Bản tin chiều 7/5: Công chức không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị điều chuyển hoặc buộc thôi việc

Tin tức đáng chú ý chiều 7/5: Công chức không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị điều chuyển hoặc buộc thôi việc; TP.HCM xây dựng phương án sắp xếp cán bộ, công chức sau sáp nhập hành chính; Hầm chui nút giao An Phú lùi thời gian thông xe đến tháng 6; Doanh nghiệp TP.HCM tuyển hơn 8.100 lao động chất lượng cao, lương trung bình 50 triệu đồng/tháng; Rà soát quy định đất đai nhằm đảm bảo thống nhất khi sáp nhập tỉnh, thành.

Công chức không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị điều chuyển hoặc buộc thôi việc

Ngày 7/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Cán bộ, công chức với nhiều nội dung mới, đáng chú ý là quy định công chức có thể bị điều chuyển sang vị trí thấp hơn hoặc buộc thôi việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo dự thảo, công chức sẽ được đánh giá theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá dựa trên kết quả công việc, sản phẩm theo từng vị trí, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ. Kết quả này được lưu hồ sơ, thông báo đến cá nhân và công khai tại đơn vị công tác, làm căn cứ cho việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo là với công chức bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ”, cơ quan quản lý có quyền điều chuyển sang vị trí có yêu cầu thấp hơn hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc. Trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp, công chức sẽ bị buộc thôi việc. So với quy định hiện hành, đề xuất mới đã rút ngắn thời gian xử lý, loại bỏ quy trình theo dõi kéo dài sáu tháng.

Dự thảo cũng thể hiện nỗ lực xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”, hướng đến mô hình quản lý công chức hiện đại, minh bạch và có trách nhiệm, đồng thời thể chế hóa các định hướng lớn của Trung ương trong đổi mới công tác cán bộ.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao đề xuất này, cho rằng cách đánh giá theo kết quả và sản phẩm cụ thể giúp khắc phục tình trạng đánh giá hình thức trước đây. Một số đại biểu cũng đề nghị cần có tiêu chí định lượng rõ ràng, áp dụng công nghệ số để tăng tính khách quan và công bằng. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế phân biệt giữa công chức quản lý và công chức không giữ chức vụ để đảm bảo đánh giá phù hợp với tính chất công việc.

Ủy ban cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa việc kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên và người đứng đầu, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực công.

TP.HCM xây dựng phương án sắp xếp cán bộ, công chức sau sáp nhập hành chính

UBND TP.HCM vừa trình Chính phủ đề án sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính sau khi hợp nhất địa giới hành chính với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương. Theo đề án, TP.HCM mở rộng sẽ có diện tích 6.772 km², dân số trên 13,7 triệu người và bao gồm 168 đơn vị hành chính cấp xã (113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo).

Về tổ chức chính trị, TP.HCM sẽ có 6 tổ chức Đảng cấp trên cơ sở và 168 tổ chức Đảng cấp xã. HĐND cấp tỉnh được hợp nhất từ đại biểu ba địa phương và tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021–2026. Các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND, đoàn ĐBQH và các ban chuyên môn sẽ được chỉ định, trong đó cho phép chỉ định một số nhân sự không phải là đại biểu HĐND. Cấp xã cũng thực hiện tương tự.

Toàn bộ công chức cấp huyện hiện tại sẽ được điều động làm việc tại các phường, xã mới thành lập. TP.HCM giữ nguyên cơ cấu tổ chức của 15 sở và cơ quan tương đương, trong đó có Sở An toàn thực phẩm đang thí điểm theo Nghị quyết 98/2023. Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng được giữ nguyên.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ hoàn tất vào ngày 15/8 đối với cấp xã và 15/9 đối với cấp tỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ được rà soát và bố trí lại theo tiêu chuẩn chuyên môn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. TP.HCM cũng chấm dứt nhiệm vụ của hơn 9.700 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Về viên chức, UBND xã, phường mới sẽ quản lý đội ngũ đang công tác tại trường học và trạm y tế trên địa bàn. Viên chức trạm y tế sẽ giữ nguyên số lượng, trong khi nhân sự tại trung tâm y tế cấp huyện sẽ chuyển về trực thuộc Sở Y tế.

Hầm chui nút giao An Phú lùi thời gian thông xe đến tháng 6

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, hầm chui thuộc dự án nút giao An Phú (TP. Thủ Đức), công trình giao thông lớn nhất thành phố hiện nay sẽ phải lùi thời gian đưa vào khai thác đến cuối tháng 6/2025. Nguyên nhân chính là do hạng mục trạm bơm thoát nước trong hầm chưa hoàn thiện, dù toàn bộ kết cấu hầm, hệ thống chiếu sáng và biển báo đã thi công xong.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án, cho biết khu vực thi công trạm bơm có địa chất và mạch nước ngầm phức tạp, phát sinh nhiều vấn đề kỹ thuật đòi hỏi xử lý kỹ lưỡng nhằm đảm bảo an toàn vận hành sau này. Đơn vị cam kết đẩy nhanh tiến độ để thông xe vào ngày 30/6 tới.

