Bản tin Năng lượng Quốc tế 1/11: Xung đột Israel - Iran tiếp tục tác động đến giá dầu
PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức mới nhất trên thị trường Năng lượng Quốc tế.
1. Tính đến đầu giờ sáng nay 1/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 70,61 USD/thùng - tăng 1,95%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 73,16 USD/thùng - tăng 0,84%.
Trước đó, cả hai chuẩn dầu quốc tế đều tăng gần 1% tại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, sau khi thị trường nắm được báo cáo cho biết Iran đang chuẩn bị tấn công Israel.
2. Theo Rystad Energy, OPEC và các đồng minh không có khả năng khôi phục sản lượng dầu trong năm nay vì các nhà khai thác đang "kiếm được rất nhiều tiền" từ các sản phẩm tinh chế.
Các nhà đầu tư đang tập trung vào việc liệu OPEC+ có khôi phục sản lượng vào tháng 12 hay không, một động thái sẽ giúp đẩy thị trường tiến gần hơn đến tình trạng dư cung trong năm tới.
3. Công ty con của gã khổng lồ khí đốt Nga Gazprom đang kiện Linde, công ty khí đốt công nghiệp lớn nhất thế giới, trong một vụ kiện trị giá 884 triệu USD liên quan đến việc Linde rút khỏi một nhà máy xử lý khí đốt ở miền Đông nước Nga.
Sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, Linde có trụ sở tại Đức đã tuyên bố vào năm 2022 rằng họ sẽ rút khỏi Nga, dừng mọi hoạt động phát triển, bán tài sản công nghiệp và chấm dứt cung cấp cho một số khách hàng.
4. Biên lợi nhuận lọc dầu yếu, sản lượng LNG thấp hơn và giá dầu giảm đã ảnh hưởng đến thu nhập Quý III của TotalEnergies.
TotalEnergies ngày 31/10 cho biết, thu nhập ròng đã điều chỉnh là 4,1 tỷ USD trong Quý III, giảm 13% so với Quý II và giảm so với 6,45 tỷ USD của một năm trước.
5. Ngành xuất khẩu LNG của Mỹ gần đây đã gặp phải một số trở ngại. Các vụ kiện tụng tại tòa từ các nhóm môi trường, vụ phá sản của nhà thầu và việc Tổng thống Joe Biden tạm dừng giấy phép đã kết hợp lại làm tăng thêm sự không chắc chắn đối với các nhà phát triển và xuất khẩu dự án LNG của Mỹ trong thập kỷ này.
Trước đó, việc mở rộng cơ sở hạ tầng xuất khẩu LNG trong 5 năm qua và tính linh hoạt trong điểm đến hàng hóa đã đưa Mỹ trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới.