Bản tin chính sách kinh doanh tuần 27/2025

Trong tuần qua, nhiều chính sách kinh tế đáng chú ý đã được Chính phủ ban hành. Đồng thời, các hiệp hội ngành nghề và cơ quan chuyên môn cũng đưa ra những đề xuất quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh.

TP.HCM kiến nghị duy trì áp dụng 3 bảng giá đất hiện hữu đến hết năm 2025

Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP.HCM tiếp tục áp dụng ba bảng giá đất hiện hữu trên địa bàn thành phố kể từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2025. Theo nội dung kiến nghị, từ ngày 1/7/2025, TP.HCM sẽ tồn tại đồng thời ba bảng giá đất do quá trình sáp nhập địa giới hành chính.

Cụ thể gồm: Bảng giá đất của TP.HCM được ban hành theo Quyết định số 79/2024; Bảng giá đất của tỉnh Bình Dương theo Quyết định số 63/2024; Bảng giá đất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo Quyết định số 26/2024. Ba bảng giá đất này được xây dựng dựa trên cơ sở vị trí, khu vực và tuyến đường cụ thể, đã được xác lập trước khi tiến hành sáp nhập các địa phương.

Việc áp dụng các bảng giá đất này sẽ căn cứ vào đặc điểm địa lý tương ứng của 168 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay trên địa bàn TP.HCM. Đáng chú ý, việc áp dụng các bảng giá đất nêu trên phù hợp với quy định tại Nghị định số 71/2024 của Chính phủ về giá đất, không yêu cầu phải thông qua HĐND cùng cấp.

Bán thuốc trực tuyến bắt buộc công khai chứng chỉ hành nghề và số điện thoại người tư vấn

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dược. Theo đó, nghị định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, với nhiều quy định cụ thể liên quan đến hoạt động kinh doanh dược phẩm qua các nền tảng thương mại điện tử.

Một điểm nhấn quan trọng trong Nghị định là yêu cầu bắt buộc các cơ sở kinh doanh dược khi hoạt động trên các ứng dụng hoặc sàn giao dịch thương mại điện tử phải công khai đầy đủ các thông tin pháp lý liên quan.

Cụ thể, bao gồm giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phải công bố rõ tên cơ sở, địa chỉ, số, ngày cấp và cơ quan cấp; chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn cần ghi rõ họ tên, số chứng chỉ, ngày cấp và cơ quan cấp và các thông tin này phải được hiển thị công khai, minh bạch trên ứng dụng, website hoặc gian hàng điện tử của cơ sở kinh doanh. Bên cạnh đó, thông tin về thuốc cũng phải được đăng tải đầy đủ và chi tiết, bao gồm: tên thuốc, số giấy đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu, thành phần, dạng bào chế, quy cách đóng gói, hạn dùng, tên nhà sản xuất, công dụng, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, cách sử dụng, lưu ý khi dùng và hình ảnh thực tế.

Chính phủ ban hành Danh mục 26 dữ liệu cốt lõi và 43 dữ liệu quan trọng

Ngày 2/7/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã ký ban hành Quyết định số 20/2025/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định về Danh mục dữ liệu cốt lõi và Danh mục dữ liệu quan trọng cần được bảo vệ nghiêm ngặt trong quá trình thu thập, lưu trữ và sử dụng. Theo nội dung Quyết định, dữ liệu cốt lõi được hiểu là những loại dữ liệu có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia nếu bị thu thập, sử dụng trái phép.

Các lĩnh vực này bao gồm quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, sức khỏe cộng đồng và an toàn công chúng. Mặc dù không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, các loại dữ liệu này vẫn cần được bảo vệ ở mức độ cao do tính chất nhạy cảm và tầm ảnh hưởng sâu rộng của chúng. Chính phủ xác định tổng cộng 26 loại dữ liệu cốt lõi. Trong đó bao gồm dữ liệu liên quan đến biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, các chiến lược và dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và cơ yếu chưa được công khai.

Bên cạnh đó, dữ liệu về công nghiệp quốc phòng, các hoạt động đầu tư, mua sắm trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và dự trữ quốc gia cũng nằm trong danh mục cần bảo vệ. Những thông tin liên quan đến các công trình quân sự, hạ tầng an ninh mạng, quy hoạch tần số vô tuyến phục vụ quốc phòng, cũng như dữ liệu khí tượng thủy văn và môi trường phục vụ mục đích quốc phòng đều được phân loại là dữ liệu cốt lõi.

Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa phục vụ phát triển khoa học, công nghệ

Ngày 1/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 182/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Theo đó, từ ngày 1/7/2025, các loại hàng hóa nhập khẩu phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghiệp công nghệ số sẽ được miễn thuế nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu trong việc tiếp cận thiết bị, vật tư tiên tiến phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tri thức.

Cụ thể, Nghị định quy định hàng hóa nhập khẩu nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và công nghiệp công nghệ số sẽ được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Luật số 90/2025/QH15. Đây là đạo luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định quan trọng liên quan đến các luật như Luật Đầu tư, Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công,… nhằm tạo sự đồng bộ trong cơ chế chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ cao.

Việc xác định danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện miễn thuế theo các điểm a, c và d khoản 21 Điều 16 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (đã được sửa đổi tại Luật số 90/2025/QH15) sẽ do Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp đảm bảo tính minh bạch, nhất quán trong việc xác định phạm vi miễn thuế, đồng thời tăng cường vai trò điều phối chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực này.

Từ 1/7, doanh nhân xuất sắc có thể làm công chức lãnh đạo theo hợp đồng

Từ ngày 1/7/2025, Chính phủ cho phép ký hợp đồng với doanh nhân, chuyên gia đầu ngành để thực hiện nhiệm vụ công chức lãnh đạo, quản lý trong các lĩnh vực chiến lược, cấp bách. Theo Nghị định số 173/2025/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 30/6/2025, nhà quản trị doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, luật sư, luật gia, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực phù hợp sẽ được xem xét ký hợp đồng để đảm nhiệm một hoặc một số nhiệm vụ công vụ thuộc vị trí lãnh đạo, quản lý.

Các nhiệm vụ này mang tính chiến lược, đột xuất, cấp bách hoặc không thường xuyên, bao gồm việc xây dựng chính sách, hoạch định chiến lược, đề xuất chương trình, đề án lớn liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ số, hạ tầng số và chuyển đổi số quốc gia. Đây là những lĩnh vực đang được Nhà nước đặc biệt quan tâm trong tiến trình hiện đại hóa bộ máy và thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Bên cạnh vai trò lãnh đạo, doanh nhân và chuyên gia còn có thể được mời thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn mang tính đặc thù, chuyên sâu, đòi hỏi trình độ cao hoặc có tính thời vụ, không thường xuyên. Ví dụ như tham gia đề án nghiên cứu, thử nghiệm chính sách mới, triển khai mô hình công nghệ mới, hoặc hợp tác công tư trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.

Thanh An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-chinh-sach-kinh-doanh-tuan-27-2025-319680.html