề kháng' cho học sinh để tránh bạo lực học đường; Hiện trường vụ tai nạn giao thông liên hoàn làm 5 xe ô tô hư hỏng...
Cần xây dựng "sức đề kháng" để loại bỏ bạo lực học đường
Theo số liệu thống kê tại Hội nghị đánh giá về công tác phòng, chống bạo lực học đường tổ chức năm 2022 (số liệu tổng hợp từ báo cáo của 49/63 tỉnh, thành phố) cho thấy, trong 5 năm (từ năm học 2017-2018 đến năm học 2021-2022), tổng số vụ việc bạo lực học đường xảy ra là 2.624 vụ, với 7.209 đối tượng có liên quan.
Trong đó, năm học 2017-2018 và 2018-2019 có số vụ bạo lực học đường cao nhất và ngày càng có xu hướng giảm dần cả về số vụ việc và số đối tượng tham gia. Năm học 2021-2022 có tổng số 386 vụ/1.161 đối tượng liên quan, số học sinh có nguy cơ liên quan đến bạo lực học đường là 935 học sinh.
Đáng chú ý, theo số liệu trích xuất từ cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, tính từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 27 vụ việc về bạo lực học đường liên quan đến 108 người (Tiểu học: 3 vụ việc, liên quan đến 17 người; THCS: 17 vụ việc, liên quan đến 59 người; THPT: 7 vụ việc, liên quan đến 32 người).
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, chia sẻ bên hàng lang Quốc hội về vấn nạn bạo lực học đường gây nhiều hệ lụy trong thời gian qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, bạo lực học đường gần đây mức độ và có tính chất đáng lo ngại, không chỉ "động tay chân" mà còn cả về tinh thần.
Cụ thể, ông Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ lo ngại là bạn bè các em chưa có thái độ rõ ràng, chưa chủ động tích cực tham gia ngăn cản bạo lực học đường. Theo ông Vinh, chúng ta cần có thái độ cương quyết loại bỏ tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực học đường.
Nói về nguyên nhân dẫn tới bạo lực học đường như thời gian vừa qua, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, một phần do tác động từ phim ảnh, một phần do tác động từ mạng xã hội. Hiện nay, học sinh tiếp cận thông tin trên mạng xã hội dễ dàng, những nội dung tiêu cực thì trẻ em, học sinh rất dễ học theo.
Đứng trước thực trạng như vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu quan điểm, cần xây dựng "sức đề kháng" cho học sinh. Để làm được điều này ngoài định hướng để các em tiếp cận thông tin lành mạnh, hạn chế tiếp xúc thông tin xấu độc, tiêu cực thì cần giúp các em tự nhận biết được đâu là cái xấu, đâu là cái tốt.
Nói về tính nêu gương của người lớn rất quan trọng, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, người lớn đã có nhận thức đầy đủ nên trẻ thường học và làm theo người lớn. Vì vậy, người lớn hành động, suy nghĩ thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em.
"Tôi cho rằng, người lớn khi có mặt con trẻ phải hành xử đúng mực, kiềm chế. Đừng để trẻ tiếp xúc với những hành vi tiêu cực, khuyến khích trẻ tiếp xúc với cách ứng xử tích cực", ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, văn hóa học đường nằm trong nội dung mỗi môn học từ bài học tiếng Việt, tiếng Anh hay các môn học khác. Nếu các môn học được thiết kế có tính giáo dục cao thì sẽ rất tốt cho học sinh. Tôi lấy ví dụ, bây giờ ra đường nếu người lớn có ý định vượt đèn đỏ thì trẻ con nhắc ngay. Đấy là do các em được giáo dục từ nhỏ phải tuân thủ luật giao thông.
"Nhưng có người nói là trẻ khi còn nhỏ thì các em có ý thức cao nhưng lớn hơn thì giảm dần độ tự giác, tôi cho rằng ngoài yếu tố giáo dục thì cần quản lý xã hội nghiêm minh đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Có xây, có chống thì giúp hành vi nhận thức mọi người tốt hơn", ông Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, nội hàm của môn học rất quan trọng, trước đây có bài "hai con dê qua cầu". Dù đây là câu chuyện nhỏ nhưng giải thích cho các em hiểu rằng, nếu hai con dê nhường nhịn sẽ mang đến sự tích cực thế nào, nếu không nhường nhịn sẽ ra sao. Bài học này cũng được áp dụng khi người dân tham gia giao thông khi tắc đường, nễu mỗi người nhường nhịn nhau một chút sẽ tốt lên thế nào, không nhường sẽ ra sao.
Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, nội dung bài học trong sách cố gắng thiết kế khoa học để học sinh tự cảm nhận được cái gì là tốt để dần hình thành nhân cách của các em. Đồng thời, làm sao xây dựng cho các em sức đề kháng, phân biệt được cái tốt, cái xấu từ đó để các em hướng tới cái tốt, cùng tham gia loại bỏ cái xấu.
