GDP 6 tháng tăng 7,52%, cao nhất 15 năm
GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, cao nhất cùng kỳ trong giai đoạn 2011-2025. Dịch vụ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, với giá trị tăng thêm 8,14%, cao nhất trong 15 năm và đóng góp 52,21% vào tăng trưởng chung.
Dịch vụ bứt phá
Sáng 5/7, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025.
Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, nhận định kinh tế – xã hội quý II và nửa đầu năm 2025 đạt kết quả rất tích cực, với đà tăng trưởng cao đồng đều ở cả ba khu vực kinh tế, phản ánh sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu trong nước và thế giới khởi sắc.
Cụ thể, GDP quý II tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng kỷ lục 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2025. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 7,52%, là mức cao nhất của cùng kỳ giai đoạn 2011–2025.

Ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng 8,07% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Hồng Hạnh.
Xét theo khu vực kinh tế, dịch vụ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, với giá trị tăng thêm 8,14%, cao nhất trong 15 năm và đóng góp 52,21% vào tăng trưởng chung. Ngoại thương, vận tải, du lịch phục hồi mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Khu vực này đóng vai trò động lực chính, phản ánh sự hồi phục của thị trường trong nước và sức hút du khách quốc tế.
Khu vực công nghiệp - xây dựng cũng duy trì đà tăng vững chắc, tăng 8,33%, đóng góp 42,2% vào GDP.
Trong đó, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng 8,07% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức đỉnh 8,89% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2025.
Riêng ngành công nghiệp đóng góp 2,64 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong phục hồi sản xuất, xuất khẩu và đầu tư.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dù chiếm tỷ trọng nhỏ hơn, vẫn giữ được đà tăng ổn định, tăng 3,84%, đóng góp 5,59% vào GDP. Trong đó, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng vững với mức 3,51%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm, nhờ sản xuất cây trồng, chăn nuôi ổn định và xuất khẩu nông sản thuận lợi.
Theo bà Hương, kết quả trên phản ánh nỗ lực của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp trong duy trì sản xuất – kinh doanh, khơi thông chuỗi cung ứng và thúc đẩy các ngành dịch vụ chủ chốt.
Những tín hiệu tích cực từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, cùng với cải thiện tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đã tạo lực đẩy quan trọng cho tăng trưởng nửa đầu năm.
Xuất nhập khẩu đạt hơn 432 tỷ USD, xuất siêu gần 7,6 tỷ
Báo cáo của Cục Thống kê cũng cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2025 đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu 212,2 tỷ USD, tăng 17,9%. Cán cân thương mại thặng dư 7,63 tỷ USD.
Riêng tháng 6, kim ngạch xuất khẩu đạt 39,49 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước nhưng tăng 16,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,64 tỷ USD (giảm 5,7% so với cùng kỳ), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 30,85 tỷ USD (tăng 24,4%). Tính riêng quý II, xuất khẩu đạt 116,93 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và cao hơn 13,6% so với quý I.

Việt Nam xuất siêu 7,63 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm (ảnh minh họa).
6 tháng, có 28 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch; trong đó, 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, đóng góp 72,3%. Các nhóm hàng chủ lực gồm: công nghiệp chế biến (194,28 tỷ USD, chiếm 88,4%); nông – lâm sản (19,12 tỷ USD, chiếm 8,7%); thủy sản (5,11 tỷ USD, chiếm 2,3%).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 6 đạt 36,66 tỷ USD, giảm 6,1% so với tháng trước nhưng tăng 20,2% so với cùng kỳ. Trong quý II, nhập khẩu đạt 112,52 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, nhập khẩu đạt 212,2 tỷ USD; trong đó, khu vực FDI chiếm khoảng 65%, với mức tăng mạnh 22,3%. Có 33 mặt hàng nhập khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 mặt hàng trên 5 tỷ USD.
Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,7% tổng kim ngạch nhập khẩu, tập trung vào máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu. Vật phẩm tiêu dùng đạt 13,28 tỷ USD, chiếm khoảng 6,3%.
Về thị trường, Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 70,91 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc và EU. Việt Nam xuất siêu 62 tỷ USD sang Mỹ (tăng 29,1% so với cùng kỳ), 19 tỷ USD sang EU và 1,2 tỷ USD sang Nhật Bản. Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc hơn 55,6 tỷ USD, Hàn Quốc 14,6 tỷ USD và ASEAN 7,5 tỷ USD.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/gdp-6-thang-tang-752-cao-nhat-15-nam-192250705134705871.htm