Hầm chui dài 480 m, gồm 4 làn xe, chạy dọc theo đại lộ Mai Chí Thọ tại điểm giao với đường Đồng Văn Cống. Với tổng mức đầu tư 341 tỷ đồng, hầm này là một trong hai đường hầm chính thuộc dự án nút giao An Phú, được kỳ vọng sẽ giải quyết điểm nghẽn giao thông quan trọng, đặc biệt đối với xe từ hầm Thủ Thiêm rẽ lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và ngược lại.

Dự án nút giao An Phú được khởi công vào cuối năm 2022, có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Công trình gồm ba tầng với hệ thống cầu vượt, hầm chui hai chiều, đảo tròn trung tâm và tháp biểu tượng, kết nối các trục giao thông huyết mạch như cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, đường Nguyễn Thị Định và Đồng Văn Cống. Đây là khu vực cửa ngõ dẫn vào cảng Cát Lái, cảng container lớn nhất cả nước, với lưu lượng hơn 20.000 lượt xe mỗi ngày.

Song song với nút giao An Phú, TP.HCM cũng đang triển khai giai đoạn cuối của nút giao Mỹ Thủy, đồng thời chuẩn bị khởi công nhiều dự án hạ tầng trọng điểm trong quý 2 và 3/2025 nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông khu Đông thành phố.

Doanh nghiệp TP.HCM tuyển hơn 8.100 lao động chất lượng cao, lương trung bình 50 triệu đồng/tháng

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (thuộc Sở Nội vụ), tính đến cuối tháng 4/2025, trên địa bàn thành phố đang có 8.149 vị trí tuyển dụng dành cho lao động chất lượng cao, chủ yếu ở các chức danh quản lý, chuyên gia và lao động kỹ thuật chuyên môn. Mức lương trung bình cho các vị trí này lên đến 50 triệu đồng/tháng, cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao cấp tại TP.HCM đang rất lớn và sôi động.

Trong số các vị trí nói trên, có gần 1.000 vị trí tuyển dụng đang trong thời hạn ngắn (dưới 15 ngày), song số lượng người lao động Việt Nam tiếp cận và ứng tuyển còn hạn chế, chỉ ghi nhận 1.488 lượt ứng tuyển và chưa có trường hợp nào trúng tuyển. Nguyên nhân được cho là do người lao động chưa tiếp cận được đầy đủ thông tin tuyển dụng, đồng thời các tiêu chí từ phía doanh nghiệp đặt ra khá khắt khe, yêu cầu nhiều điều kiện về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và ngoại ngữ.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, đã có 1.804 doanh nghiệp gửi thông báo tuyển dụng lao động Việt thay thế cho vị trí dự kiến thuê lao động nước ngoài theo quy định tại Nghị định 70/2023/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người lao động như tư vấn học nghề, hỗ trợ học phí cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (với 736 quyết định hỗ trợ đã được ban hành), phối hợp với các cơ sở đào tạo và công ty đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

Trong tháng 4/2025, Trung tâm đã tiếp nhận 12.376 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 16% so với tháng trước. Trong thời gian tới, đơn vị dự kiến tổ chức ít nhất 8 phiên giao dịch việc làm, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, dự báo nhu cầu thị trường ngắn hạn và tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo cùng tham gia sàn giao dịch việc làm nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giữa người lao động và thị trường việc làm.

Rà soát quy định đất đai nhằm đảm bảo thống nhất khi sáp nhập tỉnh, thành

Ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, vừa có văn bản gửi Ban Chỉ đạo triển khai đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đề nghị các địa phương tiến hành rà soát toàn diện hệ thống quy định pháp luật liên quan đến đất đai. Mục tiêu là điều chỉnh và bổ sung phù hợp khi tiến hành sáp nhập các tỉnh, thành phố theo Nghị quyết 60 của Trung ương.

Theo đánh giá của Bộ, quá trình hợp nhất các đơn vị hành chính có thể tạo ra sự chênh lệch về chính sách giữa các khu vực vốn có cơ chế riêng, từ đó phát sinh những bất cập như khác biệt về mức bồi thường khi thu hồi đất, điều kiện tách thửa, hạn mức giao đất, quyền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính liên quan. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý mà còn dễ dẫn đến khiếu nại, so bì thiệt hơn giữa người dân các địa phương khác nhau sau sáp nhập.

Cụ thể, các vấn đề cần rà soát bao gồm: thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, mức hỗ trợ tái định cư tối thiểu, chính sách đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, đơn giá bồi thường thiệt hại tài sản, điều kiện hợp và tách thửa đất ở các khu vực khác nhau. Ngoài ra, cần lưu ý xây dựng chính sách chuyển tiếp để đảm bảo các quy định mới được áp dụng nhất quán, không tạo khoảng trống pháp lý, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người sử dụng đất.

Bộ cũng khuyến nghị, nếu không thể ban hành quy định thống nhất ngay, địa phương có thể thiết lập các cơ chế đặc thù mang tính chuyển tiếp nhằm duy trì sự ổn định, tránh gián đoạn trong hoạt động quản lý và thi hành chính sách đất đai hậu sáp nhập.

Theo lộ trình của Nghị quyết 60, cả nước sẽ tiến hành sáp nhập 63 tỉnh, thành còn lại thành 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Sau sáp nhập, bộ máy chính quyền địa phương sẽ được tổ chức lại, chỉ còn cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-chieu-7-5-cong-chuc-khong-hoan-thanh-nhiem-vu-co-the-bi-dieu-chuyen-hoac-buoc-thoi-viec-317637.html