Cảnh báo nguy hiểm khi người tiểu đường mắc sốt xuất huyết
Theo Công An Nhân Dân thời gian qua, Bệnh viện Nội tiết Trung ương thường xuyên tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng kèm bệnh nền đái tháo đường, tiểu cầu giảm sâu, nguy cơ xuất huyết cao.
Vào nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục kèm đau mỏi người, đau cơ xương khớp, bà L.T.N (66 tuổi, trú Hoàng Mai, Hà Nội) có hiện thượng chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm cực thấp, ở mức 6 G/L (bình thường từ 150 – 400 G/L).
Bà được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue. Khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân điều trị đái tháo đường typ 2, cao huyết áp, rối loạn lipid máu trên 10 năm.
Theo ThS.BS. Phạm Hồng Quảng, phụ trách Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: Tiểu cầu của bệnh nhân giảm rất sâu trong quá trình điều trị. Do vậy, kíp điều trị phải theo dõi sát sao, đồng thời cân nhắc kỹ chỉ định việc truyền tiểu cầu vì những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình truyền như gây dị ứng, sốc, lây nhiễm mầm bệnh truyền nhiễm thông qua truyền máu.
Mặc khác, bệnh nhân còn mắc đái tháo đường type 2, huyết áp cao nên việc bù dịch gặp khó khăn, sức đề kháng của người bệnh kém, sẽ chậm hồi phục, việc điều chỉnh đường huyết sẽ càng gặp khó khăn hơn do tình trạng nhiễm trùng làm tăng đường máu.
BS Quảng còn cho biết thêm, số lượng tiểu cầu càng thấp thì nguy cơ xuất huyết càng cao, hệ miễn dịch suy giảm dễ dẫn tới bội nhiễm như viêm phế quản, viêm phổi…
Sau nhiều ngày điều trị tích cực, bệnh tình của bà N đã chuyển biến tốt, hết sốt, hết chảy máu chân răng, ăn uống ngon miệng, người khỏe, đường máu, huyết áp ổn đinh. Tiểu cầu trên 100 G/L và có thể xuất viện.
Theo khuyến cáo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường, thậm chí dễ dẫn đến tiểu cầu giảm sâu gây xuất huyết nặng (như xuất huyết nội tạng, xuất huyết não), thoát huyết tương, cô đặc máu gây nên tình trạng sốc đe dọa tính mạng của người bệnh, nhất là với những người có bệnh lý nền.
"Hiện nay không có phương pháp điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu, vì vậy những người bệnh đái tháo đường cần có các biện pháp phòng tránh mắc bệnh. Nếu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người bệnh có tiền sử đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa cần đến cơ sở y tế thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, theo dõi, ngăn ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn như xuất huyết, hội chứng sốc Dengue. Đặc biệt, không tự ý điều trị tại nhà", BS Quảng khuyến cáo.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông liên hoàn làm 5 xe ô tô hư hỏng
Thông tin ban đầu trên báo Quân Đội Nhân Dân, khoảng 5h20 ngày 30/10, tại Km33+870, Quốc lộ 5 thuộc địa phận Quán Gỏi, xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang chiều từ Hải Phòng đi Hà Nội đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 5 xe ô tô.
Xe container 15C-101.15 kéo theo rơ moóc 15R-040.68 do ông Vũ Chí Công sinh năm 1977, trú tại xã Lai Vu, huyện Kim Thành, Hải Dương điều khiển theo hướng Hải Phòng - Hà Nội đã va chạm vào phần sau của xe ô tô con 34A-639.92 do anh Vũ Long Phi (sinh năm 1982, trú phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương) điều khiển cùng chiều phía trước.
Cú va chạm đã đẩy xe ô tô con tiếp tục đâm vào phía sau xe tải 15C-418.53 do anh Hoàng Đức Dũng (sinh năm 1993, trú An Dương, Hải Phòng). Sau đó, xe tải tiếp tục va chạm với xe ô tô con 34A-518.53 do anh Vũ Công Cẩm (sinh năm 1985, trú phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương) điều khiển và đẩy chiếc xe này tiếp tục đâm vào phía sau xe ô tô con 34A-257.30 do anh Lê Quốc Văn (sinh năm 1980, trú phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương) điều khiển đi phía trước.
Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, 5 chiếc xe bị hư hỏng, trong đó xe ô tô con 34A-639.92 hư hỏng khá nặng. Vụ việc khiến tuyến đường 5 bị ùn tắc cục bộ.
Ngay khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã có mặt, tổ chức phân luồng giao thông. Sau khoảng hơn 1 giờ, giao thông trên tuyến đường trở lại bình thường. Nguyên nhân vụ tai nạn đang được điều tra, làm rõ.
Trúc Chi (t/h)